Home Tin Tức Thời Sự Mỹ có bao nhiêu căn cứ quân sự ở nước ngoài?

Mỹ có bao nhiêu căn cứ quân sự ở nước ngoài? PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Chúa Nhật, 01 Tháng 8 Năm 2010 13:58

Theo tài liệu công bố chính thức của Lầu Năm Góc, hiện Mỹ có 716 căn cứ quân sự tương đối lớn ở nước ngoài.

 Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự các nước, sau khi nghiên cứu một cách kỹ lưỡng tình hình bố trí lực lượng của Mỹ ở nước ngoài đã nhận định: số lượng căn cứ quân sự Mỹ ở nước ngoài lớn hơn nhiều so với con số đã công bố, chưa kể nhiều căn cứ bí mật chưa được tiết lộ.

Muôn hình muôn vẻ các căn cứ quân sự ở nước ngoài

Căn cứ vào mục đích sử dụng, Mỹ chia làm 3 loại căn cứ: vĩnh cửu, căn cứ phục vụ tác chiến và điểm hợp tác an ninh.

Căn cứ quân sự vĩnh cửu bao gồm các căn cứ hải quân, không quân và các căn cứ đóng quân lớn, xây dựng trên lãnh thổ của các nước đồng minh như Nhật, Hàn Quốc và Đức. Các căn cứ này xây dựng từ thời kỳ Chiến tranh lạnh với mục đích kiềm chế ảnh hưởng của Liên Xô. Chiến tranh lạnh kết thúc, tác dụng của những căn cứ quân sự này không còn nhiều nhưng vẫn là bàn đạp để Mỹ thực hiện "chiến lược toàn cầu", phòng ngừa khuynh hướng ly khai Mỹ.

Căn cứ phục vụ tác chiến là chỉ những căn cứ hậu cần, các kho dự trữ vũ khí đạn dược và các căn cứ quân sự loại nhỏ, dùng vào việc huấn luyện và tổ chức diễn tập quân sự chung với quân đội nước sở tại. Các căn cứ này thường bố trí tại các khu vực có liên quan tới lợi ích của Mỹ nhưng do tình hình chính trị ở các nước xung quanh không cho phép bố trí lực lượng lớn quân Mỹ.

Điểm hợp tác an ninh là những căn cứ có đủ những điều kiện "cơ bản" để cấu thành một căn cứ quân sự khi cần. Thường thì Mỹ không bố trí quân, mà giao cho nước sở tại hoặc nhà thầu xây dựng làm nhiệm vụ trông nom. Hiện nay, từ những bài học rút ra tại cuộc chiến tranh ở Iraq đồng thời nhằm mục đích phòng ngừa phản ứng của Nga và do một số quốc gia châu Âu rốt ráo gia nhập NATO, nên Mỹ dự định sẽ thành lập tại châu Âu một số "căn cứ hợp tác an ninh" theo kiểu này.

Xây dựng các căn cứ quân sự ở nước ngoài, đâu là âm mưu?

Với mục đích ngăn chặn và thu hẹp ảnh hưởng của Nga, mở rộng ảnh hưởng của mình, Mỹ rất quan tâm đến việc xây dựng các căn cứ quân sự tại các nước Đông Âu, vốn là các nước thành viên Hiệp ước quân sựWarsaw. Hiện Mỹ đang đàm phán với Bulgaria và Rumani về vấn đề này.

Đông Nam Á có eo biển Malacca là yếu địa chiến lược giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ngay từ thập niên 90 thế kỷ trước. Mỹ đã coi eo biển này là 1 trong số 16 eo biển trên toàn cầu Mỹ phải khống chế. Tuy nhiên, tinh thần chống Mỹ ở khu vực này khá cao, nên Mỹ chủ trương chỉ ký các hiệp định, cho phép Mỹ có thể sử dụng các căn cứ quân sự của nước sở tại khi cần thiết. Theo tinh thần đó, tới nay Mỹ đã ký được hiệp định với Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia  và Brunei.

 
Máy bay ném bom chiến lược của Mỹ đậu tại một căn cứ trên đất Nhật. 

Các nước Trung Á xưa nay vốn là vùng "trắng" của Mỹ, do yêu cầu của cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ mong muốn có căn cứ quân sự của mình tại Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Afghanistan. Thượng tá Willson, người phụ trách xây dựng căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài tiết lộ, Mỹ đã đầu tư khoảng 3 tỉ USD vào việc xây dựng và nâng cấp các căn cứ quân sự của Mỹ tại miền Nam Afghanistan.

Lý Hải là "trái tim Âu - Á", nơi có nguồn dầu lửa và nước ngọt quan trọng trên thế giới, là đường biển nối vùng Kavkaz với Nga, các nước vùng Trung Á và Trung Đông. Mỹ rất quan tâm đến vùng này, chủ yếu là 3 nước thuộc Liên Xô cũ là Gruzia, Azerbaijan và Armenia. Hiện nay 3 nước này có chiều hướng thân Mỹ. Mỹ mong muốn xây dựng được căn cứ quân sự để khống chế Nga phát triển ảnh hưởng xuống phía nam.

Bắc Phi là vùng tiếp giáp 3 châu lục: châu Á, châu Phi và châu Âu, tiếp giáp với vùng Trung Đông - "kho máu" để nuôi nền kinh tế Mỹ đồng thời có Kênh đào Suez - "động mạch chủ" của kinh tế toàn cầu. Hơn thế Bắc Phi còn là căn cứ của các phần tử khủng bố, do đó Bắc Phi cũng như cả châu lục đen này là vùng Mỹ rất quan tâm. Hiện nay Moroccovà Tunisia đã đồng ý cho Mỹ xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước mình. Ngoài ra, Mỹ còn mong muốn Sénégan, Gana, và Mali cũng như vậy, để Mỹ can thiệp vào các nước Tây Phi, đặc biệt là Nigieria là nước có nguồn dầu lửa phong phú.

Đối với Mỹ, các căn cứ quân sự ở nước ngoài chẳng những có tác dụng về mặt quân sự, mà còn có ý nghĩa về mặt chính trị, tình báo và tuyên truyền văn hóa, bởi nếu không có nó, Mỹ không thể "nhòm ngó" và kịp thời can thiệp vào những vấn đề có lợi cho Mỹ trong phạm vi toàn cầu.

Sự hiện diện các căn cứ quân sự này rất thuận lợi cho Mỹ trong việc gia tăng ảnh hưởng đối với nước sở tại và các nước xung quanh. Như phần trên đã đề cập, các nước đồng ý cho Mỹ xây dựng căn cứ quân sự là các nước thân Mỹ, nhận viện trợ của Mỹ, do đó Mỹ sẽ tìm cách từng bước khống chế đường lối của nước sở tại về các mặt chính trị, ngoại giao, đồng thời quảng bá, tuyên truyền tư tưởng và văn hóa Mỹ.