'Ngây thơ nhưng nguy hiểm' |
Tác Giả: Peter Hennessy và Richard Knight, BBC Radio 4 |
Thứ Ba, 17 Tháng 8 Năm 2010 17:07 |
Anna nằm trong đường dây gián điệp nguy hiểm Khi một mạng lưới gián điệp Nga bị phát hiện tại nhiều thành phố bên Mỹ, nhiều bình luận gia đã nhanh chóng đánh giá họ là không làm nên tích sự gì. Thậm chí còn có chút yếu tố hài kịch về hành tung bí mật của nhóm, và chi tiết về cuộc sống của họ, từ sưu tập hoa cẩm tú cầu cho đến đưa hình quyến rũ lên Facebook như trong trường hợp của người đẹp nhất trong nhóm là Anna Chapman. Nhưng không phải ai cũng nhìn thấy như vậy. Sir Stephen Lander, Tổng Giám đốc MI5 cho đến 2002, nói với chương trình tài liệu của BBC Radio 4, ''Why Russia Spies'' (Tại sao Nga vẫn làm gián điệp) rằng, sự hiện diện của các gián điệp hoạt động không mang vỏ ngoại giao không phải là chuyện đáng cười. "Chính chỗ họ nhìn bình thường, hay không nghiêm túc lại là cái hay trong nghề," ông nói. "Đó là lý do tại sao người Nga rất thành công trong lĩnh vực này." "Họ có khả năng cài người vào những vị trí như vậy trong một thời gian dài cho đến khi trở thành hữu dụng. Họ là một phần của bộ máy và... bộ máy ấy rất nhà nghề và nghiêm túc.'' Vô hình Sir Lander nói việc sử dụng loại gián điệp này là mặt đáng sợ nhất của ngành tình báo được người Nga nâng lên thành nghệ thuật trong thời Chiến tranh Lạnh. "Họ được gửi qua phương Tây với một trong hai vai trò.'' "Một là để tạo lớp vỏ lâu dài với mục tiêu sau nhiều năm có được một vị trí trong một bộ máy chính quyền nào đó để làm tình báo.'' "Vai trò kia là trở thành tổ trưởng của một nhóm gián điệp do người khác tuyển mộ, có lẽ là một cư dân hợp pháp, và được điều khiển bằng một gián điệp bí mật từ một nước thứ ba, vẫn là một sĩ quan tình báo nhưng không dưới lớp vỏ chính thức nào." Đối với phản gián Anh, việc Nga vẫn bỏ nhiều tiền ra và gửi gián điệp bí mật qua chống lại phương Tây là điều gây quan ngại, ít nhất là vì rất khó để phát hiện gián điệp dạng bí mật. Sir Gerry Warner, cựu phó giám đốc của cơ quan phản gián MI6, nói rằng rất nhiều gián điệp bí mật được gởi qua các nước láng giềng của Nga, như Ukraine và Georgia. "Nếu họ muốn cài người qua đây họ có thể làm," Sir Warner nói, "Tôi không nghi ngờ gì về điều đó. Họ có nghĩ đáng hay không thì tôi không biết.'' Sir Warner nói ở Anh có gián điệp bí mật của Nga hay không, hoặc nếu có, thì cũng không thể phát hiện được. Theo ông, ngay đến gián điệp núp dưới vỏ ngoại giao cũng đang mở một cuộc tấn công tình báo, và với cường độ cũng như vào lúc cao điểm của Chiến tranh Lạnh. Tôi nghĩ nói về con số thì tính đến cuối thế kỷ họ đã trở lại như thời Chiến tranh Lạnh. Sir Stephen Lander, cựu TGĐ MI5 Sir Lander nói: "Nếu quay lại thập niên 1990 ta thấy có một sự gián đoạn. Nhưng sau đó bộ máy tình báo bắt đầu hoạt động trở lại, SVR (hậu thân của KGB) quay lại với các thủ thuật cũ của họ, nhưng ở mức độ cao hơn. "Tôi nghĩ nói về con số thì tính đến cuối thế kỷ họ đã trở lại như thời Chiến tranh Lạnh." Vào giữa thập niên 1980, Sứ quán Liên Xô ở Kensington và cơ quan đại diện thương mại ở Highgate có từ 30 đến 35 nhân viên KGB, hoặc quân báo GRU, trong vai trò nhân viên ngoại giao. Cộng lại chiếm một nửa tổng số ngoại giao đoàn của Liên Xô ở London. Các nguồn tin chính phủ tin rằng con số này ngày nay vẫn như vậy. Rất đáng đánh cắp Sir David Omand, một cựu trưởng ban tình báo GCHQ, và là người đồng điều phối an ninh tình báo của văn phòng nội các cho đến 2005, nói rằng tuy mức độ tình báo của Nga bằng với thời Chiến tranh Lạnh, nhưng các mục tiêu của họ đã thay đổi. "Các nhân viên tình báo Xô Viết họ vẫn cứ tiếp tục sau thời Chiến tranh Lạnh, nhưng rõ ràng họ chuyển sang các mục tiêu kinh tế,'' Sir Omand nói. Sir Stephen Lander đồng ý: "Họ tìm những chuyện liên quan đến vị trí chiến lược của Nga, đặc biệt là tầm quan trọng đang gia tăng của Nga trong lĩnh vực năng lượng." "Do đó bất kỳ cái gì cho họ lợi thế trong các lĩnh vực đó đều xứng đáng để cho gián điệp đánh cắp. Trong lĩnh vực phát triển thương mại và quân sự cũng vậy.'' Vậy tình báo Nga có phải là mối đe dọa nghiêm trọng lâu dài cho nước Anh hay không? Sir Lander nói: ''Tôi nghĩ có lẽ là như vậy.'' ''Một nước Nga vững mạnh và ôn hòa là quan tâm của chúng ta. Nhưng khi họ dùng những phương tiện bí mật và bất hợp pháp để vượt qua Phương Tây thì chúng ta cần phải trông chừng.'' Chú thích: Các bạn có thể nghe chương trình tiếng Anh ''Why Russia Spies'' phát thanh lúc 20:00BST 17:00BST Chủ nhật 22/8 trên Bấm BBC Radio 4. Peter Hennessy là giáo sư về Sử đương đại của Anh tại Queen Mary, University of London.
|