Home Tin Tức Thời Sự Mỹ báo động việc Trung Quốc củng cố quân đội

Mỹ báo động việc Trung Quốc củng cố quân đội PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Tư, 18 Tháng 8 Năm 2010 10:46

Nay quân đội Trung Quốc đã có khả năng tấn công trên một diện rộng. 

WASHINGTON - Ngũ Giác Ðài lên tiếng báo động về việc Trung Quốc đang ngấm ngầm củng cố quân đội, tập trung đầu tư vào hệ thống hỏa tiễn và phi đạn tầm xa, khiến một ngày nào đó có thể trở thành một thách thức đối với việc kiểm soát vùng Tây Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, theo Wall Street Journal.


Hải Quân Trung Quốc phóng hỏa tiễn thử nghiệm trong cuộc tập trận ở Biển Ðông. (Hình: AP)

 Nay quân đội Trung Quốc đã có khả năng tấn công trên một diện rộng, tới tận đảo Okinawa của Nhật và quần đảo Trường Sa, ngoài khơi Việt Nam.

Các nhà hoạch định chính sách của TQ còn nhắm tới các mục tiêu xa xôi hơn như đảo Guam và Philippines, theo BBC. Việc xây dựng khả năng tác chiến xa bờ này, theo Ngũ Giác Ðài, thể hiện học thuyết quân sự mới của Trung Quốc.

Trung Quốc đang nâng cấp hệ thống hỏa tiễn, mở rộng các căn cứ tàu ngầm, hiện đại hóa lực lượng hạt nhân và chuẩn bị đưa hàng không mẫu hạm vào hoạt động vào cuối thập niên này. Nay Bắc Kinh có trong tay 1,150 hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn và một số lượng không xác định hỏa tiễn tầm trung.

BBC cũng tường thuật tin TQ mới lập căn cứ hỏa tiễn mới ở Quảng Ðông với tầm bắn xa tới vùng Ðông Nam Á. Báo chí địa phương cho hay căn cứ mới đặt tại khu vực miền núi có tên Thiều Quan và thuộc quản lý của binh chủng chuyên trách hỏa tiễn chiến lược của quân đội Trung Quốc.

Giới quan sát cho rằng tại căn cứ này quân đội Trung Quốc sẽ đặt các hỏa tiễn đạn đạo DF-21C hoặc hỏa tiễn tầm xa CJ-10. Cả hai loại này đều có tầm bắn trên 2,000 cây số, tức vươn tới tận quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, hồi tháng 6 năm ngoái, quân đội nước này đã lập một căn cứ tương tự tại Thanh Viễn, một huyện miền núi khác thuộc tỉnh Quảng Ðông.

Ðược biết hỏa tiễn đạn đạo chống tàu chiến DF-21D, có khả năng tấn công tầu lớn như hàng không mẫu hạm. Trung Quốc được cho là đã có trong tay kỹ thuật này, nhưng thực sự đã sản xuất và sử dụng DF-21D hay chưa thì chưa rõ.

Trung Quốc hiện có 1,150 hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn

Một số lượng không rõ hỏa tiễn tầm trung bắn xa trên 2,000 km

Trung Quốc đang tân trang một hàng không mẫu hạm cũ mua của Urkraina

Ðang huấn luyện 50 phi công có thể đáp máy bay trên hàng không mẫu hạm

Năm nay Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng lên 7.5% lên thành $78 tỉ

Ngân sách quốc phòng của Mỹ: $700 tỉ

Mỹ muốn bán cho Ðài Loan số lượng vũ khí trị giá $6.4 tỉ

Cũng theo Wall Street Journal, phúc trình hàng năm của Bộ Quốc Phòng gửi cho Quốc Hội về “Các diễn biến Quốc phòng và An ninh của Trung Quốc” cho rằng, TQ còn đẩy mạnh về chiến tranh tin học nữa.

Chính quyền Hoa Kỳ từng là mục tiêu của những vụ xâm nhập các trang mạng của chính phủ, mà báo cáo cho là tuồng như xuất phát từ Trung Quốc nhằm đánh cắp những bí mật về quân sự. Báo cáo này nói: “Những vụ xâm nhập này nhắm đến việc lấy cắp thông tin, một số có thể là thông tin thuộc về chiến lược hay tiện ích quân sự.”

Mặc dù hai nước đang gia tăng hợp tác về kinh tế, nhưng mối dây liên kết giữa quân đội Hoa Kỳ với TQ trở nên tồi tệ hơn kể từ hồi tháng 1, khi chính phủ Obama thông báo với Quốc Hội kế hoạch bán cho Ðài Loan số lượng vũ khí trị giá $6.4 tỉ.

Theo BBC, Bộ Quốc Phòng Mỹ cáo giác Trung Quốc đã chi hàng tỷ dollar để nâng cấp quân đội mà không cho thế giới biết. Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc hãy cùng giao ước trở lại để tránh nguy cơ có những hiểu lầm về quân sự. Ông Gates nói: “Việc thiếu minh bạch trong lãnh vực quốc phòng và an ninh của Trung Quốc đang làm gia tăng sự không rõ ràng, gây nguy cơ hiểu lầm và tính toán lầm (giữa các nước).”

Phúc trình của Bộ Quốc Phòng đưa ra hôm Thứ Hai cũng nói Trung Quốc đã đẩy mạnh đáng kể năng lực vượt trội trong tương quan với Ðài Loan. Ngũ Giác Ðài còn cho rằng bàn tay của Trung Quốc nay vươn ra tận Thái Bình Dương.

Trong chương nói về vấn đề Trung Quốc mở rộng tầm tác chiến của quân đội, bản báo cáo ghi nhận là quân đội Trung Quốc đang phát triển nhiều cơ sở và phương tiện cho phép họ tung lực lượng đến can thiệp tại vùng biển Hoa Ðông (tức là biển Nhật Bản), và biển Hoa Nam (tức Biển Ðông), thậm chí qua cả Ấn Ðộ Dương và vượt qua dãy đảo thứ hai tại vùng Tây Thái Bình Dương, theo RFI.


Hỏa tiễn tầm xa CJ-10 diễn hành trên đại lộ Tràng An, bên ngoài Tử Cấm Thành Bắc Kinh, dùng để tấn công mục tiêu trên đất nhưng nghe nói cũng có khả năng bắn hạ tàu chiến. (Hình: Wikipedia/China-PLA)

 Ðối với Ngũ Giác Ðài, tình hình Biển Ðông đã bắt đầu căng thẳng trở lại từ năm 2007 do các tranh chấp chủ quyền. Theo bản báo cáo, Trung Quốc trước hết muốn bảo đảm các đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của họ tại Biển Ðông, và hành xử quyền khai thác tài nguyên của khu vực mà họ tự nhận chủ quyền.

 Ngoài ra, một sự hiện diện quân sự hùng hậu sẽ cho phép Trung Quốc tung lực lượng, phong tỏa hay kiểm soát các tuyến hàng hải thiết yếu trong vùng, nơi qua lại của 50% lượng hàng vận tải đường thủy trên toàn cầu.

Cũng theo RFI, để đạt các mục tiêu trên đây, Hải Quân Trung Quốc đã xây dựng gần xong căn cứ của họ trên đảo Hải Nam, đủ lớn để chứa các tàu ngầm tấn công có khả năng bắn hỏa tiễn đạn đạo, và các loại tàu lớn khác. Căn cứ này cho phép Hải Quân Trung Quốc trực tiếp tiếp cận các tuyến hàng hải chính, và nhất là cho phép họ kín đáo tung tầu ngầm xuống Biển Ðông.

Cũng trong chiều hướng tạo năng lực khống chế Biển Ðông, Trung Quốc đang cho tân trang một hàng không mẫu hạm mua lại của Ukraina, và trong năm nay, có thể tiến hành đóng một chiếc của riêng mình. Một chương trình đào tạo 50 phi công sử dụng được máy bay trên hàng không mẫu hạm cũng đã được quyết định.

Bản báo cáo còn nêu rõ chương trình chế tạo loại oanh tạc cơ tầm xa B6/Badger có khả năng mang theo hỏa tiễn không đối địa tầm xa, đủ sức bắn tới rặng đảo thứ hai. Mặt khác, năng lực và phương tiện tiếp liệu trên không cũng được phát triển, mà theo Ngũ Giác Ðài, cho phép mở rộng các chiến dịch không quân xuống đến Biển Ðông.

Wall Street Journal tường thuật, mối quan ngại đặc biệt của Mỹ là Trung Quốc đang triển khai một loại hỏa tiễn đạn đạo chống tàu chiến với tầm bắn gần 1,000 dặm, như vậy TQ có thể tấn công tàu thuyền trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Theo một số chuyên gia, các hỏa tiễn này có thể làm mất thế thống trị của hải quân Hoa Kỳ.

Một số khác lại cho rằng TQ chưa hề thực hiện một thử nghiệm nào về loại hỏa tiễn đạn đạo trang bị đầu đạn qui ước, và cũng chưa có phương tiện để nhắm bắn trúng lực lượng đặc nhiệm hàng không mẫu hạm vì TQ chưa có đủ số vệ tinh trinh sát bay ở quỹ đạo thấp.

Một viên chức quốc phòng cao cấp công nhận hỏa tiễn chống tàu chiến quả thật là “mối quan tâm,” nhưng thêm rằng “từ nay đến đó đường còn xa chán.”

Theo Telegraph, Zhu Feng thuộc phân khoa Nghiên Cứu Quốc Tế trường Ðại Học Bắc Kinh nói: “Ngũ Giác Ðài thừa biết về hố ngăn cách to lớn về khả năng quân sự giữa hai nước. Cho rằng Trung Quốc sắp sửa tấn công các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ chắc chỉ là nói đùa.”

Báo cáo của Bộ Quốc Phòng cho hay Trung Quốc vừa thiết lập các đơn vị chiến tranh thông tin, nhằm phát triển những vi khuẩn điện tử để tấn công hệ thống máy điện toán của đối phương, vừa là chiến thuật để tự bảo vệ cho hệ thống của chính họ.

Wall Street Journal có tường thuật năm ngoái và giới thẩm quyền Hoa Kỳ công khai xác nhận gần đây rằng, chương trình vũ khí to lớn nhất của Ngũ Giác Ðài, The Joint Strike Fighter, đã từng bị xâm nhập. Các nhà điều tra vụ này có dính dáng đến bàn tay của Trung Quốc, nhằm thu thập thông tin về các thiết kế cùng những thông tin khác.

Theo AFP, bản báo cáo của Bộ Quốc Phòng Mỹ liên quan đến cán cân lực lượng năm 2009 tức là trước khi Hoa Kỳ thông báo hồi tháng 1 năm nay, sẽ bán cho Ðài Loan các loại vũ khí mới như hệ thống hỏa tiễn chống hỏa tiễn, Patriot, tàu phá thủy lôi, trực thăng đa năng Black Hawk với tổng trị giá $6.4 tỉ.

Nay Ðài Bắc đưa ra lời thúc giục Hoa Kỳ nhanh chóng cung cấp máy bay chiến đấu F16CD đời mới, tàu ngầm và trang thiết bị. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ðài Loan cho biết thêm là chính phủ họ đang theo dõi chặt chẽ động thái gia tăng vũ trang của Hoa Lục.

Trong khi đó, ở dọc biên giới Ấn-Hoa, Trung Quốc thiết lập hệ thống phi đạn tầm xa mới CSS-5, đồng thời phát triển kế hoạch di chuyển lực lượng không vận cấp thời vào trong khu vực, theo báo Times of India.

Mặc dù hai nước vẫn gia tăng quan hệ về chính trị lẫn kinh tế, căng thẳng biên giới giữa hai nước vẫn tiếp tục, với nhiều vụ vi phạm biên giới và lính biên phòng TQ tuần tiễu thường xuyên hơn.

Bộ Quốc Phòng Mỹ báo cáo: “Trung Quốc hiện đang xây dựng ồ ạt hệ thống đường sá và phát triển hạ tầng cơ sở đường thiết lộ dọc theo biên giới Ấn-Hoa, nhằm để phát triển kinh tế cho vùng phía Tây nhưng cải thiện đường sá cũng nhằm mục đích yểm trợ cho hoạt động quân sự.”

Tháng 3 năm nay, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng ngân sách quốc phòng thêm 7.5% lên 532.1 tỉ yuen, tức $77.9 tỉ, trong khi ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ là khoảng $700 tỉ, theo BBC. Tuy nhiên, một viên chức quốc phòng cao cấp Hoa Kỳ ước lượng rằng trong thực tế chi tiêu về quân sự của TQ trong năm 2009 đã lên đến $150 tỉ, theo Telegraph.

Báo cáo của Ngũ Giác Ðài phân tích hoạt động quân sự của TQ trong năm 2009 nói rằng, quân đội TQ “hiện có nhiều phi đạn tầm xa khá chính xác” và việc TQ bắn hạ thành công một vệ tinh hồi năm 2007 cho thấy khả năng của quân đội nước này đã được một bước tiến mới.

Từ lâu nay vẫn bao phủ trong màn bí mật, quân đội Trung Quốc vài năm trở lại đây khởi sự đưa ra các báo cáo của họ về lực lượng, nhiệm vụ và trao đổi liên lạc với quân đội các nước khác qua hình thức viếng thăm của các chiến hạm, tham gia đạo quân gìn giữ hòa bình, và tập trận hỗn hợp.

Các nhà ngoại giao nói họ hy vọng rằng điều này sẽ giúp giảm bớt lo ngại về chủ đích đằng sau nỗ lực phát triển quân đội của quốc gia này.

Tuy nhiên, giới sĩ quan cao cấp hàng đầu vẫn bày tỏ sự nghi ngờ đối với chính sách minh bạch này, đặc biệt với Hoa Kỳ, quốc gia bị Bắc Kinh coi là đối thủ chính yếu.

Hiện chưa có lời bình luận gì về bản báo cáo của Ngũ Giác Ðài từ bộ Ngoại Giao Trung Quốc hay bộ Quốc Phòng vốn chịu trách nhiệm điều động lực lượng quân sự với nhân số 2.3 triệu người.

Bản báo cáo đưa ra giữa lúc có sự bất bình trầm trọng của Bắc Kinh về các cuộc thao dượt quân sự hỗn hợp giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn ở Hoàng Hải (Yellow Sea). Trung Quốc cũng không hài lòng về lời tuyên bố tháng qua của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Rodham Clinton, được coi là sự can dự vào cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các quốc gia vùng Ðông Nam Á tại biển Ðông.

Hồi tháng 1, Bắc Kinh tạm ngưng các liên lạc quân sự với Hoa Kỳ sau khi Washington đồng ý bán võ khí trị giá $6.4 tỉ cho Ðài Loan. (TP)