Home Tin Tức Thời Sự Phản ứng về phát biểu của Đô đốc Willard

Phản ứng về phát biểu của Đô đốc Willard PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Hai, 23 Tháng 8 Năm 2010 20:31

Trung Cộng nhận định lời phát biểu của Willard là không có cơ sở.  

Tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa có bình luận về phát biểu của Đô đốc Mỹ Robert Willard hôm 18/08 tạ̣i Philippines. 

Đô đốc Robert Willard họp báo ở Manila 

Trên trang 3 của số báo ra ngày 20/08, Nhân dân Nhật báo đăng bài của tác giả Su Hao với tựa đề 'Liệu có thể giữ an ninh tại Biển Đông bằng cách gây rắc rối hay không?'

Bài báo nói nhận định của ông Williard, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, rằng thái độ của Trung Quốc đang gây quan ngại cho các nước láng giềng, là "chuyện vớ vẩn".

"Cáo buộc của Robert Williard về Trung Quốc cũng như nhận định của ông ta về tình hình Biển Đông là không có cơ sở".

Tác giả Su Hao nói trong 10 năm qua lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực đã được tăng cường và Chính phủ Trung Quốc luôn ủng hộ đối thoại và hợp tác an ninh với các nước xung quanh trên cơ sở hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.

Nhân dân Nhật báo đưa ra nhiều dẫn chứng cho nhận định rằng sự hợp tác tại Biển Đông đang phát triển thuận lợi, tình hình tại đây hòa bình, ổn định và phát triển tốt.

"Trong bối cảnh như vậy, cái gọi là 'tình hình căng thẳng' ở Biển Đông rõ ràng là luận điệu xuyên tạc nhằm tạo điều kiện để đạt mục tiêu riêng."

Bài báo nói việc các nước lớn bên ngoài khu vực tham gia vào Biển Đông đã gây ra không khí căng thẳng mới.

"Biển Đông đang là biển của hòa bình và ổn định, biển của hơp tác và trao đổi, nhằm thúc đẩy phát triển chung."

Tác giả Su Hao kết luận rằng môi trường an ninh và ổn định tại khu vực Biển Đông sẽ không thay đổi chỉ vì mong muốn ác ý của một người nào đó.

'Chơi với lửa'
Việt Nam nên từ bỏ ảo tưởng rằng nếu có bảo trợ của hải quân Mỹ thì muốn làm gì ở Biển Đông cũng được. / Li Hongmei, Nhân dân Nhật báo
Cũng tờ Nhân dân Nhật báo hôm 17/08 có bài nhận định của biên tập viên kỳ cựu Li Hongmei khuyên "Việt Nam không nên đùa với lửa".

Tuy tờ báo này viết đây chỉ là ý kiến riêng của tác giả, chứ không phải của báo, việc bài của bà Li được đăng trên báo Đảng cho thấy tầm quan trọng của quan điểm mà gần đây nhiều nhà quan sát và học giả Trung Quốc cùng chia sẻ.

Bà Li nói trong khi quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang trải qua một giai đoạn khó khăn mới, các quyết định thiếu khôn ngoan của Việt Nam sẽ chỉ làm căng thằng gia tăng.

"Có lẽ Việt Nam cần nhận thức rằng bị kẹt giữa hai cường quốc là một trò chơi nguy hiểm... Nếu cứ tiếp tục khích động các nước lớn đối chọi nhau thì không ai khác ngoài Việt Nam sẽ phải hối hận trước."


Tham mưu trưởng lục quân Philippines Ricardo David (phải) tiếp Đô đốc Willard tại cuộc họp quốc phòng ở Manila

Bình luận viên Li Hongmei nói giới quan sát quốc tế đang có chung quan điểm rằng Việt Nam đang cố hết sức để quốc tế hóa và đa phương hóa tranh chấp Trung-Việt tại Biển Đông, và muốn Mỹ giúp đối trọng lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

"Nếu Việt Nam lo ngại về hậu quả và quan tâm tới sự bất bình ngày càng lớn của Trung Quốc trước các hoạt động gần đây của Việt Nam, thì cần có hướng đi khác để giảm bớt sự hằn học vô lý đối với Trung Quốc hoặc ít nhất không làm trầm trọng thêm đối đầu Trung-Mỹ vì những điều này sẽ có ảnh hưởng lớn tới chính sách của Trung Quốc về Việt Nam trong tương lai."

Bà Li gợi lại rằng dưới sự lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh, quan hệ Việt-Trung như là anh em và ngày nay, nếu như không thể quay lại được tình cảm cũ thì ít nhất Việt Nam cũng nên phản ứng một cách tích cực trước chính sách làm láng giềng tốt của Trung Quốc.

Theo bình luận viên này, "hành động của Việt Nam lúc này là rất ích kỷ, chỉ biết đến mình... và đồng thời quá đề cao chiếc ô dù bảo trợ của Chú Sam."

"Việt Nam nên từ bỏ ảo tưởng rằng nếu có bảo trợ của hải quân Mỹ thì muốn làm gì ở Biển Đông cũng được. Giả sử Trung Quốc và Việt Nam có xung đột vũ trang, thì không hàng không mẫu hạm của bất cứ quốc gia nào có thể bảo đảm an toàn cho Việt Nam."

Tuy nhiên bà Li cũng khuyến cáo Bắc Kinh không cần quá bận tâm về điều mà bà gọi là "nhỏ nhặt" này.

"Phản ứng tốt nhất của Trung Quốc là tăng nỗ lực giành ảnh hưởng và vị thế ở Đông Nam Á."