Home Tin Tức Thời Sự Quân đội TQ chỉ trích Hoa Kỳ về Biển Đông

Quân đội TQ chỉ trích Hoa Kỳ về Biển Đông PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Sáu, 30 Tháng 7 Năm 2010 18:04

Người phát ngôn quân đội TQ hôm 30/7 nói Bắc Kinh phản đối 'quốc tế hóa' vấn đề Biển Đông theo sau tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tại Hà Nội trong tuần trước.

Hãng tin Mỹ AP trích lời Đại tá Cảnh Nhạn Sinh nói với các phóng viên ở Bắc Kinh: "Chúng tôi phản đối quốc tế hóa vấn đề Nam Hải".

Nam Hải là cách Trung Quốc gọi Biển Đông, mà tên quốc tế là South China Sea, tức Biển Nam Trung Hoa.

Tuần trước trong khuôn khổ diễn đàn an ninh vùng với sự tham gia của 27 quốc gia trong đó có 10 nước Asean cùng Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản... bà Clinton nói Hoa Kỳ có "lợi ích quốc gia" trong việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông và chống lại việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực của bất kỳ bên tranh chấp nào.

Bà Clinton cũng nói đây là vấn đề nằm trong "ưu tiên ngoại giao hàng đầu" của Hoa Kỳ và Washington muốn đảm bảo an toàn cho giao thông đường thủy qua vùng biển mà theo ước tính có tới một nửa lượng hàng hóa được chuyên trở trên thế giới đi qua.

'Không thể tranh cãi'

Trước phát biểu này của Đại tá Cảnh Nhạn Sinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng đã có tuyên bố coi những gì bà Clinton nói "gần như là đòn tấn công vào Trung Quốc".

Ông Dương cũng nói sự can thiệp của Hoa Kỳ "chỉ làm cho mọi việc xấu đi và khó giải quyết hơn."

Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối ở Nam Hải và có đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý [để khẳng định chủ quyền]
Đại tá Cảnh Nhạn Sinh
Còn trong phát biểu mới nhất, Đại tá Cảnh khẳng định với báo giới:

"Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối ở Nam Hải và có đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý [để khẳng định chủ quyền]".

Ông Sinh cũng nói Bắc Kinh mới đây đã có cuộc tập trận hải quân lớn tại Biển Đông với "vũ khí thật".

Báo nhà nước China Daily nói cuộc tập trận này bao gồm tàu chiến từ ba hạm đội và dùng cả tên lửa nhắm tới các mục tiêu xa và máy bay chiến đấu.

Trong lúc đó Trung Quốc phản đối việc Hoa Kỳ và Hàn Quốc tập trận ở vùng biển Hoàng Hải.

Quy tắc ứng xử

Hãng tin AP nói ngay từ đầu năm nay phía Trung Quốc đã nói với thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ James Steinberg khi ông này tới thăm Bắc Kinh, rằng Biển Nam Trung Hoa nay nằm trong "những quan tâm cốt lõi" của Trung Quốc bên cạnh Đài Loan và Tây Tạng.

Còn hãng tin Bloomberg nhắc lại rằng Trung Quốc chống lại cố gắng lập ra một quy tắc ứng xử Biển Đông sau khi đã đồng ý với các nước Asean hồi năm 2002 rằng các tranh chấp phải được giải quyết bằng con đường hòa bình.

Bloomberg trích lời Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada nói rằng tại diễn đàn an ninh vùng ở Hà Nội, ông Dương Khiết Trì đã nói đi nói lại rằng vấn đề Biển Đông phải được giải quyết song phương.

Còn Ngoại trưởng Hàn Quốc Yu Myung Hwan thì được Bloomberg dẫn lời nói ông Dương đã mất bình tĩnh khi đề cập tới Biển Nam Trung Hoa và "bỗng dưng bầu không khí trở nên ngột ngạt".

Khu vực Biển Đông có diện tích 3,5 triệu km2 và trải dài từ Singapore tới eo biển Đài Loan.

Ngoài Việt Nam và Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines đều tuyên bố chủ quyền một phần hay toàn bộ các đảo đá tại vùng biển này.

Bloomberg nói các ước tính của Trung Quốc cho thấy Biển Đông có nhiều dầu hơn Iran và nhiều khí đốt hơn Ảrập Saudi.

Trung Quốc đã gây sức ép buộc Exxon Mobil và BP ngưng khai thác dầu khí tại các vùng trên Biển Đông mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.