Home Tin Tức Thời Sự TQ với cách mạng công nghiệp mới

TQ với cách mạng công nghiệp mới PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Ba, 03 Tháng 8 Năm 2010 17:27

Trung Quốc sẽ thử cho chạy tàu vận tốc 500km/giờ.

Trong cuộc đua để tạo tăng trưởng cho tương lai, tốc độ mà Trung Quốc đang áp dụng công nghệ mới có thể nói là ở mức ngoạn mục.

Có thể lấy đường sắt cao tốc làm ví dụ.

Cách đây 5 năm, tại Trung Quốc không có một cây số đường sắt cao tốc nào.

Ngày nay, Trung Quốc có nhiều hơn châu Âu và vào năm 2012 sẽ có đường sắt cao tốc nhiều hơn tất cả các nước khác trên thế giới gộp lại.

Nhà máy rộng lớn và khang trang ở thành phố cảng Thanh Đảo là tiền tuyến của cuộc cách mạng công nghiệp mới.

Đây chính là nơi CSR, đại công ty do nhà nước kiểm soát, chế tạo tàu cao tốc của Trung Quốc.

Lãnh đạo Trung Quốc "đóng một vai trò mạnh mẽ để có được thành tựu này", Chủ tịch Triệu Hiểu Cương của CSR nói.

Bí quyết nước ngoài

Lãnh đạo Trung Quốc khởi đầu bằng việc yêu cầu rằng bất kỳ công ty nước ngoài nào đấu thầu cho một mảng của chương trình tàu cao tốc đều phải chia sẻ công nghệ của mình với một đối tác Trung Quốc.

Kawasaki, Tập đoàn cơ khí khổng lồ Nhật Bản, chấp nhận điều kiện này.

Là công ty tiên phong của đường sắt cao tốc, với bề dày kinh nghiệm phát triển gần nửa thế kỷ, Kawasaki đã đồng ý chia sẻ bí quyết của mình với CSR.

Tập đoàn Siemens của Đức cũng ký một thỏa thuận tương tự với một nhà sản xuất tàu của Trung Quốc.

Khi đã có được bí quyết công nghệ (know-how), chính phủ Trung Quốc huy động tới 10.000 kỹ sư và học giả để chế tạo tàu cao tốc Trung Quốc, ông Triệu Hiểu Cương giải thích.

Ông nói tàu được chế tạo trong vòng chưa tới ba năm.


Kỹ sư Đinh Tản giải thích mọi chi tiết của tàu cao tốc Nhật phải được thiết kế lại.

Tàu mới

Bên trong nhà máy Thanh Đảo, kỹ sư có thâm niên Đinh Tản giải thích mọi chi tiết của tàu cao tốc Nhật phải được thiết kế lại cho con tàu chạy trên 350 km/giờ mà Trung Quốc yêu cầu trong chiến lược phát triển tàu cao tốc.

Mọi người đều làm việc rất hăng say cho dự án và ông khó có thể nhớ được ngày nghỉ gần nhất của mình là khi nào.

"Đó là một thách thức rất lớn nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu”, ông nói.

Ông Đinh Tản hiện đang nghiên cứu chế tạo một tàu mới, được lên lịch chạy thử vào năm sau với tốc độ kinh ngạc là 500 km/giờ.

Điều kiện khó chấp nhận

Khi đã nắm bắt được công nghệ, Trung Quốc nay đã xuất khẩu công nghệ.

Năm nay, CSR thay thế Siemens như nhà thầu chính cho đường sắt cao tốc tốc độ 440 km/giờ tại Ả rập Saudi.

Và Trung Quốc hiện đang lên kế hoạch đi thêm bước nữa.

Theo một đề xuất mới được biết đến là "sáng tạo bản xứ", các công ty nước ngoài đấu thầu hợp đồng với chính phủ Trung Quốc sẽ không chỉ phải chuyển giao bí quyết công nghệ.

Họ được yêu cầu tiến hành bất kỳ nghiên cứu và công tác phát triển mới ở Trung Quốc.

Đối với một số công ty thì đây là điều kiện không thể chấp nhận được, theo Brenda Foster, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải.

"Điề này sẽ khiến các công ty Mỹ không thể cạnh tranh được với thị trường nội địa Trung Quốc," bà nói.

"Đối với một số công ty, làm như vậy có nghĩa là họ sẽ không còn kinh doanh được nữa."

Kìm hãm ý tưởng

Trong khi Hoa Kỳ và Trung Quốc tranh luận về "sáng tạo bản xứ", Trung Quốc đang thực hiện cách tiếp cận mới, trực tiếp - khuyến khích lao động có trình độ cao là người Trung Quốc sống ở nước ngoài trở về đóng góp ý tưởng và chuyên môn.

Tuy nhiên một số chuyên gia nhận thấy văn hóa chỉ đạo từ trên và được trung ương kiểm soát, trong khi góp phần thành công lớn trong dự án tàu cao tốc, lại là một trở ngại đối với sự sáng tạo.

Nhà khoa học hàng đầu, Giáo sư Hà Tùng Lưu, từ Hoa Kỳ trở về để nhận vị trí ở Đại học Thanh Hoa, trường Đại học khoa học hàng đầu của Trung Quốc.

Tại trường đại học này, thuốc tăng cường trí nhớ và độ thông minh, vốn được đã được chế tại Hoa Kỳ và Đức đang được thử nghiệm trên hàng ngàn con chuột.

Sinh viên nhút nhát


Giáo sư Lưu thấy sinh viên Trung Quốc của ông rất khác so với sinh viên Mỹ.

Đối với những công việc tỉ mỉ cần nhiều sức lao động, Giáo sư Lưu nói, văn hóa cấp bậc của Trung Quốc là hoàn hảo.

Nhưng khi nói đến sự sáng tạo, "nền văn hóa kìm hãm sự phát triển ý tưởng mới", giáo sư nói.

Trong khi sinh viên Mỹ hăng hái tham gia trong các giảng đường và liên tục thách thức những gì họ được nghe, sinh viên Trung Quốc tôn trọng hệ thống cấp bậc và chức vụ.

Điều này có nghĩa là ngay cả ở một trường đại học hàng đầu như Thanh Hoa, rất khó để tạo ra cuộc tranh luận sáng tạo, Giáo sư Lưu giải thích.

"Tôi luôn luôn nói với sinh viên là không có câu hỏi ngu ngốc. Cứ hỏi tôi đi còn hơn là không nói gì",

"Thế nhưng sinh viên cứ ngồi đó. Có lẽ họ sợ tôi, họ không thách thức tôi".

Thế mạnh

Một đầu trang khoa học hồi hương, Giáo sư Nhất Công Thi, đã gây sốc với đồng nghiệp của ông tại đại học Princeton hàng đầu của Mỹ khi không nhận khoản tiền trợ cấp nghiên cứu 10 triệu đô la để về làm Trưởng khoa Khoa học Đời sống tại Đại học Thanh Hoa.

Giáo sư Thi cũng tin rằng văn hóa thứ bậc của Trung Quốc, môi trường chỉ đạo từ trên xuống gây ngột ngạt cho tranh luận sáng tạo.

"Mỗi khi người ta nói điều gì đó thì đều phải suy nghĩ xem những gì tôi nói có làm cho người trên tôi vừa lòng hay không," giáo sư nói.

"Và điều đó hạn chế sự sáng tạo của bạn”.

Các công ty ngoài Trung Quốc có thể sợ tốc độ chóng mặt mà Trung Quốc đang áp dụng công nghệ tiên tiến.

Nhưng khi nói đến những ý tưởng mới và sức sáng tạo, giáo sư Thi nói, văn hóa cấp bậc, chỉ đạo từ trên của Trung Quốc có nghĩa là châu Âu và Hoa Kỳ xem ra vẫn giữ được thế mạnh trong ít lâu nữa.