Home Tin Tức Thời Sự 40 giáo dân Cồn Dầu lẩn trốn tại Thái Lan xin tỵ nạn

40 giáo dân Cồn Dầu lẩn trốn tại Thái Lan xin tỵ nạn PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Ba, 24 Tháng 8 Năm 2010 17:05

BANGKOK - Có ít nhất là 40 người là giáo dân giáo xứ Cồn Dầu, thành phố Ðà Nẵng hiện đang lánh nạn tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.

Tin của đài Á Châu Tự Do hôm 23 tháng 8 cho biết: “Người cao tuổi nhất 70 tuổi, nhiều cháu nhỏ đang độ tuổi mẫu giáo. Có người đi với một số thành viên trong gia đình, có người đi một mình. Họ đang chờ Cao ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc giúp đỡ vì bị truy bức tại quê nhà.”

Vụ công an đàn áp giáo dân Cồn Dầu khiến nhiều người trốn sang Thái Lan xin tỵ nạn. (Hình: 4vietnam.org) 
 
Phóng viên đài Á Châu Tự Do ghi nhận, số người này đang rất chật vật trốn tránh tại Thái Lan vì họ sợ bị cảnh sát Thái phát hiện sẽ giải giao về lại Việt Nam.

Nhiều người đã qua Thái được bốn tháng nhưng phải dời nhà rất nhiều lần để tránh bị theo dõi, nhất là an ninh Việt Nam có thể qua tới Thái để tìm họ.

Hai ba ngày họ mới dám ra chợ một lần. Con cái bị nhốt trong nhà và không dám cười nói lớn tiếng vì sợ bị phát hiện.

Ngay cả việc đi lễ ngày Chủ Nhật là luật buộc đối với người Công Giáo, họ vẫn không dám thực hiện vì sợ lộ diện sẽ bị cảnh sát Thái Lan bắt phạt rồi trục xuất về Việt Nam.

Ðối với nhóm đồng bào này khi qua Thái Lan tìm đường tránh công an Việt Nam là một thảm họa còn lớn hơn thảm họa đã xảy ra trong những tháng ngày qua tại giáo xứ Cồn Dầu. Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đã phỏng vấn họ nhưng vẫn còn nhiều đợt phỏng vấn khác trước khi chính thức được nước thứ ba chấp nhận tư cách tỵ nạn vì lý do tôn giáo. Nhiều người vẫn không thấy hy vọng gì.

Những đồng bào này đi qua cửa khẩu Lao Bảo ở Ðông Hà theo đường biên giới qua Lào, từ đó sang Thái Lan. Trong khi ở Thái không những họ luôn lo sợ sự an nguy của mình mà thân nhân của họ còn lại tại Cồn Dầu cũng không ai dám chắc có an toàn, không bị công an làm khó dễ hay không.

Nguyện vọng chung của những đồng bào này là mong muốn các tổ chức quốc tế thấy được hoàn cảnh ngặt nghèo của họ để cứu xét qui chế tỵ nạn. Những đồng bào này cũng mong bên ngoài can thiệp cho những người còn bị giam giữ trong vụ Cồn Dầu vừa qua. Tất cả đều giấu không cho biết tên vì sợ cảnh sát Thái Lan và an ninh Việt Nam truy bức.

Giáo dân xứ Cồn Dầu không ai không nhớ biến cố ngày 4 tháng 5, khi đám tang một cụ bà bị công an tới đàn áp không cho chôn trong nghĩa địa vì nơi đây đang có tranh chấp với nhà nước. Có 66 giáo dân Cồn Dầu đang đưa đám tang bị bắt để thẩm vấn. Cho tới nay vẫn còn sáu người bị biệt giam đó là các ông Trần Thanh Việt, Phan Thị Nhẫn, Nguyễn Hữu Liêm, Nguyễn Hữu Minh, Lê Thanh Lâm, Nguyễn Thị Thế, và Nguyễn Thị Liễu.

Một thành viên của đội trợ trang của giáo xứ là ông Nguyễn Thành Năm bị công an gọi lên làm việc, đánh đập, tra tấn. Vì mời quá nhiều lần lên công an nên anh Năm sợ đánh không lên đồn nữa. Công an xuống bao vây và đến bắt anh tại nhà. Công an đánh giập anh Năm rất dã man rồi vùi anh Năm xuống bùn. Gia đình, vợ con nghe tin xuống van xin, đem anh Năm về thì ngày hôm sau anh chết.

Vào tuần trước, trong một cuộc điều trần trước các dân biểu Hoa Kỳ thuộc Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos, trong đó có dân biểu liên bang Mỹ gốc Việt Joseph Cao Quang Ánh và nhiều dân biểu khác, thân nhân ông Nguyễn Thành Năm và bà Lê Thị Vân, bị công an đánh đến trụy thai, đã trình bày chi tiết mọi sự việc xảy ra.

Sau khi nghe điều trần ủy ban đã đồng loạt yêu cầu Liên Hiệp Quốc cử một đặc sứ đến Việt Nam để điều tra vụ chính quyền địa phương sử dụng bạo lực và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người dân tại giáo xứ Cồn Dầu ở Ðà Nẵng.

Vụ 40 người giáo xứ Cồn Dầu đang lẩn trốn tại Thái Lan chắc chắn sẽ được thông báo đến Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos, đặc biệt là dân biểu liên bang Mỹ gốc Việt Joseph Cao Quang Ánh. (LT)