Kết thúc một bi kịch tình báo bí ẩn và kỳ cục |
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm | ||||
Thứ Tư, 11 Tháng 8 Năm 2010 20:31 | ||||
Hôm 15/7 vừa qua, Shahram Amiri đã từ Washignton về đến Iran.
Với vẻ mặt tươi cười, giơ cao hai ngón tay hình chữ V, biểu tượng của chiến thắng, ông Amiri không che giấu nỗi vui mừng khi bước xuống máy bay. Ra đón Amiri tại sân bay quốc tế Tehran, ngoài vợ và con trai Amiri, còn có cả Thứ trưởng Ngoại giao Iran. Trong phát biểu đầu tiên của mình, Amiri khẳng định là ông không liên can gì đến chương trình hạt nhân của Iran. Ông chỉ là một nhà nghiên cứu đại học. Ông tố cáo tình báo Mỹ đã bắt cóc ông tại Arập Xêút, khi ông đi hành hương tại đấy, với mục tiêu sử dụng ông để gây sức ép đối với Iran về chương trình hạt nhân của quốc gia này. Theo ông Amiri thì Mỹ muốn phô trương ông như là một nhà khoa học quan trọng về hạt nhân của Iran đã đào thoát và mang theo nhiều tài liệu mật về chương trình nguyên tử. Ông nói là phía Mỹ đã đề nghị trả ông 10 triệu USD để trả lời 10 phút phỏng vấn trên Đài truyền hình CNN theo chiều hướng như vậy. Mỹ phủ nhận không hề bắt cóc, mà chỉ mô tả ông Amiri như là một kẻ đào tẩu rồi lại đổi ý vào phút chót, có thể vì nhớ nhà hoặc lo sợ cho người thân còn ở lại Iran. Hôm 13/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ P.J. Crowley khẳng định không có kế hoạch nào để trao đổi Amiri với một số người Mỹ đang bị Iran bắt giữ vì trong thực tế Mỹ chưa bao giờ cầm giữ ông này. Hãng Thông tấn nhà nước Iran (ISNA) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ramin Mehmanparast xác nhận: "Nhà khoa học Amiri đã rời Mỹ để về Iran sau những nỗ lực của chúng tôi cùng sự hợp tác hiệu quả của Đại sứ quán Pakistan tại Washington". Người phát ngôn Mehmanparast cho biết thêm, ông Amiri sẽ đến "một nước thứ ba" và từ đó trở về Iran. Trường hợp của Amiri cũng thường xuyên được đề cập đến khi Mỹ gây áp lực lên Iran về vụ bắt giữ 3 người Mỹ trẻ tuổi đi leo núi ở vùng Kurdistan của Iraq.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran, Qashqavi, hôm 14/7 nhấn mạnh rằng 2 vụ này không có liên hệ với nhau. Đích thân Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng nói rằng ông Shahram Amiri, người ra trình diện tại Đại sứ quán Pakistan ở Washington, đã đến Mỹ một cách tự nguyện và có quyền tự do rời khỏi nước Mỹ. Hiện Iran đang giam giữ 3 công dân Mỹ đi lạc sang Iran từ biên giới Iraq và một công dân Mỹ khác là điệp viên Robert Levinson. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Obama công nhận Shahram Amiri có hiện diện ở Mỹ, kể từ khi ông ta biến mất ở Arập Xê út hồi tháng 6/2009, điều này dẫn đến suy đoán rằng, ông ta đã đào tẩu và cung cấp thông tin về chương trình hạt nhân nguyên tử của Iran. Nói gì thì nói, trường hợp của ông Amiri trở thành đề tài gây tranh cãi, khi đài truyền hình Iran cho chiếu đoạn video do ông ta tự thu từ trong một quán Internet café ở Tucson, bang Arizona, rồi gửi về cho tình báo của Iran, tuyên bố rằng mình bị "toán khủng bố và bắt cóc" của Mỹ và Arập Xêút chộp. Ở một đoạn video khác được quay rất nhà nghề, Amiri nói, ông thấy sung sướng được học lấy bằng tiến sĩ ở Mỹ. Trong video thứ ba, mà cách thu khá luộm thuộm, ông Amiri nói là đã thoát được khỏi tay tình báo Mỹ ở Virginia, đồng thời nói thêm rằng, video thứ nhì là "hoàn toàn láo" do người Mỹ dàn dựng. Chiều ngày 13/7, Amiri xuất hiện tại Tòa đại sứ Pakistan ở Washingtonvà yêu cầu được giúp đỡ đưa về nước. Do việc Washington không có quan hệ ngoại giao với Tehran trong hơn 30 năm qua, Đại sứ quánPakistan là cơ quan đại diện cho các lợi ích của Iran ở Mỹ. Điều chưa được rõ là, liệu ông Amiri có chia sẻ thông tin giá trị nào với tình báo Mỹ về chương trình nguyên tử của Iran hay không. Trước khi biến mất, ông ta từng làm việc ở Malek Ashtar University, tại Tehran, một viện có liên kết gần gũi với lực lượng Vệ binh cách mạng đầy quyền năng. Trong cuộc phỏng vấn một ngày trước đó, được phát trên Đài Truyền hình Iran vào hôm 14/7, ông Amiri kể lại chuyện mình bị bắt cóc. Ông ta kể rằng, mình đang ở Thánh địa Medina của Arập Xêút thì có 3 người ngồi trong xe tải nhỏ, giả làm dân hành hương, đề nghị cho ông đi quá giang. Ông Amiri nói: "Sau khi tôi ngồi vào chỗ thì người ngồi phía sau chĩa súng và bảo tôi im lặng. Họ mang tôi đến một nơi bí mật rồi chích thuốc tôi. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình ở bên trong một máy bay khổng lồ và tôi bị đưa qua Mỹ". Tại đây, CIA “buộc” tôi giúp họ tuyên truyền chống lại Iran". Ông Amiri kể thêm rằng, CIA đề nghị thưởng 10 triệu USD nếu chịu hợp tác. "Tôi tự nhủ lòng là sẽ không nói điều gì chống lại tổ quốc"- ông Amiri nói như vậy với đài Press TV. Ông Amiri kể tiếp: sau đó CIA đưa ông sang Tucson, bảo rằng ông được tương đối tự do ở đây, với điều kiện, không được nói gì về việc bị bắt cóc cũng như những gì xảy ra sau đó. Ông nói rằng: “Sau khi họ khám phá thấy tôi đã gửi đi đoạn video thứ nhất hồi tháng 4, họ đưa tôi về Virginia, luôn luôn có người mang súng canh giữ. Họ gây áp lực tôi bằng tâm lý. Liên tục dọa sẽ thủ tiêu tôi". Michael Rubin, một chuyên gia về Iran ở American Enterprise Institute nói rằng, hy vọng Iran sẽ gặt hái được những tuyên truyền có giá trị về sự trở về của nhà khoa học Amiri. Trong cuộc đọ sức giữa Washingtonvà Téhran, vụ việc Amiri là một hồi mới. Iran sẽ lợi dụng vụ này để tố cáo sức ép của phương Tây trên chương trình hạt nhân của họ. |