Home Tin Tức Thời Sự Hình phụ nữ bị xẻo mũi tiêu biểu cho vận mệnh cuộc chiến ở Afghanistan

Hình phụ nữ bị xẻo mũi tiêu biểu cho vận mệnh cuộc chiến ở Afghanistan PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguoi Viet   
Thứ Năm, 05 Tháng 8 Năm 2010 18:17

Hình bìa trên tuần báo Time số mới ra hôm Thứ Sáu tuần trước, cho thấy hình ảnh nạn nhân của nền công lý tàn bạo của Taliban.

 Tấm hình này đang gây nên những cuộc tranh luận sôi nổi từ nhiều phía.
WASHINGTON (AP) - Khuôn mặt đăng trên trang bìa tuần báo Time số mới nhất của một phụ nữ trẻ có vẻ mặt thanh nhã, bình thản nhưng với chiếc mũi bị xén mất, để lại một lỗ hổng hình trái tim, là một dấu tích của nền công lý Taliban, một nhắc nhở cho chúng ta “điều gì xảy ra nếu chúng ta rút khỏi Afghanistan.”

Bức chân dung nhanh chóng trở thành một biểu tượng cho vận mệnh cuộc chiến vốn đã kéo dài gần một thập niên.

Từ khi tạp chí này được bày bán vào hôm Thứ Sáu, bức hình được đem ra bàn luận trên nhiều chương trình tường thuật tin tức, gồm chương trình “This Week” của đài truyền hình ABC. Trong đó, người dẫn chương trình Christiane Amanpour trưng trang bìa tờ tạp chí lên và hỏi bà Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi về sự cam kết của Mỹ đối với phụ nữ Afghanistan, vào lúc mà Hoa Kỳ đang cân nhắc đến chuyện tham chiến ở đây trong tương lai.

 Bà Pelosi quay mặt đi trước khi trả lời rằng, mục tiêu về giáo dục và về những thứ khác dành cho phụ nữ ở Afghanistan còn tùy vào sự thiết lập an ninh và chấm dứt tham nhũng.

Nó tạo nên những tranh luận sôi nổi trên các trang mạng, chuyển sang những hội thoại bàn về các đề tài từ chống phá thai đến tội bạo hành đối với phụ nữ.

Bức hình và câu chuyện đã thu hút được hơn 500 lời bình phẩm của độc giả trên trang mạng của riêng tờ Time, cùng vô số trên những hệ thống về xã hội, và các trang nhà của từ tay tổ khổng lồ về chính trị The Huffington Post đến BagNews, một diễn đàn chuyên phân tích về ảnh chụp.

Trong khi còn quá sớm để biết được bức hình có ảnh hưởng tới số bán của tạp chí hay không, nhưng nó đã mang về hơn gấp đôi số thư điện tử gởi cho nhóm chủ biên, như thường xảy ra mỗi khi có một đề tài nóng bỏng.

Chủ Bút tuần báo Time Richard Stengel nói: “Bức hình đã lôi kéo được một số lượng khổng lồ các cuộc hội thoại, đó chính là điều chúng tôi mong ước. Nó vừa thu hút được sự chú ý của người ta nhưng đồng thời cũng làm cho người ta phải ngoảnh mặt đi, tuy nhiên nó thôi thúc quí vị phải nhìn kỹ càng và đưa ra lời nhận xét.”

Theo bài viết liên quan đến bức ảnh đăng ở trang trong của tuần báo Time, câu chuyện khởi đầu:

“Quân Taliban đến gõ cửa nhà cô Aisha, 18 tuổi lúc nửa đêm, đòi mang cô này ra trừng trị tội đã bỏ trốn khỏi nhà chồng. Họ kéo cô lên một khu rừng thưa ở trên núi, gần ngôi làng cô ở nằm trong tỉnh Uruzgan, phía Nam của Afghanistan.

“Vừa run rẩy dưới trời khuya lạnh giá vừa chói lòa vì ánh đèn bấm chiếu thẳng vào mặt, cô đối diện với chồng và một thủ lãnh Taliban địa phương, đóng vai quan tòa.

“Aisha phân trần rằng, cô bị người bên gia đình chồng hành hạ, đánh đập tàn nhẫn. Họ đối xử với cô như một người nô lệ. Nếu không trốn đi thì cô cũng sẽ chết vì bị đánh đập. Cô không có chọn lựa nào khác hơn là phải bỏ trốn. Mặc những gì Aisha phân trần, quan tòa Taliban vẫn không mềm lòng. Ông ta phán rằng phải lấy Aisha làm gương cho các cô gái khác, thế là bản án được đưa ra và mấy người đàn ông xúm lại thi hành bản án.

“Người anh chồng đè Aisha nằm xuống đất trong khi chồng cô rút ra một con dao. Ðầu tiên ông ta xẻo hết hai tai cô rồi bắt đầu cắt mũi Aisha. Cô đau quá mà ngất đi nhưng sau đó tỉnh lại vì máu tuôn nhiều quá làm cô nghẹn thở. Thi hành xong bản án, đám đàn ông rút đi, để mặc cô nằm trên núi chờ chết.”

Aisha giờ đây được bảo bọc an toàn trong một khu dành riêng cho phụ nữ ở thủ đô Kabul, cô kể lại câu chuyện của mình với một giọng đều đều và mắt nhìn đăm đăm vào một khoảng không xa xôi. Cô đang chờ được đưa sang Mỹ để được giải phẫu tái tạo một chiếc mũi khác, nhờ sự giúp đỡ của tạp chí Time, các tổ chức nhân đạo, cùng nhiều cơ quan khác.

Aisha chịu ngồi để cho người ta chụp bức chân dung vì cô muốn cho độc giả thấy được cái hậu quả một khi Taliban trở lại nắm chính quyền. Nhiều phụ nữ tiếng tăm ở Afghanistan tỏ vẻ quan ngại rằng, việc chính quyền muốn hòa giải với quân nổi dậy sẽ tước đoạt mất những tự do mà họ đã gặt hái được, từ khi liên quân do Mỹ lãnh đạo tiến vào Afghanistan vào năm 2001 để lật đổ chế độ Taliban.

Một số quan sát viên đem so sánh bức ảnh với một trong những bức hình vượt thời gian nhất trong ngành báo chí, đó là hình cô gái tị nạn mắt xanh rất bắt mắt, xuất hiện trên trang bìa của National Geographic năm 1985, và lập tức trở thành hình ảnh tiêu biểu của nỗi thống khổ của Afghanistan vào thời xâm chiếm của quân đội Soviet.

Một số người cho rằng bức hình trên tạp chí Time tuần này hàm chứa một thông điệp chính trị.

Ký giả Irin Carmon viết trên trang blog phụ nữ Jezebel: “Ðây không hẳn chỉ đơn thuần là một tấm hình mà là một đề tài... Ở đây có sự biểu hiện giữa sự áp bức nơi những người phụ nữ ở Afghanistan, với câu hỏi liệu sự hiện diện của Hoa Kỳ có thể làm được gì và nên làm gì.”

Giáo sư nhân chủng học trường Hofstra University, Daniel Martin Varisc, viết trên trang blog của học giả Hồi Giáo Tabsir, cho rằng bức hình trên trang bìa này là “một ví dụ đáng tiếc về tin phóng sự nhạy cảm” đã làm giảm bớt đi những gì mà phụ nữ Afghanistan bấy lâu nay đã tạo được.

Phóng viên ảnh từ lâu vẫn đeo đuổi ý tưởng, khi nào và làm sao để sử dụng hình ảnh cho mục đích minh họa, để cân bằng với niềm tin, nói ra những sự thật khó tiết lộ, đi kèm với sự suy xét về tính cách nhạy cảm của chủ đề và với độc giả.

Ông Stengel cho biết đã cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng bức chân dung của Aisha, đi kèm với lời chú thích của chủ bút, giải thích duyên cớ của mình, đồng thời xin lỗi những độc giả nào có thể phản bác lại nó. (TP)