Báo Úc: Quan chức Qantas bị giữ làm con tin ở Việt Nam |
Tác Giả: Nguoi Viet |
Thứ Bảy, 31 Tháng 7 Năm 2010 17:31 |
Ngoại quốc không thể tin cậy vào hệ thống luật pháp của Việt Nam. MELBOURNE 30-7 (TH) - Hai nhân viên hãng máy bay Qantas của Úc trong liên doanh với Việt Nam đã bị cầm giữ như con tin ở Việt Nam. Họ đã bị dọa nạt, thẩm vấn và không được phép có luật sư ở bên cạnh và cũng không hề biết họ bị tội danh gì. Báo The Age ở nước Úc kể lại câu chuyện như vậy về sự rắc rối mà bà Daniella Marsilli và ông Tristan Freeman ở trong liên doanh hàng không hành khách giá rẻ Jetstar Pacific gặp phải ở Việt Nam.
Jetstar Pacific là hãng hàng không liên doanh giữa quốc doanh Vietnam Airlines và hãng hàng không Qantas của Úc. Úc mua lại 27% cổ phần của Pacific Airlines (công ty con của Vietnam Airlines) năm 2007 khi công ty này đang lỗ chỏng gọng có thể phải dẹp tiệm. Mọi chuyện trở nên rắc rối khi Jetstar Pacific lỗ khoảng $31 triệu USD trong vụ mua xăng ứng tiền trước (fuel hedging) năm 2008 khi giá xăng trên thị trường thế giới lên ào ào. Mục đích là ký hợp đồng mua trước để những tháng sau sẽ có lời khi xăng tiếp tục lên giá. Liên doanh này đã trả đến $135 USD/thùng cho số lượng xăng đủ dùng 75% cho cả năm, tính đến tháng 5 năm 2009. Chẳng may, một tháng sau khi ký hợp đồng, xăng xuống giá nhanh chóng và chỉ còn $50 USD/thùng. Hố quá nặng. Một thời gian sau khi mất chức, ngày 7 tháng 1 năm 2010, Lương Hoài Nam, tổng giám đốc Jetstar Pacific, bị bắt giam và bị khởi tổ về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” vì sự lỗ lã đó. Hai thành viên khác cầm đầu liên doanh đến từ Úc, bà Daniella Marsilli và ông Tristan Freeman, hai phó tổng giám đốc của liên doanh, dự tính về nước nghỉ lễ Giáng Sinh và ăn Tết cuối năm ngoái đã bị thu hộ chiếu. Tuy không bị giam giữ như Lương Hoài Nam, họ bị thẩm vấn, đe dọa thường xuyên cũng như không được phép có luật sư tư vấn. Cho tới đầu tháng 7 vừa qua, họ mới được phép rời Việt Nam và không bị truy tố gì. Suốt những tháng căng thẳng, tổng giám đốc Qantas đã phải đến Việt Nam vận động ngược xuôi. Một số cuộc họp của liên doanh đã phải tổ chức ở Singapore thay vì ở Việt Nam vì sợ có thêm một số người nữa bị bắt, hay ít nhất bị thu mất hộ chiếu. Viên chức Qantas nhiều lần tuyên bố viên chức liên doanh Jetstar Pacific không làm gì sai trái. Có chăng, họ đã xui xẻo vì đưa ra các quyết định (muốn làm lợi cho công ty) tưởng là tốt nhất, thì chỉ một thời gian ngắn sau thị trường xăng dầu thế giới đảo ngược. Từ một tháng nay khi thoát về tới Úc, Marsilli cũng như Freeman đều kín tiếng, không hề hé lộ điều gì. Nhưng họ đã kể cho một số người về những gì họ đã trải qua ở Việt Nam, những hãi hùng, những tình huống họ phải chịu đựng ở một xứ luật lệ và quyền lực nằm ở trong tay đảng Cộng Sản, không phải ở các văn bản luật pháp. “Một kinh nghiệm hãi hùng và đáng xấu hổ”. Báo The Age thuật lại lời họ nói với bạn hữu về kinh nghiệm của họ ở Việt Nam. Carlyle Thayer, chuyên viên các vấn đề Việt Nam của nước Úc, nhận định rằng người ngoại quốc không thể tin cậy vào hệ thống luật pháp của Việt Nam vì luật lệ trên văn bản và thực tế thi hành không ăn khớp gì với nhau. Thêm nữa, nền kinh tế của Việt Nam cũng không đúng nghĩa một nền kinh tế thị trường như ở các nước dân chủ Tây phương. Ðại diện thương mại Hoa Kỳ Charlene Barshefsky từng khuyến cáo các công ty Mỹ là môi trường đầu tư ở Việt Nam có rất nhiều rủi ro và trong rất nhiều trường hợp, nhà nước sẵn sàng can thiệp, thay đổi. Một hành động kinh doanh có thể bị hình sự hóa mà vụ việc này là một trong những thí dụ. Richard Broinowski, nguyên đại sứ Úc ở Hà Nội nhận định rằng bài học cho các người ngoại quốc muốn làm ăn ở Việt Nam là phải vô cùng cẩn thận. Trước người Úc, ngay các Việt kiều từ Pháp, từ Hòa Lan và ngay từ Hoa Kỳ về Việt Nam đã có những người bị rắc rối, tù tội và sạt nghiệp. |