Rọi đèn vào vụ Vinashin |
Tác Giả: BBC |
Chúa Nhật, 01 Tháng 8 Năm 2010 18:13 |
Vinashin đang bị buộc phải quay lại ngành kinh doanh chính là đóng tàu Hãng tin AFP hôm nay có bài nhìn lại vụ lao đao của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) với các ý kiến của một số chuyên gia nói về lý do dẫn tới khoản lỗ khổng lồ của Vinashin. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phạm Thanh Bình của tập đoàn này đang bị điều tra vì 'có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự' trong quá trình lãnh đạo Vinashin và để khoản lỗ của công ty lên tới hơn bốn tỷ đôla Mỹ. AFP trích lời nhà Việt Nam học Carl Thayer từ Đại học New South Wales của Úc nói Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "là người ủng hộ chính cho việc xây dựng các đại công ty của Việt Nam theo mô hình chaebol của Hàn Quốc." Ông Thayer cũng nói vụ scandal đáng ra đã có thể là mối đe dọa cho ông Dũng nhưng ông đã "tấn công phủ đầu" bằng cách ra lệnh tái cơ cấu Vinashin. "Ông Dũng đã đặt mình vào thế đằng nào cũng thắng," ông Thayer được trích lời nói. Nhưng cách tái cơ cấu Vinashin của ông Nguyễn Tấn Dũng mà theo đó nợ của Vinashin được san cho các tổng công ty khác, đã chịu nhiều chỉ trích. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói với báo chí trong nước: "Nhà nước đã chọn cứu Vinashin theo một cách dễ dãi nhất trong khi đẩy gánh nặng nợ cho nền kinh tế, doanh nghiệp và suy cho cùng là người dân đóng thuế gánh. "...Trách nhiệm để xảy ra thua lỗ, nợ nần ở Vinashin đáng ra phải được xử lý bằng pháp luật." Bà Lan cũng nói các doanh nghiệp nhà nước sử dụng chừng 60-70% nguồn lực của Việt Nam và nếu không có sự tái cơ cấu thì nền kinh tế Việt Nam khó phát triển mạnh. Bài học viễn thông AFP cũng dẫn lời ông Jonathan Pincus, người phụ trách Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại thành phố Hồ Chí Minh nói các doanh nghiệp nhà nước lớn đã dễ dàng có vốn và đất đai mà không phải cạnh tranh và do vậy họ đã đầu tư quá mức. Ông nói giải pháp cho tình trạng này là buộc các doanh nghiệp nhà nước vay vốn trên thị trường và mua đất với giá thị trường. Nhiệm kỳ và lương bổng của các giám đốc doanh nghiệp nhà nước phải gắn với kết quả làm ăn của công ty. /Jonathan Pincus AFP cũng dẫn lời bà Phạm Chi Lan nói các giám đốc doanh nghiệp nhà nước do thủ tướng bổ nhiệm và bởi vậy họ bỏ ngoài tai những chỉ thị từ bất kỳ ai khác trong khi luật lệ hiện còn chưa rõ về vai trò quản lý của các bộ đối với các doanh nghiệp này. 'Ưu ái' Các chuyên gia kinh tế khác cũng đã lên tiếng chỉ trích điều mà họ gọi là sự 'ưu ái' mà chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng dành cho Vinashin. Kinh tế gia Lê Dăng Doanh được trích lời nói: Tôi xin đơn cử một vài ví dụ điển hình về sự ưu ái này mà công luận đều biết. Ông Lê Đăng Doanh nói Việt Nam chưa áp dụng kinh nghiệm giao chức kèm theo giao chỉ tiêu của Trung Quốc "Phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường quốc tế được 750 triệu đô la, chính phủ giao ngay cho Vinashin, một việc chưa có tiền lệ trên thế giới là chính phủ đi vay trên thị trường quốc tế để trao lại cho một doanh nghiệp kinh doanh. "Ông Phạm Thanh Bình đến các địa phương được cấp đất với diện tích rất lớn, ở vị trí rất thuận lợi, dù chưa hề có dự án kinh tế - kỹ thuật, các tỉnh đề nghị cung cấp các phương án kinh doanh, dự án đầu tư thì ông Bình nhờ can thiệp để được cấp ngay. "Vinashin triển khai đầu tư tràn lan tới hàng trăm dự án. Có tới hàng trăm công ty con từ trại nuôi lợn Vinashin đến cửa hàng ô tô Vinashin trên đường Lê Duẩn (Hà Nội), hay resort ở gần Tam Đảo đều mang nhãn hiệu Vinashin. "Mua tàu của Italia không qua giám định kỹ thuật, tàu về không thích hợp, càng làm ăn càng thua lỗ." Ông Doanh nói Trung Quốc cũng có những mô hình doanh nghiệp như Việt Nam nhưng chưa có vụ thua lỗ trầm trọng nào như Vinashin. Ông giải thích các giám đốc doanh nghiệp ở Trung Quốc khi nhận nhiệm vụ đều nhận kèm theo các "tiêu chí định lượng khắt khe" như tỷ suất lợi nhuận hàng năm, tỷ lệ tăng năng suất lao động, tỷ lệ đổi mới khoa học - công nghệ, tỷ lệ tăng lương cho công nhân..." Tuy nhiên ông nói những điều này hiện chưa được áp dụng tại Việt Nam.
|