Tiền SSI của người tị nạn sẽ hết vào tháng 10 |
Tác Giả: Hà Ngọc Cư (Người Việt) |
Thứ Năm, 12 Tháng 8 Năm 2010 21:12 |
Sở di trú dễ dãi cho một số trường hợp cư trú bất hợp pháp * Tiền SSI của người tị nạn Người già hoặc tàn phế nếu vào Mỹ theo quy chế tị nạn, trong đó có cả người Việt tị nạn, thì được hưởng trợ cấp SSI và bảo hiểm y tế (Medicare & Medicaid). Kể từ tháng 10, 1996 sau khi ban hành cải tổ luật trợ cấp an sinh xã hội thì thời gian lãnh tiền SSI cũng như bảo hiểm y tế dành cho người tỵ nạn lớn tuổi (65 trở lên) hoặc tàn phế bị giới hạn 5 năm (kể từ ngày tới Mỹ), sau 5 năm nếu không có quốc tịch Mỹ thì các khoản trợ cấp bị chấm dứt. Sau đó Quốc Hội tăng từ 5 lên 7 năm. Năm 2008, Quốc Hội lại gia hạn cho 2 năm nữa, nghĩa là đến tháng 10 năm nay thì 2 năm gia hạn thêm hết hiệu lực. Tiền SSI Liên Bang là $675 cho một cá nhân và $1,011 cho hai vợ chồng. Giữa tháng 7 qua, Sở An Sinh Xã Hội đã gửi thư thông báo cho những người tị nạn đang lãnh trợ cấp SSI là tiền trợ cấp của họ sẽ bị chấm dứt vào ngày 1 tháng 10 này, nếu Quốc Hội không gia hạn nữa. Khi còn là thượng nghị sĩ, ông Obama là người đồng bảo trợ dự luật gia hạn SSI cho người tị nạn, và khi đắc cử tổng thống ông tuyên bố vẫn ủng hộ luật này. Nhưng cho đến nay chính quyền Obama vẫn không đả động gì. Ông Mark Hinkle, phát ngôn viên của Sở An Sinh Xã Hội cho biết cơ quan ông chưa gửi kiến nghị lên Quốc Hội. Nếu có thẻ xanh được 5 năm (đối với người tị nạn ngày có thẻ xanh được tính từ ngày vào Mỹ theo điều khoản roll-back provision) thì hội đủ điều kiện về cư trú để xin nhập tịch và có thể nộp đơn xin nhập tịch 3 tháng trước khi đủ 5 năm. Nếu đã nộp đơn nhập tịch thì có thể xin gia hạn SSI thêm 1 năm. Chỉ cần xuất trình biên nhận (Receipt) đã nộp đơn nhập tịch cho cơ quan SSA (Sở An Sinh Xã Hội) là đủ. Hơn nữa ta có thể xin miễn lệ phí nhập tịch (khá nặng đấy, $675 - kể cả lệ phí lăn tay). Nhân đây cũng xin nhắc lại các trường hợp được miễn phần khảo sát khả năng Anh ngữ. -Trường hợp 1: trên 50 tuổi và có thẻ xanh được 20 năm. -Trường hợp 2: trên 55 tuổi và có thẻ xanh được 15 năm. -Trường hợp 3: có thẻ xanh 5 năm nhưng mang khuyết tật hoặc bệnh hoạn nên mất khả năng học hỏi như khiếm thị, câm điếc, bệnh thần kinh... và được bác sĩ chứng nhận (mẫu N-648) * Chính quyền Obama nới lỏng luật di trú? Gần đây một số nhà lập pháp đảng Cộng Hòa, mạnh mẽ nhất là TNS Charles Grassley, (CH-Iwoa), tố cáo chính quyền Obama đã âm thầm thay đổi luật di trú đối với với một số cư dân bất hợp pháp và đòi chính quyền phải làm cho rõ nội vụ. Thực ra chính quyền Obama chỉ thi hành các yêu cầu của các nhà lập pháp lưỡng đảng dành một số dễ dãi trong việc cấp phát thẻ xanh cho thân nhân các quân nhân đang phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ. Sở Di Trú công bố Văn Thư nội bộ cho phép nhân viên di trú thi hành các luật lệ hiện hành để giảm bớt nguy cơ bị trục xuất đối với một số cư dân bất hợp pháp. Nhưng vì văn thư mang tựa đề “Giải Pháp Hành Chính thay thế Luật Cải Tổ Di Trú” nên dễ gây ngộ nhận rằng chính quyền Obama đã qua mặt Quốc Hội. Sở Di Trú phải vội vàng cải chính rằng họ không hề có ý định xé rào để hợp pháp hóa cho hàng triệu cư dân lậu và nói rằng Văn Thư trên chỉ cho phép cư dân lậu có vợ/chồng hoặc bố/mẹ hay con đang phục phụ trong quân đội Mỹ được ở lại Mỹ để hoàn tất thủ tục lấy thẻ xanh thay vì bị trục xuất về bản xứ (quy chế parole). Trong một bức thư ngày 9 tháng 7 vừa qua, 18 dân biểu (trong đó có 9 thuộc Cộng Hòa) đã thúc giục Bộ Trưởng Janet Napolitano mở rộng quyền hạn tạm dung (parole) cho thân nhân ruột thịt của quân nhân tại ngũ. Theo điều khoản Catch-22 của luật Di Trú thì họ có thể bị cấm vào Mỹ tới 10 năm. Mặt khác, Sở Di Trú cũng tạm thời ngưng trục xuất những người trong đối tượng của dự luật DREAM (hợp pháp hóa cho cư dân vào Mỹ bất hợp khi chưa tới 16 tuổi và đã hoàn tất trung học hoặc phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ) được đưa trở lại Quốc Hội. * Quyền có quốc tịch Mỹ do sinh ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ bị đe dọa Càng đến gần ngày bầu cử thì vấn đề di trú càng được hâm nóng do nhu cầu kiếm phiếu của các ứng cử viên Quốc Hội và thống đốc. Một số nhà lập pháp Cộng Hòa, trong đó có TNS Mitch McConnell (Kentucky); Lindsey Graham (S.C), Jon Kyl; McCain (Arizona); Jeff Session (Alabama) đã lên tiếng đòi thay đổi Tu Chánh Án 14 (công nhận quyền công dân Hoa Kỳ của người ra đời trên lãnh thổ Hoa Kỳ hoặc nhập tịch Mỹ.) Câu mở đầu của Tu Chánh Án này viết: “All persons born or naturalized in the United States and subject to the jurisdiction thereof, are citizens of the United States and of the State wherein they reside.” Những người vận động thay đổi tu chánh án muốn bỏ điều gọi là “birth right” nghĩa là quyền có quốc tịch Mỹ theo nguyên tắc lãnh thổ (jus soli). Họ đòi thay đổi Tu Chánh Án vì sợ người ta sử dụng cái gọi là “anchor baby” để gài người vào nước Mỹ, nghĩa là phụ nữ nước ngoài đến Hoa Kỳ chỉ có mục đích sinh con tại lãnh thổ Mỹ, để có một đứa con là công dân Hoa Kỳ cho một mục đích mai hậu (xin nhắc lại công dân Hoa Kỳ chỉ có thể bảo lãnh cho bố mẹ khi đủ 21 tuổi). Trong thực tế điều này không phải hoàn toàn là bịa đặt. Theo thống kê của cơ quan PEW, tính tới năm 2008 có 3.8 triệu cư dân bất hợp pháp có con là công dân Mỹ (vì sinh ra tại Mỹ). Ở Trung Quốc có dịch vụ quảng cáo rằng chỉ cần chi cho họ $20,000 là có con Mỹ, bao trọn gói tiền vé máy bay, khách sạn và tiền đỡ đẻ do bác sĩ người Hoa đảm trách. Chiến dịch “Sửa đổi tu chánh án 14” thực ra chỉ là một chiêu bài bầu cử vì trong thực tế muốn bỏ quyền có quốc tịch của người ra đời trên lãnh thổ Hoa Kỳ thì phải qua thủ tục Tu Chính Hiến Pháp mà muốn tu chính một điều khoản Hiến Pháp thì phải đạt được hai phần ba số phiếu lưỡng viện và được ba phần tư của 50 tiểu bang chấp thuận. Khó lắm! (*) Tác giả Hà Ngọc Cư hiện là giám đốc điều hành cơ quan CISS chuyên lo về di dân và tị nạn, văn phòng tại: 2701 Fannin, Suite # 100-107, Houston, TX 77002. ÐT: (713) 651-0371. Fax: (713) 715-5801 |