Xây ngôi đền Hồi Giáo gần nơi khủng bố đã tấn công tại New York |
Tác Giả: Hà Tường Cát/Người Việt |
Thứ Tư, 18 Tháng 8 Năm 2010 10:07 |
Dự án xây dựng ngôi đền và một Trung tâm Cộng đồng Hồi Giáo tại khu Manhattan thành phố New York đã là một đề tài tranh luận từ lâu nay. Lý do, địa điểm dự tính cho công trình này chỉ cách “Ground Zero,” nơi tòa tháp đôi của Trung tâm Mậu dịch Thế giới (WTC) đã bị đánh sập bởi hai máy bay không tặc ngày 11 tháng 9 năm 2001, hai khu phố. Những người chống đối, trong số có nhiều người thuộc các gia đình của hơn 3,000 nạn nhân vụ khủng bố kinh hoàng nhất lịch sử, cho rằng việc làm này mang tính cách xúc phạm đến dĩ vãng đau buồn vì bọn khủng bố đều là dân Hồi Giáo. Tòa nhà cũ từ thế kỷ 19 ở Park Place, khu Manhattan, thành phố New York, nơi dân Hồi Giáo dự tính xây dựng một ngôi đền và một trung tâm văn hóa. (Hình: AP/Louis Lanzano) Sau khi cân nhắc mọi vấn đề thủ tục và quy định pháp lý, hội đồng thành phố New York đã chấp thuận cho dự án được thực hiện. Nhưng sự việc này bỗng nhiên nổi lớn thành vấn đề có tầm cỡ quốc gia và đặc biệt cho cuộc bầu cử sắp tới, theo lời của Bob Schneider, phái viên thường trú của CBS News tại Washington, nói trong chương trình truyền hình “The Early Show” sáng Chủ Nhật, 15 tháng 8. Nhận định này tiếp theo sự kiện Tổng Thống Barack Obama lên tiếng tán thành quyết định cho phép xây dựng ngôi đền Hồi Giáo ở New York. Schneider cho rằng: “Chắc chắn những người Cộng Hòa đang cố gắng dùng mọi cơ hội có thể được để khai thác theo hướng có lợi cho mình, và bất cứ một ứng cử viên Dân Chủ nào tranh cử vào tháng 11 cũng sẽ bị chất vấn về việc ấy.” Một chiến lược gia Cộng Hòa, không nêu danh tánh, nói với ký giả Mike Allen của báo điện tử Politico: “Tổng Thống Obama giờ đây có thể biết chắc là tất cả các ửng cử viên đảng Dân Chủ sẽ bị hỏi ý kiến về lời tuyên bố của ông, suốt tuần lễ này và có thể cho tới mùa Thu trước thời gian bầu cử. Các ứng cử viên (Cộng Hòa) sẽ kêu gọi đối thủ của họ lên án quan điểm của tổng thống và bày tỏ sự bất mãn đối với quyết định ấy bằng nhiều cách qua báo chí truyền thông.” Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa David Vitter, tiểu bang Louisiana, ngay lập tức nhảy vào cuộc và mở lời khiêu khích Dân Biểu Charlie Melancon, ứng cử viên đối thủ ở đảng Dân Chủ. Ông nói: “Tổng Thống Obama ủng hộ việc xây ngôi đền Hồi Giáo ở Ground Zero là một cái tát vào mặt dân chúng Mỹ và tôi yêu cầu ông đảo ngược lại lập trường này. Sự yên lặng của Charlie Melancon về chuyện này làm khó chịu cho các gia đình cử tri Louisiana.” Tổng Thống Obama trình bày quan điểm của mình trong bữa tiệc Iftar truyền thống hằng năm tại tòa Bạch Ốc. Iftar là bữa ăn tối sau một ngày nhịn ăn trong tháng lễ Ramadan của Hồi Giáo bắt đầu ngày Thứ Sáu. Tổng thống đã ca ngợi sự đóng góp của người Hồi Giáo vào xã hội đa dân tộc đa văn hóa Hoa Kỳ. Ông nói: “Ground Zero thật sự đã trở thành một địa điểm thiêng liêng. Nhưng tôi xin minh định: Là một công dân Hoa Kỳ và trong cương vị tổng thống, tôi tin rằng người Hồi Giáo có quyền hành đạo như bất cứ ai có tín ngưỡng khác tại đất nước này. Ðiều đó bao gồm quyền xây dựng một nơi thờ phụng và một trung tâm cộng đồng trên bất động sản tư tại Mahattan, phù hợp với luật pháp và các quy định.” Công khai trình bày về chuyện đền Hồi Giáo nằm gần Ground Zero, Tổng Thống Obama đã thẳng thắn nói lên sự không đồng ý kiến với những người chống đối việc làm này, khác với nhiều nhà lập pháp hay chính trị gia đảng Dân Chủ đã ngần ngại và né tránh bày tỏ quan điểm. Cho tới mấy tuần lễ gần đây, phát ngôn viên tòa Bạch Ốc đã tránh trả lời những câu hỏi và cho rằng đó là việc của thành phố New York và cộng đồng địa phương ở đây. Tuy nhiên Tổng Thống Obama đã bị chỉ trích nhiều về phản ứng chậm chạp trước đề tài gây tranh luận, đặc biệt là trước kia ông đã từng tuyên bố ủng hộ tự do tôn giáo và khoan dung với người Hồi Giáo ở Hoa Kỳ. Sau lời phát biểu bất ngờ tối Thứ Sáu ở bữa tiệc Iftar quy tụ khoảng 90 quan khách gồm các đại sứ, chính khách, lãnh tụ cộng đồng Hồi Giáo và Dân Biểu Andre Carson - Dân Chủ Indiana - một trong hai thành viên Hồi Giáo ở Hạ Viện, nhiều người ùa tới bục diễn đàn bắt tay tổng thống. Ông đã nói rằng vấn đề rất nhạy cảm cần phải thận trọng, tuy nhiên phải phân định sự khác biệt giữa người Hồi Giáo dòng chính với ý thức hệ bạo lực như Al-Qaeda mà ông gọi là “sự bóp méo tín ngưỡng.” Hôm Thứ Bảy trên máy bay Air Force One đi Florida, Tổng Thống Obama đã giải thích thêm với các phóng viên về lời tuyên bố đêm trước: “Tôi không nhận định rằng việc quyết định cho xây ngôi đền Hồi Giáo ở Manhattan là thích đáng hay không. Tôi chỉ đặc biệt nhận định về quyền hiến định của người dân mà những nhà lập quốc và đất nước này đã gìn giữ cho đến bây giờ.” Phát ngôn viên tòa Bạch Ốc Bill Burton đưa ra một thông báo xác định: “Tổng thống không một chút gì có ý rút lại lời tuyên bố hôm Thứ Sáu. Trong cương vị Tổng Thống, ông không có vai trò phán đoán về bất cứ dự án nào của địa phương. Nhưng ông có trách nhiệm bảo vệ những nguyên tắc của Hiến Pháp và quyền bình đẳng của mọi công dân Mỹ. Ðiều mà tổng thống đã nói hôm qua và bữa nay khẳng định lại là nếu một nhà thờ, một đền Do Thái hay một đền Ấn Giáo có thể xây dựng tại đây thì đơn giản là không thể khước từ quyền ấy với những người muốn xây ngôi đền Hồi Giáo.” Nhưng dù thế nào chăng nữa, đề tài này sẽ còn được tranh luận nhiều và sẽ được đem vào các cuộc tranh cử, không chỉ tại New York mà còn trên toàn quốc. Một thăm dò dư luận mới nhất của CNN cho biết 68% ý kiến dân chúng không đồng ý xây dựng đến Hồi Giáo quá gần Ground Zero như vậy. Rick Lazio ứng cử viên Cộng Hòa đang tranh cử Thống Ðốc New York muốn lôi kéo dư luận toàn quốc hướng vào việc này để chống lại ứng cử viên Dân Chủ Andrew Cuomo. Theo lời Lazio: “Tổng Thống Obama và Bộ Trưởng Tư Pháp Cuomo không nghe tiếng nói của người dân New York.” Dân Biểu Peter King, Cộng Hòa - New York, phê phán cộng đồng Hồi Giáo có quyền nhưng đã không quan tâm đến nỗi đau khổ của những nạn nhân vụ khủng bố 9/11 và lạm dụng quyền để xúc phạm một cách không chính đáng đến mọi người khác. Ông nói: “Quyền hạn và đạo lý mà Tổng Thống Obama nên nêu ra là khuyến cáo các nhà lãnh đạo Hồi Giáo tôn trọng các gia đình nạn nhân và chuyển ngôi đền đi xa nơi ấy. Tiếc thay, tổng thống chỉ chú trọng đến cái đúng trên khía cạnh chính trị.” Ngược lại, Dân Biểu Jerrod Nadler, đảng dân Chủ, đại diện khu vực Lower Manhattan trong đó có Ground Zero, hoan nghênh lời phát biểu minh bạch của tổng thống và cho rằng: “Hoa Kỳ không phải là đất nước nuôi dưỡng căm thù.” Ông nói: “Chính quyền không thể có quyết định nên hay không nên cho phép xây đền gần Ground Zero. Quốc gia Hoa Kỳ thành lập trên nền tảng tự do tín ngưỡng và hòa hợp hòa giải, diều thiết yếu là 234 năm sau chúng ta phải gìn giữ nguyên tắc ấy.” (HC) |