Việt Nam muốn kiểm soát mạng internet |
Tác Giả: Rachel Harvey / BBC News, Hà Nội |
Thứ Tư, 18 Tháng 8 Năm 2010 11:24 |
Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, nhờ chính quyền cộng sản thực hiện chính sách tự do hóa nhanh. Hơn 1/3 giới trẻ VN giờ đây thường xuyên lướt mạng Các cửa hàng chất đầy đồ dùng mới nhất, từ đồng hồ tới iPad tới các máy chơi nhạc MP3. Đất nước này đang mở cửa với thế giới bên ngoài, và điều này tạo ra thách thức cho giới chức. Chưa lĩnh vực nào mà điều này thể hiện rõ hơn quanh chuyện sử dụng internet. Hơn 1/3 giới trẻ Việt Nam giờ đây lướt mạng thường xuyên. Có vẻ như mọi quán cà phê ở Hà Nội đều cung cấp hệ thống mạng không dây Wifi miễn phí. Bảo vệ hay kiểm duyệt? Minh và Ngân nói họ thường xuyên lướt mạng internet khi rảnh rỗi Tôi gặp Minh, một luật sư 26 tuổi, và Ngân, người vừa tốt nghiệp đại học tại một địa điểm mà họ ưa thích. Minh lướt mạng bằng điện thoại iPhone, và Ngân dùng laptop để vào kiểm tra trang Facebook. Trò chuyện bên ly cà phê, Ngân kể: “Bất cứ khi nào rỗi rãi, tôi tới đây để lướt mạng và gặp gỡ bạn bè”. Chính phủ phản ứng trước tình trạng bùng nổ internet bằng một luật mới, yêu cầu bất cứ nơi nào cung cấp dịch vụ internet - cho dù là quán cà phê, khách sạn hay doanh nghiệp - phải cài đặt phần mềm theo dõi. Luật được công bố vào tháng Tư sẽ cho phép giới chức theo dõi những ai lướt mạng, và điều này khiến Minh và Ngân lo lắng. Minh nói: “Chắc chắn là có một số trang mạng xấu với thông tin độc hại. Thế nhưng mặt khác, nếu họ làm quá mạnh tay thì chuyện này cũng giống như hạn chế thông tin cho người dân Việt Nam”. Các tổ chức nhân quyền, trong đó có đảng Việt Tân và Phóng viên Không Biên giới, nói đây chính là điều mà chính phủ đang ra sức làm. Họ nói những quy định mới này cũng chính là sự kiểm duyệt của nhà nước. Chính phủ thì nói họ đơn giản chỉ bảo vệ những người dễ bị tổn thương. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói: “Những quy định này là cần thiết để trước hết là bảo vệ mọi người khỏi những tác động tiêu cực của internet và để bảo vệ xã hội của chúng tôi”.
Tuy nhiên, một báo cáo gần đây của tổ chức giám sát nhân quyền Human Rights Watch cáo buộc rằng chính phủ Việt Nam cố tình nhắm vào những người viết blog độc lập. Bà Nga bác bỏ: “Điều này là không đúng. “Ở Việt Nam, chúng tôi có hơn một triệu người viết blog. Những người viết blog không bị bắt giữ vì phát biểu ý kiến. Chỉ những người vi phạm pháp luật là phải bị xử lý theo luật pháp”. Vấn đề cũ Rất nhiều nhà đối lập chính trị có vẻ bị rơi vào hạng mục này. Không phải chuyện họ viết blog gây ra vấn đề, mà việc chọn chủ đề viết mới là điều khiến cho ai đó phải vào tù. Ai viết về tham nhũng, tự do tôn giáo, thu hồi đất đai, hay các hợp đồng không được lòng dân của chính phủ với Trung Quốc có thể khiến công an bất chợt gõ cửa nhà. Lê Thị Công Nhân là một luật sư có tiếng về nhân quyền. Cô là người công khai vận động cho một nền dân chủ đa đảng, và thường sử dụng internet để gửi ra thông điệp của mình. Cô bị kết án ba năm tù vào năm 2007 vì tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Giờ đây, cô đang bị quản chế tại gia.
Tuy nhiên, cho dù có thể gặp rủi ro, Lê Thị Công Nhân vẫn đồng ý gặp tôi, chỉ vào buổi tối và với điều kiện tôi phải cắt đuôi người hướng dẫn mà chính phủ chỉ định. Đường kết nối internet của Công Nhân bị cắt, nhưng bằng cách nào đó, cô vẫn sử dụng được email, mặc dù cô không tiết lộ với tôi bằng cách nào. Cô bảo tôi rằng tình trạng kiểm duyệt internet chỉ là phiên bản mới của một vấn đề cũ. Cô nhấn mạnh: “Điều cơ bản nhất của nhân quyền là quyền tự do ngôn luận. Chúng ta sẽ chẳng có gì nếu không được tự do ngôn luận”. Mạng internet có vẻ giúp thúc đẩy nhu cầu đó, một phần bởi vì kiểm soát dòng thông tin trên mạng ngày càng khó khăn hơn. Điều có vẻ không thể tránh khỏi là căng thẳng giữa một nhà nước kiểm soát tập trung với một thế giới toàn cầu hóa sẽ còn tiếp tục gia tăng. |