Home Tin Tức Thời Sự Luật mới đối với chuyên viên tài trợ địa ốc: 'Làm loan,' sẽ là một nghề rất khó

Luật mới đối với chuyên viên tài trợ địa ốc: 'Làm loan,' sẽ là một nghề rất khó PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Giang/Người Việt   
Thứ Tư, 04 Tháng 8 Năm 2010 02:03

'75% chuyên viên sẽ bỏ nghề'

WESTMINSTER - Trong thế giới những người đang hành nghề môi giới tài trợ địa ốc, tên gọi là “chuyên viên tài trợ địa ốc,” hay gọi nôm na hơn, là “làm loan,” thì ngày 31 tháng 12 sắp tới là thời điểm quyết định họ có còn tiếp tục được hành nghề hay không!

“Trong thời gian ngắn sắp tới, người ta tiên đoán là khoảng 75% chuyên viên tài trợ địa ốc sẽ bỏ nghề!”

Bà An Nguyễn, giám đốc Ana Funding Inc, một công ty chuyên giúp khách hàng mượn tiền mua nhà, tại Garden Grove, hiện đang ráo riết chuẩn bị thi, chia sẻ với phóng viên nhật báo Người Việt quan điểm của bà về ảnh hưởng của luật “Secure and Fair Enforcement for Mortgage Licensing Act” - SAFE ACT - lên kỹ nghệ tài trợ địa ốc.

“Lý do là vì, theo luật SAFE ACT, được ban hành từ tháng 7, 2008, vào 31 tháng 12 này, bất cứ văn phòng nào lo về việc tài trợ địa ốc mà không lấy được bằng của liên bang thì phải đóng cửa.”

Bà An nói. “Có tất cả hơn 41 ngàn câu hỏi cho người đi thi, không thế nào học tủ được!”

“Không những đã phải thi đậu, qua thủ tục lấy bằng của liên bang, mà sau đó, những người làm nghề này, phải tiếp tục cập nhật hóa kiến thức thì mới được tiếp tục hành nghề.”

Tiếp xúc với phóng viên nhật báo Người Việt, ông Joe Lam, giám đốc của MortgageClose, tại Santa Ana, một công ty tài trợ địa ốc trực tiếp (direct lendor) hiện cho mượn tiền trên 36 tiểu bang, giải thích sự ra đời của luật SAFE ACT:

“Luật SAFE Act được ra đời là vì kể từ 3 năm trở lại đây, chính phủ đã phải tốn quá nhiều tiền để cứu nhiều nhà băng khỏi sập tiệm vì hậu quả của việc cho mượn tiền mua nhà bừa bãi.”

Ông Joe Lam nói: “Bất cứ ai, cả broker (chủ văn phòng) và agent (nhân viên “làm loan”), mà không đậu được hai kỳ thi của cả tiểu bang lẫn liên bang thì sau ngày 31 tháng 12 năm nay, sẽ không hành nghề được nữa.”

Theo tài liệu của “California Department of Real Estate,” luật SAFE Act được Quốc Hội ban hành và Tổng Thống Bush phê chuẩn ngày 30 tháng 7, 2008, buộc kỹ nghệ tài trợ địa ốc phải đi đến một hệ thống “cấp bằng” toàn quốc cho tất cả những chuyên viên tài trợ địa ốc làm việc tại mọi tiểu bang.

Ðiều này, có nghĩa là sau khi đậu được cả hai kỳ thi tiểu bang và liên bang, người “làm loan” còn bị xét xem có bao giờ khai phá sản, hay bị tịch thu nhà chưa, và xem điểm tín dụng có tốt không. Những yếu tố này đều ảnh hưởng đến việc được cấp bằng.

Sau khi đã được cấp bằng, mỗi người “làm loan” sẽ phải đi in dấu tay, và được cấp bằng hành nghề. “License number,” cùng hồ sơ của họ được nằm trong hệ thống dữ liệu của tất cả những người được cấp bằng trên toàn quốc.

Phản ứng của mọi giới trong thị trường tài trợ địa ốc về những đòi hỏi mới của luật SAFE ACT khá khác biệt, tùy theo vai trò của họ trong thị trường này.

Là một nhà cho vay tiền, ông Joe Lam cho rằng luật SAFE ACT là “điều cần thiết,” vì nó “bảo vệ cho cả người đi mượn tiền lẫn người cho mượn.”

“Kỹ nghệ tài trợ địa ốc từ trước đến giờ không có tiêu chuẩn đào tạo chính thức, về cả chuyên môn lẫn khoa bảng cho những người làm nghề môi giới tài trợ địa ốc.”

“Ở nhiều công ty, có những agents, hai tháng trước còn làm nghề bán xe hơi, hai tháng sau, có được bằng bán nhà (Real Estate Sale License), là nghiễm nhiên có thể cố vấn khách hàng trong một quyết định tài chánh quan trọng nhất đời họ.”

Ông Joe Lam nói: “Có nhiều người thật ra chưa đủ điều kiện mua nhà, nhưng vì nghe lời cố vấn của những người ‘làm loan’ thiếu hiểu biết nên đã chọn những chương trình cho vay tiền có mức lời thấp những năm đầu rồi sau đó khi tiền hàng tháng bị lên cao, thì không thể tiếp tục trả nợ được.”

Theo ông Joe Lam, sở dĩ công ty của ông không bị ảnh hưởng vì vấn nạn này là vì “bao nhiêu năm nay, chúng tôi tránh những trường hợp người vay tiền hành nghề tự do, và không chứng minh được lợi tức được rõ ràng.”

Ông Rob Robbins, cựu giảng viên đại học California State University, Fullerton, chuyên dạy về môn Real Estate Finance (tài trợ địa ốc), hiện là giám đốc của công ty Next Wave Real Estate Services, Westminster, chia sẻ với phóng viên nhật báo Người Việt: “Tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhiều người làm chủ công ty tài trợ địa ốc chỉ có trình độ trung học. Họ không hiểu nhiều về những chương trình cho vay tiền, nhưng lại đi cố vấn cho khách hàng.”

Ông Rob Robbins cũng cho rằng luật SAFE ACT sẽ tốt hơn cho tất cả mọi người vì “kiến thức chỉ có thể làm cho một ngành tốt lên.”

“Tại sao những stock broker, hay financial planners phải thi cử, phải có bằng, mà những người làm loan lại không, trong khi đó, món nợ nhà là món nợ quan trọng nhất trong đời của khách hàng?” Ông đặt câu hỏi!

Bà An Nguyễn cho rằng luật SAFE ACT là điều cần thiết, nhưng bà thấy việc những nhân viên “làm loan” tại các ngân hàng không phải thi lấy bằng là “điều không công bình.”

“Nếu nói rằng nhân viên tài trợ địa ốc phải có đủ kiến thức để giải thích cho khách hàng, thì tại sao nhân viên của chúng tôi phải thi cử, phải sát hạch mới có bằng, mà nhân viên của nhà băng thì không?”

Ông Joe Lam đồng ý với điều khoản của luật SAFE ACT là nhân viên của các nhà băng chỉ phải ghi danh (register) chứ không phải sát hạch, và lấy bằng là vì các nhà băng thường có tiêu chuẩn mướn người khó khăn hơn các brokers rất nhiều.

Cũng theo ông Joe Lam thì tại tiểu bang California, 99% tuy người mở công ty tài trợ địa ốc có Broker License của Department of Real Estate, nhưng nhân viên của họ chỉ cần có bằng Real Estate Sales License, tức bằng chuyên bán nhà cửa, thế nhưng họ vẫn được “làm loan,” nghĩa là cố vấn người mua nhà trong việc mượn nợ nhà.

“Việc gần như ai cũng có thể vào nghề đã góp phần tạo ra nhiều món nợ nhà mà người đi vay tiền không thể nào trả nổi.” Ông phát biểu.

Ông Hưng Nguyễn, một Real Estate Broker, hiện đang hành nghề tại Fountain Valley cho biết ông vừa “may mắn đã đậu được cả hai kỳ thi của California và liên bang,” lại có một cái nhìn khác.

Một mặt ông đồng ý là luật SAFE ACT sẽ có lợi cho người tiêu thụ (người cần mượn tiền mua nhà) vì khi những người làm loan hiểu biết hơn thì sẽ giải thích cho khách hàng của họ cặn kẽ hơn.

Thế nhưng, ông Hưng không đồng ý là hậu quả của việc có quá nhiều người vay nợ không trả tiền là do lỗi của những người làm môi giới.

“Mỗi nhà băng, hay công ty tài trợ trực tiếp (như công ty Mortgageclose, chẳng hạn) đều có điều lệ cho mượn tiền của họ, và thủ tục xét đơn vay tiền của họ (underwriting guidelines).” Ông Hưng giải thích.

“Sở dĩ có nhiều người không đủ điều kiện mượn được tiền là vì các nhà băng cho mượn tiền quá dễ dàng. Còn những người như chúng tôi, chỉ làm theo đòi hỏi của họ!”

Dù đồng ý hay không thì luật SAFE ACT sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1, 2011 tới đây, và những ai muốn tiếp tục hành nghề môi giới tài trợ địa ốc phải cố gắng hết sức để được cấp bằng.

Luật SAFE ACT sẽ ảnh hưởng người cần vay tiền mua nhà ra sao? Bà An Nguyễn tiên đoán: “Vay tiền mua nhà sẽ khó hơn, và lời khuyên của tôi cho khách hàng là chỉ nên mượn những món nợ mình có thể trả nổi.”

Ông Joe Lam cho rằng và lâu về dài, thị trường tài trợ địa ốc sẽ được ổn định. Mọi người sẽ hiểu biết thêm về việc mượn tiền mua nhà. Ðó là điều tốt.

Tuy nhiên, ông Lam cho biết là trong thời vài tháng tới, khách hàng phải rất cẩn thận.

Sẽ có một số người đi tìm mua nhà đang làm đơn với một số nhân viên không có bằng, hoặc sẽ không lấy được bằng.

“Những người này có thể lâm vào trường hợp là đến khi cần tiền, sẽ không nhà băng nào cho họ mượn tiền cả, vì người làm đơn giúp họ không được phép hành nghề!”