Home Tin Tức Thời Sự Những quan ngại tại Đại hội La Vang 2010

Những quan ngại tại Đại hội La Vang 2010 PDF Print E-mail
Tác Giả: Gia Minh, biên tập viên RFA   
Thứ Bảy, 14 Tháng 8 Năm 2010 00:21

Đại hội La Vang thường niên của người Công giáo Việt Nam năm nay bắt đầu từ hôm nay 13 tháng 8 và kéo dài cho đến ngày mai.


Photo courtesy of tonggiaophanhue.net / Thánh Lễ tại Đại hội La Vang 2010 hôm 13-08-2010.

Như những năm trước có hằng trăm ngàn lượt giáo dân sẽ về La Vang để tham dự đại hội.

Năm nay, ngoài sinh hoạt bình thường Ban Tổ Chức Đại hội có những quan ngại đáng chú ý. Vậy quan ngại đó là điều gì? Gia Minh trình bày trong phần sau.

Tổ chức gói gọnTheo kế hoạch thì kỳ đại hội La Vang thường niên năm nay không như thông lệ kéo dài trong ba ngày, mà chỉ gói gọn trong hai ngày mà thôi. Lý do được Ban Tổ chức cho biết nhằm tập trung cho kỳ đại hội Bế mạc Năm Thánh tại Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng giêng sang năm.

“Bên Nhà Nước cũng hơi lo lắng một chút, sợ đại hội có những thành phần nào đó lợi dụng chuyện này, chuyện nọ. / LM Lê Quang Quý

Tuy không như thường lệ, nhưng mọi công tác tổ chức cho một sinh hoạt sẽ thu hút hằng trăm ngàn người về La Vang vẫn được tổ chức chu đáo. Nhất là năm nay sau khi khu La Vang được chính quyền tỉnh Quảng Trị trao lại chừng 20 héc ta đất mà nhà thờ từng sử dụng trước năm 1975.

Linh mục Lê Quang Quý, cha sở Trí Bưu tại Quảng Trị và cũng là một thành viên trong Ban Tổ chức đại hội, vào ngày 12 tháng 8 cho biết công tác chuẩn bị đã hoàn tất:

“Lần này cũng muốn làm giảm nhẹ một chút nhằm tất cả chuẩn bị cho kỳ bế mạc Năm Thánh và đại hội ba năm một lần vào ngày 6 tháng 1 sang năm. Dẫu vậy công tác chuẩn bị cũng hoàn tất về mặt bằng cũng như mọi thứ nhằm rút kinh nghiệm cho kỳ đại hội vào ngày 6 tháng 1 sang năm.

Năm nay đại hội trật tự, an ninh xã hội sẽ tốt vì đã xây được thành chung quanh khu đất chừng 20 hécta. Đã bao quanh được ba mặt rồi, còn mặt sau rừng chưa bao; nhưng cũng có hồ ở đó rồi chưa cần làm. Kè ‘la thành’ kết hợp làm nhà vệ sinh cho khách hành hương. Sau đại hội này cũng sẽ tiếp tục hoàn thành công tác xây dựng để kỳ đại hội sắp tới tốt đẹp hơn.

Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Ngọc Chiến, vào sáng ngày 13 tháng 8, cũng xác nhận việc phối hợp với Nhà thờ La Vang trong hoạt động tổ chức đại hội năm nay:


 Giáo dân tham dự Đại hội La Vang 2010 hôm 13-08-2010. Photo courtesy of tonggiaophanhue.net

“Sau khi linh mục quản nhiệm xin phép, UBND tỉnh đã chỉ đạo tạo điều kiện cho Tòa Tổng Giám mục Huế tổ chức lễ này cho thật đàng hoàng. Đến hôm nay, qua kiểm tra chúng tôi đã phối hợp với linh mục quản nhiệm, ban quản lý. Ban Trật tự phối hợp với chúng tôi rất chặt chẽ. Nói chung đến nay mọi việc chuẩn bị cơ bản chu đáo từ vấn đề giao thông, trật tự, đi lại, sắp xếp bãi xe. Mọi việc ổn thỏa không có vấn đề gì. Giáo dân, nhân dân đến đều vui vẻ; phía linh mục dựng nhà bạt cho giáo dân ở. Đến nay giáo dân tiếp tục đến đông đúc. Mọi nhà nghỉ của dân, giáo dân thuê ở gần hết. Vấn đề y tế chúng tôi cũng phối hợp với họ.”

Chính quyền lo ngại?
Ngoài những mối quan tâm thông thường khi một hoạt động thu hút nhiều người như vệ sinh, an ninh; Linh mục Lê Quang Quý nói đến một quan tâm của Ban Tổ Chức:

“Lần này cũng muốn làm giảm nhẹ một chút nhằm tất cả chuẩn bị cho kỳ bế mạc Năm Thánh và đại hội ba năm một lần vào ngày 6 tháng 1 sang năm. / LM Lê Quang Quý

“Họ (phía chính quyền) cũng lui tới nhiều, có nhiều cuộc họp. Sáng nay có cuộc họp cuối cùng giữa an ninh của Huyện và ban trật tự đại hội. Tôi cũng có tham dự. Bên Nhà Nước cũng hơi lo lắng một chút, sợ đại hội có những thành phần nào đó lợi dụng chuyện này, chuyện nọ. Bên này cũng lo lắng nhắm đến những vấn đề nóng hổi hiện nay trong giáo hội: tình hình nhân sự ...”

Dù Linh mục Lê Quang Quý không nói rõ vấn đề nhân sự trong giáo hội Công giáo Việt Nam và những phản ứng của giáo dân đối với vấn đề này.

 Thế nhưng, hầu hết giáo dân Công giáo Việt Nam, nhất là những tín hữu tại tổng giáo phận Hà Nội đều hiểu đó là việc nguyên tổng giám mục Ngô Quang Kiệt bị thay thế bởi tổng giám mục Nguyễn Văn Nhơn. Rồi tổng giám mục Ngô Quang Kiệt từ chức và ra đi một cách âm thầm hồi ngày 12 tháng 5 vừa qua; và ông vừa trở lại sống tại Dòng tu kín Châu Sơn ở Ninh Bình.

Giáo dân tổng giáo phận Hà Nội và một số nơi khác như giáo phận Vinh, mỗi khi có dịp lễ lớn đều bày tỏ lòng kính mến của họ một cách công khai đối với nguyên tổng giám mục Ngô Quang Kiệt. Người mà họ cho đại diện cho tinh thần đấu tranh vì công lý - sự thật, khi ông này công khai ủng hộ những cuộc cầu nguyện đòi lại Tòa Khâm sứ hồi cuối năm 2007 sang đầu năm 2008; cũng như đợt cầu nguyện đòi khu đất Nguyễn Lương Bằng của giáo xứ Thái Hà, Hà Nội. Ông đã công khai lên tiếng với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cần phải hành xử sao cho người dân Việt được tôn trọng mỗi khi đi ra thế giới.


 Toàn cảnh Đại hội La Vang 2010 tối 13-08-2010. Photo courtesy of tonggiaophanhue.net

Tại những buổi lễ lớn như phong chức giám mục Phát Diệm, rồi lễ nhậm chức của tân tổng giám mục Hà Nội hồi ngày 7 tháng 5, lễ phong chức tân giám mục Vinh hôm ngày 23 tháng 7 vừa qua, đều xuất hiện những băng rôn, biểu ngữ nói rõ sự yêu kính đặc biệt của người giáo dân đối với những nhân vật công khai vì công lý - sự thật như nguyên tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, nguyên giám mục Vinh Cao Đình Thuyên.

Trước quan ngại mà Linh mục Lê Quang Quý vừa nêu, một nữ tín hữu trong dịp đại hội này cũng đến La Vang nói lên quan điểm của chị:

“Cái gì là sự thật thì phải theo cho đến cùng. Sự thật là sự thật nên không sợ gì. Nếu họ bày tỏ ra những điều gì đúng, mình phải nghe và theo họ.”

Thống kê cho thấy giáo dân Công giáo Việt Nam có chừng 6 triệu người trên khắp cả nước. Trong thời gian gần đây xảy ra một số hoạt động chung của giáo dân được cho là hiếm hoi ở Việt Nam như các đợt tập trung cầu nguyện ở Hà Nội hồi cuối năm 2007 sang đầu năm 2008, và trong năm 2008 ở giáo xứ Thái Hà; thế rồi vụ việc Nhà thờ Tam Tòa tại thị xã Đồng Hới hồi giữa năm 2008; việc giáo dân giáo xứ Cồn Dầu ở thành phố Đà Nẵng, và những lá đơn đòi Nhà Nước trả lại đất đai, cơ sở cho giáo hội.

Hầu như các vụ việc đều đi đến kết cục tương tự như những cuộc công khai đòi hỏi quyền lợi khác của người dân tại Việt Nam là bị bắt bớ, ra tòa về tội gây rối trật tự… Còn đất đai thì vẫn không được trả lại, ngoại trừ khu đất ở La Vang.

Đây là một vùng đất khô cằn, ‘đất cày lên sỏi đá’ đúng nghĩa tại miền Trung Việt Nam. Nếu không có trung tâm hành hương La Vang của người Công giáo, không biết đến bao giờ vùng này mới có thể phát triển. Với thánh địa La Vang, ngày ngày đều có khách hành hương đến và trong những dịp đại hội số người Công Giáo lũ lượt tề tựu về mang lại một làn gió mới cho vùng đất này.