Anh từng bán thịt bò nhân bản |
Tác Giả: BBC |
Thứ Tư, 04 Tháng 8 Năm 2010 18:54 |
Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh, FSA, nói thịt một con bò có mẹ là bò được nhân bản vô tính đã được bán cho người tiêu dùng ở Anh vào năm ngoái.
Hai con bò đực được nuôi từ phôi của một con bò nhân bản ở Hoa Kỳ đã được mua về trại gần Nairn ở khu vực Highlands, và thịt của một con đã được bán cho người tiêu dùng. Nhà nông Steven Innes nói với BBC ông chẳng làm gì sai và gia súc này đã được phép bán lấy thịt. Người đứng đầu FSA, Tim Smith, cho biết ông không thấy quan ngại về an toàn thực phẩm, nhưng bất kỳ nhà cung cấp nào cũng đều phải được phép theo luật châu Âu. FSA nói rằng họ trước đây đã tìm hiểu xuất xứ "hai con bò đực sinh ra tại Anh từ phôi của một con bò nhân bản vô tính ở Hoa Kỳ". Con bò đầu tiên được giết mổ hồi tháng Bảy năm 2009 và thịt được bán cho người tiêu dùng. 'Có phép bán' Con thứ hai được giết mổ vào ngày 27 tháng 7 năm 2010, nhưng thịt của con này bị ngưng không được đưa vào mạng lưới thực phẩm. Hiển nhiên là hệ thống có tốt thế nào thì rốt cùng vẫn cần phải dựa vào sự trung thực của những người liên quan. Ông cho biết cả hai con bò đực có hộ chiếu chính phủ cấp và do đó hoàn toàn được phép mổ lấy thịt để tiêu thụ và rằng vào thời gian ông mua thì không có bất cứ đề nghị nào ngăn bán thịt bò này cho người tiêu dùng. Hội đồng Highlands xác nhận rằng họ đã gửi hai quan chức vệ sinh thực phẩm tới Trại Newmeadow để điều tra. Các công ty công nghệ sinh học Mỹ đang nhân bản vô tính gia súc có hàm lượng sữa cao và nhiều thịt để trữ giống. Tuy nhiên, thực phẩm, bao gồm cả sữa từ gia súc nhân bản, phải được đánh giá an toàn và được phép lưu hành trước khi được bán trên thị trường ở châu Âu. Được biết hiện có động thái tiến tới cấm lưu hành trên toàn EU. Trong năm 2008, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, FDA, cho biết thịt và sữa từ động vật nhân bản là an toàn đối với con người, và Giáo sư Hugh Pennington, một chuyên gia về an toàn thực phẩm từ Đại học Aberdeen, cho biết ông đồng ý với đánh giá đó. "Hoàn toàn không có bằng chứng cho thấy tiêu thụ sản phẩm này là nguy hiểm và tôi không trông đợi sẽ xuất hiện bất kỳ bằng chứng nào như vậy."
"Trung thực" Hiện tại, bất cứ ai muốn muốn nhập khẩu và sử dụng phôi nhân bản đều phải có phép theo qui định thực phẩm loại mới, và FSA cho biết họ không được yêu cầu xem xét bất kỳ trường hợp nào như vậy. Ông Smith từ FSA nói với BBC rằng cơ quan của ông đã không biết có bao nhiêu phôi động vật nhân bản đã được nhập khẩu vào Anh, mặc dù khẳng định đã có khuôn khổ "kiểm tra xuất xứ gia súc loại một". "Kể như công việc của chúng tôi giống như cảnh sát, tức là làm sao để không có tội phạm. Hiển nhiên là hệ thống có tốt thế nào thì rốt cùng vẫn cần phải dựa vào sự trung thực của những người liên quan.'' "Vì vậy, điều này có nghĩa là mỗi nhà nông, mỗi cơ sở nhân giống gia súc hay giết mổ đều phải trung thực và nói cho chúng tôi biết những gì họ đang thực sự làm. Chúng tôi không thể đứng cạnh mỗi gia súc để xem những gì sẽ xảy ra trong cả một qui trình”. Ông Smith cho biết nhà chức trách châu Âu vẫn đang còn bàn thảo về quyết định liên quan tới thực phẩm từ gia súc là con cái của động vật nhân bản. Giới chống lại thực phẩm có nguồn gốc nhân bản nói cần phải cho thấy sự minh bạch và khách hàng có thể tin tưởng họ đang mua gì trong cửa hàng và tại thời điểm này thì sự nghi ngại vẫn còn đó.
|