Mùa Khai Trường, Mùa Tham Nhũng Giáo Dục |
Tác Giả: FreeVietNewsletter |
Thứ Tư, 18 Tháng 8 Năm 2010 07:03 |
Tin Saigon - Vào mỗi cuối tháng 8, người dân Saigon lại thấy trên đường phố hình ảnh những đứa trẻ đến tuổi vào lớp 1 đi tựu trường sớm. Bầu trời Saigon mấy hôm nay cứ âm u một màu mây mưa tháng 8, chỉ gợi mỗi chuyện chạy trường cho con đi học và những vấn nạn giáo dục của thể chế này quả thật đã đến đỉnh thảm họa, một thứ thảm họa không ồn ào nhưng đủ cuốn phăng tất cả những gì tạm gọi là còn chút giá trị trong hệ thống giáo dục và văn hóa. Hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam chia ra làm ba cấp. Sau năm 1975 thể chế này ra sức tuyên truyền đánh bóng việc dạy và học ở phổ thông không mất tiền, nhưng hiện nay cả hệ thống giáo dục của chế độ không phân biệt cấp học nào đều tận thu nhưng bằng cách tham nhũng. Một người đàn ông kể con trai ông thi chuyển cấp lên lớp 10, thiếu nửa điểm để vào trường công. Trường ra giá là 26 triệu. Một trường hợp khác của một học sinh lớp 9 vì lý do bị phê là hỗn với thầy giáo và vì lý do muốn học cấp ba gần nhà, tránh nạn kẹt xe nên cha mẹ em phải chạy chuyển trường cho em, giá cũng là 30 triệu. Ðó là những trường ít tiếng, còn những trường công có tiếng ở Saigon thì người nghèo khó mà kham nổi. Trường cấp ba tư thục ở Saigon mỗi tháng lấy tiền học phí trên dưới 3 triệu, một năm học là gần 30 triệu. Học sinh ở Việt Nam có ba đầu cấp là lớp 1, lớp 6, và lớp 10, riêng ở Saigon những học sinh có hộ khẩu, học đúng trường và thi đủ điểm thì cha mẹ ít tốn, nhưng cũng vã mồ hôi chạy lo tiền đóng học phí công lập và nhiều khoản luệ phí khác. Với những trường hợp thiếu tiêu chuẩn được chế độ và ngành giáo dục vẽ ra, phụ huynh đều phải chạy trường cho con và không có tiền thì đành ngậm ngùi chịu thua. Thực trạng tham nhũng giáo dục đã trở thành bình thường như ăn cơm uống nước trong hệ thống giáo dục công lập ở Việt Nam, nhưng phải đến thời gian gần đây, các tổ chức văn hóa-giáo dục quốc tế khi đến Việt Nam dự hội thảo, tham luận của các diễn giả chỉ ra những vấn nạn giáo dục hiện nay có nguyên nhân từ tham nhũng giáo dục. Ðó là định nghĩa chính xác nhất để qua đó dư luận không còn ảo tưởng về thành tựu giáo dục Việt Nam.(SBTN)
|