Home Tin Tức Thời Sự Đọc báo trong nước: CSVN chuẩn bị dư luận để bắt chước Trung Cộng đem bán các bộ phận cơ thể của tử tù

Đọc báo trong nước: CSVN chuẩn bị dư luận để bắt chước Trung Cộng đem bán các bộ phận cơ thể của tử tù PDF Print E-mail
Tác Giả: Theo báo của CSVN   
Thứ Bảy, 07 Tháng 8 Năm 2010 19:05

Chuyện sống lại nhiều bộ phận cơ thể của tử tù đã chết

Tội phạm tử hình xin hiến các cơ quan cơ thể phục vụ mục đích nhân đạo không phải chuyện mới ở Trung Quốc, nhưng “yêu cầu” hiến xác để giảm án lại dấy lên những luồng tranh luận trong xã hội nước này…

Xin bắt đầu vấn đề này bằng câu chuyện của một tử tù ở Trung Quốc.
Ngày 24/6/2010 vừa qua là sinh nhật lần thứ 22 của tử tù Khương Bản Hoa, khi người lính gác ngục mua cho y một chiếc bánh ga tô, Hoa đã nâng tấm bánh lên ngang ngực mà nghẹn ngào: “Đây là sinh nhật đầu tiên của đời cháu. Khi cháu bị tử hình, mong rằng cháu có thể hiến tặng tất cả các cơ quan trên cơ thể cho những người cần ghép để cứu lấy mạng sống.”

Tử tù này tâm sự, một lý do khác xin hiến tặng cơ quan nội tạng là mong tòa xem xét giảm nhẹ bản án. Tội phạm tử hình xin hiến các cơ quan nội tạng phục vụ mục đích nhân đạo không phải chuyện mới ở Trung Quốc, nhưng “yêu cầu” xin đổi việc hiến cơ quan lấy giảm án lại dấy lên những luồng tranh luận trong xã hội nước này.
Hành trình tội ác của kẻ tử tù

Mới 22 tuổi đầu, nhưng Khương Bản Hoa đã có những “trải nghiệm” đặc biệt. Năm lên 7 bố mẹ bỏ nhau, 15 tuổi bỏ học ở nhà giúp bố việc vặt trong xưởng gia công nhỏ. Sau này, một người cậu họ rủ rê Hoa uống rượu, hút thuốc và thường xuyên lai vãng những quán bia ôm, mát xa tệ nạn, thậm chí đã có thời gian Khương Bản Hoa trở thành “khách quen” của một gái làng chơi trong vùng.

Tử tù Khương Bản Hoa trong lần sinh nhật đầu tiên và cũng là cuối cùng trong đời mình.

Khi không có tiền tiêu, người cậu họ lại xui Hoa ăn trộm tiền của bố, cứ như vậy cuộc sống của một thiếu niên chìm ngập trong khói thuốc, men rượu và trác táng trai gái. Vài năm sau đó công việc làm ăn của người bố gặp khó khăn, xưởng phải đóng cửa.

Khương Bản Hoa chỉ còn cách đi làm thuê kiếm sống. Đồng tiền kiếm được từ lao động nặng nhọc không thấm vào đâu so với những lần nhậu nhẹt, ăn chơi và cuối cùng nguồn tài chính duy nhất để y thỏa mãn những nhu cầu của mình là trộm hoặc cướp.

Ngày 8/5/2008 khi vừa tròn 20 tuổi Khương Bản Hoa thực hiện vụ cướp 200 nhân dân tệ của một phụ nữ ở Tây An, thủ phủ Thiểm Tây. Cướp tiền xong y nảy ham muốn cưỡng bức, tuy nhiên bị nạn nhân chống trả quyết liệt. Không thực hiện được hành vi đồi bại, Khương Bản Hoa đã đả thương mạnh vào lưng và bụng dưới của nạn nhân khiến người này cả đời sẽ không được làm mẹ.

2 ngày sau, 10/5/2008 y cùng hai đồng bọn dùng dao khống chế cướp tiền của một người láy xe ba gác nhưng chỉ có 15 tệ trong túi. Chúng giết nạn nhân và phi tang. 12 giờ trưa 2 ngày sau đó, y cùng 3 tên nữa tiếp tục thực hiện hành vi khống chế cướp tài sản của một láy xe ba gác khác và lấy đi 50 tệ, 1 điện thoại di động và chiếc xe – phương tiện kiếm sống của nạn nhân bán được 400 tệ lấy tiền ăn chơi.

Ngày 3/1/2009 Khương Bản Hoa đọc được lệnh truy nã và thông báo treo thưởng những ai cung cấp thông tin về y và đồng bọn, Hoa đã tìm đến đồn công an đầu thú. Ngày 4/12 năm ngoái, tòa án trung cấp thành phố Tây An tỉnh Thiểm Tây xử phiên sơ thẩm tuyên phạt Khương Bản Hoa mức án tử hình, tước mọi quyền lợi chính trị.
Người bị hại cũng có mặt tại phiên tòa, nhìn thấy người phụ nữ đau khổ không thiết sống, mấy lần Khương Bản Hoa quỳ xuống tạ tội, nhưng mọi thứ đều đã quá muộn.

Xin hiến xác cứu người với hy vọng giảm án
Hiện tại Khương Bản Hoa đang đợi ngày nghe tuyên án cuối cùng của phiên tòa phúc thẩm. Y đề đạt nguyện vọng của mình khi chấp hành án tử hình xin được hiến tặng các cơ quan trong cơ thể cho người bệnh nặng cần ghép để thể hiện sự ăn năn, hối hận của y.

Về việc hiến tặng các cơ quan cơ thể người, pháp luật hiện hành của Trung Quốc quy định trường hợp người chết não và đang duy trì sự sống thực vật bằng dưỡng khí và thuốc mà trước khi chết có nguyện vọng hiến hoặc gia đình người đó đồng ý hiến tặng không đòi bồi thường cho những bệnh nhân hiểm nghèo cần cấy ghép thì sẽ được thực hiện theo tâm nguyện.

Ngày 1/5/2007 chính phủ nước này ban hành Nghị định về phẫu thuật cấy ghép cơ quan cơ thể người, theo đó điều 8 quy định, công dân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có thể hiến tặng cơ quan nội tạng hay bất cứ bộ phận nào của cơ thể người để cứu những bệnh nhân hiểm nghèo cần ghép tạng để kéo dài sự sống.

Chia bánh sinh nhật cho bạn tù.

Sớm hơn nữa, ngay từ ngày 9/10/1984 Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Dân chính Trung Quốc đã ban hành thông tư liên lịch về Quy định tạm thời đối với việc sử dụng các cơ quan cơ thể của phạm nhân chịu án tử hình, theo đó cho phép sử dụng các cơ quan nội tạng/xác tử tù trong các trường hợp:
Không còn ai thân thích nhận về chôn cất, gia đình từ chối nhận về chôn cất, tử tù trước khi thi hành án có nguyện vọng hiến xác/hiến tặng cơ quan cơ thể hoặc đã được gia đình đồng ý.
Nhiều chuyên gia về luật của Trung Quốc cũng khẳng định, tử tù hoàn toàn có quyền hiến xác hoặc các bộ phận, cơ quan trong cơ thể mà không gặp phải sự cản trở nào.

Giáo sư Tả Vệ Dân thuộc  Đại học Tứ Xuyên cho rằng: “Tự nguyện hiến xác hoặc hiến các bộ phận cơ thể là một quyền của phạm nhân án tử hình, còn nhận hay không là quyền của bệnh viện và người bệnh.”

Theo một vị giáo sư khác ở Đại học Chính pháp Tây Bắc, phạm nhân tử hình chỉ bị tước đoạt quyền được sống và mọi quyền lợi chính trị, quyền tự do chứ không bị tước quyền lợi dân sự, do đó việc tử tù xin hiến xác/cơ quan cơ thể không bị hạn chế bởi pháp luật.

Một chuyên gia khác, ông Cảnh Dân là thư ký tổ án hình sự thuộc Hội luật sư tỉnh Thiểm Tây cũng đưa ra nhận định tương tự, việc tự nguyện hiến xác/cơ quan cơ thể là một quyền dân sự không bị pháp luật tước bỏ mặc dù họ bị xử tử hình.

Ngay trong buổi họp báo giới thiệu về tình hình chung của nền y tế Trung Quốc từ khi thành lập nước đến nay hồi năm ngoái, người phát ngôn Bộ Y tế nước này, Nao Quần An cho biết, pháp luật Trung Quốc không có quy định nào hạn chế việc hiến xác/cơ quan cơ thể đối với các tội phạm tử hình.

Hồi tháng 8 năm ngoái, nhiều tờ báo, hãng thông tấn như Reuters của Anh, Đông Phương nhật báo của Hồng Kông dẫn nguồn tin Chinadailynews xuất bản tại Trung Quốc công bố số liệu 65% số cơ quan cơ thể người được cấy ghép cho người bệnh là do tù nhân chịu án tử hình hiến tặng. Và như vậy nhiều bộ phận cơ thể của tử tù đã chết được sống lại trên cơ thể của những người được cấy ghép tạng.

Tuy nhiên, trong xã hội Trung Quốc cũng vẫn có những tiếng nói phản đối việc cấy ghép các cơ quan cơ thể lấy từ tử tù và yêu cầu Quốc hội nước này phải sửa đổi những điều luật có liên quan.

Hiến nội tạng để giảm án - vấn đề đang gây tranh cãi
Theo điều 78 bộ Luật Hình sự của Trung Quốc, những phạm nhân bị tuyên án quản chế, giam giữ, phạt tù có thời hạn, tù chung thân mà trong quá trình chấp hành án phạt nếu tuân thủ các nội quy trại giam, cải tạo tốt, có những biểu hiện hối cải rõ rệt hoặc lập được công lao có thể được giảm nhẹ hình phạt, phạm nhân lập công lớn được giảm nhẹ hình phạt.

Tuy nhiên, do luật không quy định việc hiến tặng cơ quan cơ thể để cứu người khác của phạm nhân có phải là hành động lập công hay không nên tòa án trung cấp Tây An khá lúng túng khi nhận được đề nghị từ phạm nhân tử hình Khương Bản Hoa.

Ông Hà Bính Tùng – Phó chủ nhiệm khoa Luật hình sự Đại học Chính pháp Trung Quốc cho hay, khó có thể coi hành động hiến tặng cơ quan cơ thể cứu người khác của phạm nhân tử hình là hành vi lập công chuộc tội.
“Tôi chưa từng nghe có tiền lệ nào về việc hiến tặng cơ quan cơ thể cứu người khác là lập công chuộc tội và được giảm nhẹ hình phạt”, ông Tùng cho hay. Bản thân văn bản của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc ban hành năm 1987 giải thích các trường hợp vận dụng cụ thể về hành vi tự thú và lập công của phạm nhân cũng không có dòng nào quy định về trường hợp này.

Hiện tại, tranh cãi xung quanh vấn đề hiến tặng cơ quan cơ thể để cứu sống người khác của tử tù có phải hành vi lập công hay không vẫn chưa ngã ngũ. Nhiều người cho rằng hành vi này có ích đối với xã hội và quốc gia, hoàn toàn có thể coi là lập công chuộc tội.
Tuy nhiên cũng không ít quan điểm phản đối. Nhiều học giả cho rằng đã đến lúc các cơ quan lập pháp và tư pháp Trung Quốc phải xem lại các quy định liên quan đến việc tử tù xin hiến xác/hiến bộ phận cơ thể.

Nguyễn Đức Nghĩa được đề nghị hiến xác
Cách đây ít ngày, tòa soạn báo bất ngờ nhận được lá thư của một bác sĩ đang công tác tại Viện Bỏng Quốc gia. Lá thư dài chưa đầy 2 trang A4 nhưng nêu lên một vấn đề chắc hẳn sẽ gây nhiều tranh cãi.

Hiện nay, vấn đề tử tù hiến xác cho khoa học đặt ra nhiều vấn đề về y học, đạo đức, tâm lý… Để rộng đường dư luận, xin đăng nguyên văn lá thư của bác sĩ Khuất Duy Thái, hiện đang công tác tại Viện Bỏng Quốc gia.

Nguyễn Đức Nghĩa trong phiên tòa ngày 14/7. (Ảnh: N.A)

“CƠ HỘI ĐỂ LINH HỒN TỬ TÙ ĐƯỢC SIÊU THOÁT

Vụ án “Xác chết không đầu”: Tội ác là kinh khủng, tội trạng là rõ ràng, án sử là công minh. Dù bản án đã thi hành thì tình trạng: gia đình Nghĩa với sự tủi hổ, gia đình Linh với sự căm thù, cộng đồng với sự kinh hãi, xót xa và lo sợ biết đến bao giờ mới nguôi ngoai?

Tôi xin có ý kiến: cho dù không phúc thẩm hay phúc thẩm vẫn y án thì Nghĩa và gia đình Nghĩa có thể nghĩ tới một ý nghĩ và hành động mà nhờ nó Nghĩa sẽ được siêu thoát. Tình trạng tâm lý của các gia đình và xã hội bớt căng thẳng, theo hướng tích cực và vị tha - đó là Nghĩa tình nguyện hiến mô, tạng và cơ thể cho y học.

Nghĩa bị kết thúc đời sống vì những gì Nghĩa đã gây ra nhưng nếu hiến mô, tạng cho y học, trái tim lạnh của Nghĩa sẽ vẫn còn đập và trở thành trái tim nóng trong lồng ngực một người bị bệnh tim cần được ghép tim để duy trì sự sống; bầu gan nóng vẫn hoạt động trong cơ thể người suy gan được ghép;

Hai trái thận vẫn miệt mài lọc các chất độc của cơ thể người suy thận được ghép thân; Đôi mắt sáng sẽ sáng hơn khi đặt vào cho người hỏng mắt; Làn da trẻ sẽ sống tiếp và cứu giúp nhiều cháu bé bỏng nặng thoát khỏi tử thần…

Sự sống sẽ được kế tiếp bởi những món quà từ sự sống -  một việc làm vô cùng nhân đạo.

Hiện nay ở nước ta có nhiều người trước khi chết vì tuổi cao, trọng bệnh; Nhiều người bị tai nạn phải cắt bỏ chi thể đã hiến một phần thân thể mình để cứu giúp những người bị trọng bệnh khác; Nhiều người từ trẻ đến già đã viết đơn tình nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể cho y học khi qua đời; Đã có nhiều người hiến quả thận, thùy gan, phần da thịt để cứu giúp người thân và đồng loại.

Sự sống thật quý giá. Một sự sống mất đi thật là thương tiếc. Nếu một sự sống mất đi lại làm duy trì cuộc sống cho một vài sự sống khác thì quý giá biết chừng nào.

Luật pháp của nước ta cho phép việc hiến và ghép mô, bộ phận cơ thể người.

Y học của nước ta đã thực hiện được các kỹ thuật ghép trên.

Đạo lý của chúng ta cũng luôn hướng tới việc thiện như thế.

Tôi đề nghị tòa soạn giúp chuyển ý tưởng này tới Nghĩa và gia đình Nghĩa".

Cha Nguyễn Đức Nghĩa phản đối dữ dội đề nghị hiến xác
Đã hơn nửa tháng sau phiên xử Nguyễn Đức Nghĩa. Và Nghĩa cũng đã chấp nhận án tử hình mà theo lời tử tù này, “có xử hàng trăm lần vẫn không hết tội”. Nhưng nỗi đau xót, buồn tủi trong căn nhà này vẫn hiện lên rõ mồn một.

Trưa ngày 31/7, khi phóng viên tới nhà Nguyễn Đức Nghĩa tại Kiến An (Hải Phòng)  thì cũng là lúc ông Nguyễn Đức Hùng (cha Nghĩa) đang ngồi sửa lại bức thư ông chuẩn bị gửi bác sỹ Khuất Duy Thái. Ban đầu, khi thấy có “khách lạ”, ông Hùng khá dè dặt. Nhưng rồi, sau khi nghe PV nói muốn hỏi ý kiến gia đình về đề nghị của bác sỹ Khuất Duy Thái, vợ chồng ông rất thoải mái và trao đổi thẳng thắn những suy nghĩ của mình về việc này.

Người mẹ của Nghĩa luôn tay chấm những giọt nước mắt lăn dài khi nhắc đến tên Nghĩa. Bà khóc nấc, nghẹn từng lời: “Cha mẹ nuôi con hơn hai mươi năm trời, có bao giờ dám nghĩ để rồi có ngày cay đắng hôm nay”. Còn ông Hùng, như cố giấu đi nỗi buồn nhưng mỗi khi vợ ông lau nước mắt, ông lại quay mặt nhìn ra góc khác hoặc ngó lên trần nhà.

Đã hơn nửa tháng sau phiên xử Nguyễn Đức Nghĩa. Và Nghĩa cũng đã chấp nhận án tử hình mà theo lời Nghĩa, “có xử hàng trăm lần vẫn không hết tội”. Nhưng nỗi đau xót, buồn tủi trong căn nhà này vẫn hiện lên rõ mồn một.

Ông Hùng cho biết, đã là cha là mẹ, thì dù có thế nào vẫn nuôi hy vọng, cố gắng tìm mọi cách và tận dụng mọi cơ hội để Nghĩa được tha chết. Mặc dù ông biết điều đó là rất khó.

Trao đổi về đề nghị của vị bác sỹ Khuất Duy Thái, hai vợ chồng ông Hùng đã rất bức xúc và phản đối đề nghị này. Ông Hùng cho rằng, nó được đưa ra không đúng thời điểm, khi mà thời gian kháng cáo và xin ân xá khoan hồng của bị cáo hãy chưa hết. “Sao lại có thể bàn tính tới chuyện “chia lòng lợn tiết canh” vào lúc này? Đó là điều không thể chấp nhận được”.

VTC News xin được trích đăng nội dung bức thư mà ông Nguyễn Đức Hùng đã viết để gửi vị bác sỹ Khuất Duy Thái

Kính gửi: Bác sỹ Khuất Duy Thái.

Tôi xin tự giới thiệu, tôi là Nguyễn Đức Hùng, bố đẻ của bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa. Tôi đọc được thư đề nghị của ông trên báo VTC News đăng ngày 30/7/2010, tôi xin có ý kiến như sau:

- Quan điểm về khoa học: tôi hoàn toàn ủng hộ tư duy tích cực về tính nhân văn, nhân đạo trong việc hiến mô, hiến nội tạng cho y học phục vụ chữa bệnh cho con người. Tuy nhiên vấn đề tâm lý và truyền thống rất cần được xem xét thấu đáo.

- Quan điểm về đạo đức, nhân văn cụ thể trong vụ Nguyễn Đức Nghĩa tôi xin trao đổi thẳng thắn với nội dung sau:

Toà sơ thẩm xử ngày 14/7/2010 đến ngày 30/7/2010 được 16 ngày. Tức là vẫn trong thời gian bị cáo có quyền chống án và viết đơn xin Chủ tịch nước ân xá tha tội chết (mặc dù trước khi toà tuyên án, bị cáo nói sẽ không kháng cáo, chống án. Nhưng bị cáo vẫn còn hai quyền trên). Vậy tại sao ông lại có hành vi độc ác như vậy? Có phải ông muốn đẩy bị cáo vào tâm lý tuyệt vọng hay không? Tôi không tin ông có là bác sỹ thật hay không? Và nếu đúng là bác sỹ thì cần phải tu tâm và lựa lời phát ngôn cho chuẩn mực.

Trong thư, ông có viết “án xử là công minh”, tôi thấy thật buồn và chua chát khi có một bác sỹ nhận thức như ông.

Tôi xin nhắc lại, Nghĩa gây tội ác thì Nghĩa phải chịu trừng phạt. Nhưng đó là sự trừng phạt đúng đắn của luật pháp và rất cần được sự đánh giá, quan tâm đúng mức của dư luận.

Tôi ủng hộ tư duy khoa học nhưng tôi phản đối tư duy “độc ác” của ông.

Mong nhận được hồi âm".

Từng có 2 tử tù xin hiến xác nhưng không được chấp nhận
Luật không cấm tử tù hiến xác nhưng lại không có một quy định pháp lý nào về quy trình hiến xác và các thủ tục để tử tù hiến xác. Hơn nữa, tranh cãi pháp lý về địa vị pháp lý của tử tù, mâu thuẫn giữa mục đích của hình phạt đối với tử tù và chế độ chăm sóc đặc biệt đối với người hiến xác khiến cho việc tử tù xin hiến xác hiện nay chưa thể làm được.

 Tiền lệ tử tù đầu tiên làm đơn xin hiến xác để cứu người là Nguyễn Phước Đỉnh ngụ tại xã Tân Phước, huyện Gò Công, Tiền Giang. Ngày 25/10/2007, tử tù này đã làm đơn xin được hiến xác để cứu người.

Trước đó, hồi đầu năm 2007, do mâu thuẫn giữa mẹ Đỉnh và bà Nguyễn Thị Thiêu, Đỉnh đã dùng súng bắn chết bà Thiêu cùng con trai bà là Nguyễn Khắc Vũ. Ngày 16/10/2007, Đỉnh bị tòa án tuyên tử hình vì hai tội giết người và sử dụng trái phép vũ khí, quân dụng.

Trong quá trình chờ thi hành án, Đỉnh làm đơn xin hiến xác vì cho rằng mình còn trẻ tuổi, khỏe mạnh, một số bộ phận trong cơ thể nếu được hiến cho y học sẽ có nhiều khả năng cứu sống những người mắc bệnh hiểm nghèo. 
 

Nguyễn Văn Hải - tử tù thứ hai làm đơn xin hiến xác. (Ảnh: PL TPHCM)
Tử tù thứ hai làm đơn xin hiến xác là Nguyễn Văn Hải (30 tuổi, trú tại Quảng Ninh). Tháng 8/2008, Nguyễn Văn Hải thuê một tàu ra một đảo gần đó chở hàng. Tuy nhiên, ra đến giữa biển, Hải đã trói chủ tàu, đẩy xuống biển rồi mang tàu về Nghệ An bán được 7 triệu đồng. Sau khi gây án, Hải trốn vào Nam nhưng sau đó chưa đầy nửa năm thì bị bắt tại Kiên Giang.

Hải bị Tòa Phúc thẩm, TAND tối cao tại Hà Nội xét xử và tuyên phạt án tử hình về tội giết người và cướp tài sản. Tháng 9/2009, cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh thông báo cho tử tù Nguyễn Văn Hải về việc viết đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm. Tuy nhiên, thay vì viết đơn xin ân giảm, bị án này lại viết đơn xin được thi hành án trong đó thể hiện nguyện vọng hiến xác cho y học.

Lá đơn của tử tù này có đoạn: “Tôi có tội nên xin được thi hành án để trả lại sự công bằng. Tôi xin hiến xác cho khoa học để giúp đỡ những người đang bị bệnh tật, để chuộc lại những lỗi lầm tôi đã gây ra… Tôi đã mắc nhiều tội lỗi, tôi xin tình nguyện làm những việc như trên để linh hồn tôi khi chết được thanh thản”.

Gần đây nhất, mặc dù không phải là bị án làm đơn bày tỏ nguyện vọng, nhưng một bác sỹ đã viết một lá đơn bày tỏ mong muốn những tử tù như Nguyễn Đức Nghĩa nên làm đơn xin hiến xác cho khoa học.

Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi này dù đã được đề cập và thảo luận cả chục năm nhưng cuối cùng vẫn chưa có hành lang pháp lý nào để thực hiện.
Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ban hành năm 2006 quy dịnh: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia Luật hình sự, tử tù là một người đang phải thi hành bản án, bị hạn chế một số quyền công dân. Hơn thế, hình thức tử hình hiện tại là xử bắn bằng đội hành quyết, cho nên dù tử tù có muốn hiến bộ phận cơ thể hay thi thể cũng khó vì các nội tạng (tim, thận…) đều không còn nguyên vẹn. Còn nếu để cho ướp xác để phục vụ nghiên cứu cũng khó vì theo một bác sỹ, khi tiêm thuốc vào các mạch máu của tử thi, tử thi phải đảm bảo nguyên vẹn, nếu các động mạch bị vỡ thì không thể tiêm thuốc vào vì bị xì hơi.

Ở một khía cạnh khác, tháng 5/2010 vừa qua, khi QH thảo Luật thi hành án Hình sự, cũng có đề cập đến vấn đề tử tù hiến xác, nhưng sau đó, vấn đề này cũng không được đưa vào luật vì nhiều ý kiến cho rằng hàng năm, tử tù không nhiều, nhiều tử tù có tiền sử bệnh tật… cho nên việc lấy bộ phận cơ thể của tử tù trước khi xử bắn là khó.

Ngoài ra, theo quy định người hiến bộ phận cơ thể, mô tạng còn được gắn kỷ niệm chương, người hiến xác còn được ghi tên trong nhà tưởng niệm… Nếu tử tù tự nguyện hiến xác thì có được đối xử như trên không?

Một điểm nữa, là từ 1/7/2011, Luật Thi hành án Hình sự có hiệu lực, trong đó quy định thay hình thức xử bắn bằng tiêm thuốc độc. Như vậy, việc lấy mô tạng, bộ phận cơ thể hoặc thi thể của tử tù sẽ càng khó khăn vì nếu tiêm thuốc độc thì dường như các cơ quan nội tạng đều rất khó còn có thể sử dụng được nữa.
Như vậy, có thể nói dù Luật không cấm, nhưng nếu chỉ căn cứ theo các quy định hiện nay, thì tử tù có làm đơn bày tỏ nguyện vọng được hiến xác, cũng không thể thực hiện được.
 
N.A