Home Tin Tức Thời Sự Tương tự chuyện Việt Nam 40 năm trước: 90,000 tài liệu chiến tranh Afghanistan vừa được tiết lộ

Tương tự chuyện Việt Nam 40 năm trước: 90,000 tài liệu chiến tranh Afghanistan vừa được tiết lộ PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Tường Cát tổng hợp   
Thứ Tư, 28 Tháng 7 Năm 2010 17:26

Hôm Chủ Nhật gần 92,000 hồ sơ của quân đội Hoa Kỳ về cuộc chiến tranh ở Afghanistan, trong đó có những tài liệu được coi là cần bảo mật,

 đã được tổ chức WikiLeaks phổ biến trên mạng lưới điện toán toàn cầu.

 Hinh minh hoa

Chưa rõ WikiLeaks đã thâu được những tài liệu này qua những nguồn nào. Một giới chức bộ Quốc Phòng yêu cầu không nêu danh tánh nói rằng hầu hết những tài liệu mật chỉ thuộc loại được gọi là “tình báo sơ khởi” nghĩa là những báo cáo từ các nhân viên cấp thấp để cho các phân tích viên tình báo sẽ duyệt xét đánh giá trước khi lập thành đề nghị trình lên thượng cấp quyết định sử dụng. Ðó không phải là những hồ sơ có giá trị cao về đường lối chiến lược của quân đội hay chính phủ Hoa Kỳ.

Ngay lập tức, dư luận chung cho rằng tầm mức của vụ này tương đương với trường hợp được gọi là Hồ sơ Ngũ Giác Ðài (The Pentagon Papers) bị tiết lộ năm 1971. Ðấy là những hồ sơ tối mật về sự can dự tuần tự của Hoa Kỳ vào chiến tranh Việt Nam trong giai đoạn 1945-1967, do Bộ Quốc Phòng thâu thập soạn thảo hoàn thành năm 1968, với mục tiêu nghiên cứu chứ không nhằm ý định phổ biến công khai.

Nhưng một thành viên đóng góp vào việc soạn thảo - Daniel Ellsberg, cựu phân tích gia của quân lực Hoa Kỳ làm việc cho cơ quan nghiên cứu chiến lược RAND Corporation - đã tiết lộ nội dung cho người bạn đồng sự Anthony Russo và ký giả Neil Sheehan báo The New York Times. Ngày 13 tháng 6 năm 1971, tờ Times bắt đầu đăng trên trang nhất loạt bài về hồ sơ này và tiếp sau đó tờ The Washington Post cùng những báo khác tiếp tục phổ biến những trích đoạn tài liệu.

Theo tờ New York Times: “Hồ sơ này chứng tỏ chính quyền của Tổng Thống Johnson đã lừa dối một cách có hệ thống cả công chúng lẫn Quốc Hội về vấn đề lợi ích quốc gia tối cao và ý nghĩa của nó.” Những tiết lộ về cuộc chiến tranh bí mật trước khi Hoa Kỳ đưa quân vào Việt Nam năm 1965 cho thấy sự tương phản với chính sách vẫn được chính quyền loan báo, và hậu quả của sự tiết lộ là đã làm dư luận quần chúng dần dần chuyển hướng quay ra chống chiến tranh.

Bây giờ sự tiết lộ này xảy ra vào thời điểm mà đường lối chiến tranh ở Afghanistan của Tổng Thống Obama đang càng ngày càng bị thêm nhiều chỉ trích, do đó người ta cho rằng có thể sẽ tác động đến nỗ lực chiến tranh ở đây.

Tướng Jim Jones, cố vấn an ninh quốc gia nói rằng những tài liệu này thuộc trong thời gian từ tháng 1 năm 2004 đến tháng 12 năm 2009, hầu hết là thời gian dưới chính quyền Tổng Thống George W. Bush. Theo giải thích của ông, đó là giai đoạn trước khi Tổng Thống Obama loan báo chiến lược mới, với sự gia tăng quân số ở Afghanistan cũng như chú trọng tới vùng cứ địa của Taliban và al-Qeada ở Pakistan.

Nhưng Thượng Nghị Sĩ John Kerry, Dân Chủ Massachusetts, chủ tịch Ủy Ban Ðối Ngoại Thượng Viện, nhân định: “Dù cho những hồ sơ này đã được tiết lộ bất hợp pháp như thế nào thì chúng cũng sẽ tạo nên những thắc mắc nặng nề về thực tế chính sách của Hoa Kỳ ở Pakistan và Afghanistan.”

WikiLeaks là một tổ chức quốc tế vô định hình, thành lập năm 2006, đặt căn cứ ở Thụy Ðiển, chuyên phổ biến các nguồn tin vô danh và tiết lộ tài liệu nhạy cảm về những chính phủ hay tổ chức khác. Tổ chức này tự nhận là đã được thành lập bởi các nhân vật đối kháng chế độ Trung Quốc và các ký giả hay triết gia, toán học gia.

Theo tạp chí The New Yorker Magazine số ra đầu tháng trước, giám đốc của tổ chức này là Julian Assange, một nhà báo và nhà hoạt động Internet người Australia. Chỉ trong vòng một năm, WikiLeaks nói rằng kho dữ liệu (database) của họ đã thu thập trên 1.2 triệu hồ sơ.

Trong mấy tuần lễ đầu tháng 7 năm 2010, Wikileaks đã cung cấp cho ba tờ nhật báo The New York Times ở Mỹ, The Guardian ở Anh và Der Spiegel ở Ðức độc quyền khai thác hơn 75,000 hồ sơ liên quan đến chiến tranh Afghanistan từ năm 2004 đến năm 2009. Ðến ngày 25 tháng 7, những tài liệu này được phổ biến cho công chúng qua Internet và giám đốc Wikileaks cho biết còn 15,000 hồ sơ nữa trong thời gian gần đây hơn sẽ được đưa ra.

Những điều thấy được qua các tài liệu này, bao gồm từ hoàn cảnh nguy hiểm cho binh lính Hoa Kỳ, sự khó khăn khi làm việc với các đối tác Afghanistan và khả năng đối phó của địch, cùng với thống kê về tổn thất của lực lượng NATO, là những yếu tố khiến người ta nghi ngờ rằng chiến lược của Washington hiện nay khó có thể đạt tới hiệu quả.

Những hồ sơ được tiết lộ cũng soi sáng thêm nhiều khía cạnh đen tối thường không được công chúng biết tới trước đây như các chiến dịch của Lực lượng Ðặc biệt Hoa Kỳ và hoạt động thành công hay thất bại của loại máy bay không người lái. Những tiết lộ phiền toái đáng khó chịu khác là tổn thất cho thường dân.

Trong số những nội dung bị tiết lộ, vấn đề tế nhị nhất có lẽ là chuyện Pakistan và Affghanistan tán trợ Taliban, Tờ Der Spiegel viết: “Những tài liệu đưa ra cho thấy cơ quan tình báo Pakistani là chỗ dựa tốt nhất của Taliban bên ngoài Afghanistan.” Tờ báo này giải thích: “Cơ quan tình báo Pakistan từng để cho nhân viên của họ gặp gỡ thảo luận với Taliban trong những cuộc họp bí mật để ấn định chiến lược đối phó với quân đội Mỹ như cách tổ chức những đội dân binh hay âm mưu ám sát các nhà lãnh đạo Afghanistan.” Tuy nhiên tờ The Guardian cho rằng không có bằng cớ rõ ràng về sự hợp tác giữa tình báo Pakistan và Taliban, nhưng lại có bằng cớ về việc Iran giúp Taliban.

Tờ The New York Times nhận xét: “Nói chung những tài liệu vừa tiết lộ không mâu thuẫn với những thông báo chính thức về cuộc chiến Afghanistan. Tuy nhiên trong một số vụ, những tài liệu này cho thấy quân đội Hoa Kỳ đánh lạc hướng công chúng qua những thông cáo đưa ra. Chẳng hạn vai trò của Lực lượng Ðặc biệt trong những chiến dịch tại Afghanistan lớn hơn nhiều so với những gì được nói ra. Cũng có tài liệu cho biết một trực thăng Hoa Kỳ đã bị bắn hạ bởi hỏa tiễn tầm nhiệt trong khi thông cáo chính thức chỉ nói là bằng vũ khí loại thường.

Một giới chức chính quyền yêu cầu không nêu danh tánh, nói là một toán chuyên viên đang bắt đầu xem xét và phân tích các tài liệu này. Theo ông, phải mất nhiều ngày mới có thể kết luận là tầm phương hại cho an ninh quốc gia và nỗ lực chiến tranh tới mức nào.

Một phát ngôn viên của Ngũ Giác Ðài, Geoff Morrell, nói trong chương trình “The Early Show” của truyền hình CBS sáng Thứ Ba rằng việc phổ biến những tài liệu ấy đã tiết lộ nhiều chi tiết về chiến lược cùng tin tức về mục tiêu của Hoa Kỳ và đồng minh, kể cả Pakistan, do đó đem lại nguy hiểm cho quân đội Hoa Kỳ trên chiến trường Afghanistan.

Tại tòa Bạch Ốc, Phụ tá Cố vấn An ninh Quốc gia Ban Rhodes, đặc trách truyền thông, cũng đồng quan điểm: “Chúng tôi mạnh mẽ lên án sự tiết lộ những tài liệu mật bởi những cá nhân hay những tổ chức, vì hành động này gây nguy hiểm đến sinh mạng các quân nhân Hoa Kỳ và phương hại cho nền an ninh quốc gia.”

Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết đang xem xét tai hại do sự tiết lộ hơn 91,000 tài liệu quân sự gồm những báo cáo chiến trường của các đơn vị hoạt động ở Afghanistan trong 6 năm. Ðây là tiết lộ lớn nhất trong lịch sử quân sự. Lục Quân Hoa Kỳ có trách nhiệm chính trong cuộc điều tra về những ai cung cấp các tài liệu tình báo cho trang web WikiLeaks. Cơ quan an ninh Lục Quân cũng sẽ có quyền điều tra quân nhân thuộc các quân binh chủng khác.

Ðại Tá Dave Lapan, một phát ngôn viên Ngũ Giác Ðài, từ chối bình luận về các chi tiết trong những tài liệu bị tiết lộ vì “dù được đưa lên Internet, chưa có nghĩa là đã được giải mật.” Theo lời Lapan, một cựu phân tích viên tình báo quân đội tên Bradley Manning đã bị bắt giữ vì tình nghi chuyển đi những thông tin mật, nhưng những tài liệu mới nhất có thể do những cá nhân khác được phép tiếp cận tới một mức nào đó về tin tình báo.

Julian Assange, giám đốc WikiLeaks, cho báo chí ở London biết là còn 15,000 hồ sơ nữa sẽ được công bố vì ông tin rằng hàng ngàn cuộc tấn công của quân đội Mỹ ở Afghanistan cần được điều tra về sự vi phạm tội ác chiến tranh. Nhưng ông cũng nhìn nhận rằng đấy mới chỉ là sự kiện được báo cáo, chưa hẳn là hoàn toàn chính xác và thực hư thế nào còn phải được xét xử ở tòa án.

Trong thực tế với Hoa kỳ cũng như các đồng minh NATO mà Hoa Kỳ cần thuyết phục trấn an về đường lối và tương lai của cuộc chiến tranh Afghanistan, vụ tiết lộ tài liệu khiến người ta không khỏi bị ám ảnh khi so sánh với trường hợp Việt Nam gần nửa thế kỷ trước.

Tháng 6 năm 1971 khi hồ sơ mật Ngũ Giác Ðài bị tiết lộ là 18 tháng trước khi Hoa Kỳ dứt khoát đi đến quyết định rút khỏi quân khỏi chiến tranh bằng việc ký Hiệp Ðịnh Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973. Liệu ngày nay Tổng Thống Obama cuối cùng cũng sẽ phải chấp nhận một giải pháp tương tựa hay không về cuộc chiến không lối thoát tại Afghanistan?

Tuy nhiên hai trường hợp của sự tiết lộ năm 1971 và năm 2010 có những khác biệt về căn bản. Hồ sơ mật Ngũ Giác Ðài do những thành phần đầu não trong giới hoạch định chính sách ở Hoa Kỳ soạn thảo và sự tiết lộ đã làm cho dân chúng Hoa Kỳ thất vọng vì bị lừa gạt. Còn tài liệu do Wikileaks đưa ra, dù với một con số rất lớn, chỉ là những hồ sơ, báo cáo, tin tức tình báo rải rác và ở cấp thấp, dẫu cho có thể một vài chi tiết trước đây công chúng chưa biết rõ chứ không phải là hoàn toàn không được hiểu biết. Do đó, không loại trừ ảnh hưởng không tránh khỏi của sự việc phiền toái ấy trong thời điểm tế nhị này, nhưng chính quyền Obama chưa hẳn đã lâm vào tình thế bị động mà vẫn còn quyền chủ động để tìm phương cách chấm dứt chiến tranh Afghanistan như thế nào, có điều là cần phải sớm đi đến quyết định. (HC)