Home Tin Tức Thời Sự Hoa Kỳ sẽ trợ giúp vùng hạ lưu sông Mekong về môi trường, y tế, giáo duc

Hoa Kỳ sẽ trợ giúp vùng hạ lưu sông Mekong về môi trường, y tế, giáo duc PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguoi Viet   
Thứ Ba, 27 Tháng 7 Năm 2010 17:46

 HK chi tiêu hơn $22 triệu trong năm 2010 cho các chương trình về môi trường trong vùng Mekong. 

 WASHINGTON - Gặp các ngoại trưởng của Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam ở Hà Nội trong khung cảnh Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong (LMI: Lower Mekong Initiative). Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Rodham Clinton tuần qua nhấn mạnh tới sự hợp tác ngày càng gia tăng giữa Hoa Kỳ và các quốc gia vùng hạ lưu sông Mekong (Cửu Long) trong những lãnh vực chính được quan tâm chung, theo bản tin Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.


Ngư dân Cambodia đánh lưới cá trên sông Mekong khúc chảy qua làng Svay Att, phía Bắc Phnom Penh.
(Hình: AP Photo/Heng Sinith
)

Về môi trường, Hoa Kỳ sẽ chi tiêu hơn $22 triệu trong năm 2010 cho các chương trình về môi trường trong vùng Mekong. Các chương trình này được yểm trợ qua Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong bao gồm những điểm sau:

- Hoa Kỳ sẽ mở một chương trình ba năm để trợ giúp bốn nước ở hạ lưu sông Mekong để phát triển các chiến lược hợp tác nhằm đối phó với hậu quả của sự thay đổi khí hậu đối với các nguồn nước, an ninh thực phẩm và đời sống. Hoa Kỳ đã dành $3 triệu cho năm đầu và dự tính tiếp tục các mức tài trợ tương tự trong năm thứ nhì và thứ ba.

- Tiếp tục phát triển một công cụ tiên đoán kiểu mẫu để minh họa hậu quả của sự thay đổi khí hậu và những thách đố khác đối với sự phát triển của vùng đồng bằng sông Mekong.

- Tài trợ một chương trình nghiên cứu hai năm giữa các trường đại học trong những nước thuộc vùng hạ lưu sông Mekong để nghiên cứu những chất ô nhiễm hữu cơ.

Về y tế, sự trợ giúp của Hoa Kỳ cho các nước vùng Mekong trong lãnh vực y tế sẽ lên tới tổng cộng hơn $147 triệu trong năm 2010, và chú trọng vào những lãnh vực sau:

- Hoa Kỳ mong muốn hợp tác với bốn nước vùng hạ lưu sông Mekong để khởi sự một chương trình nhắm vào những đe dọa đại dịch đang nổi lên trong vùng với một sự đóng góp của Hoa Kỳ cho năm 2010 là $14 triệu. Chương trình sẽ cải thiện việc nhận diện và đáp ứng những đe dọa mới cho nền y tế công cộng có nguồn gốc từ súc vật và củng cố các hệ thống y tế cho người và súc vật để chống lại những vụ bùng phát các bệnh truyền nhiễm.

- Hợp tác giữa các lân bang để đáp ứng những bệnh truyền nhiễm bằng cách huấn luyện các chuyên viên y tế và nhân viên thú y để phát hiện, theo dõi và kềm chế những vụ bùng phát, và để thiết lập một hệ thống cấp vùng nhằm phát hiện bệnh sốt rét kháng thuốc.

- Sự trợ giúp của Hoa Kỳ đang diễn ra đã cung cấp các dịch vụ điều trị và phòng ngừa bệnh HIV/AIDS cho hơn 2 triệu người trên khắp vùng Mekong.

Về giáo dục và huấn luyện, sự trợ giúp của Hoa Kỳ trong lãnh vực giáo dục cho năm 2010 lên tới tổng cộng $18 triệu. Các dự án giáo dục được yểm trợ qua chương trình Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong gồm có:

- Một diễn đàn sẽ được Hoa Kỳ và các nước ASIAN tổ chức chú trọng vào vùng Mekong liên quan đến vấn đề phổ biến Internet, giáo dục và phát triển tại những vùng nông thôn. Diễn đàn sẽ quy tụ các chuyên viên về phát triển, các viên chức chính phủ, khu vực tư, các hội đoàn dân sự, và các nhà hiến tặng để chia sẻ những phương cách tốt nhất trong việc mở rộng việc cung cấp Internet tới những vùng nông thôn nghèo.

- Chương trình thăm viếng quốc tế, cho phép các nhà chuyên môn trong vùng thuộc các lãnh vực giáo dục, môi trường và y tế có cơ hội để thăm viếng Hoa Kỳ và tham khảo với các đồng nghiệp về các phương cách tốt nhất để xây dựng các mối liên lạc hợp tác cả trong vùng lẫn quốc tế.

- Yểm trợ việc cung cấp các học bổng để huấn luyện Anh ngữ trong nước nhằm trợ giúp các nhà chuyên môn làm việc trong chương trình Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong cải thiện khả năng của họ trong việc liên lạc cấp vùng và quốc tế.

Sáng kiến được nhiều người coi như một cố gắng của Washington nhằm cải thiện vị thế của Hoa Kỳ trong vùng và chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, là nước nằm trên thượng lưu của sông Mekong.

Vùng hạ lưu sông Mekong, nơi đã bị hạn hán trong năm nay, được coi như một trong những vùng dễ bị thiệt hại nhất vì sự thay đổi khí hậu.

Hơn 60 triệu người lệ thuộc về một phương diện nào đó vào con sông, là nguồn đánh cá trong nội địa lớn nhất trên thế giới.

Ủy Ban Sông Mekong liên chính phủ đã cảnh cáo rằng tình trạng vùng châu thổ và các hệ sinh thái của con sông có thể bị đe dọa vì những đập nước được đề nghị xây dựng và dân số gia tăng.

Trung Quốc có tám đập nước đang hoạt động hoặc được dự trù xây dựng trên sông Mekong, nhưng bác bỏ những lời cáo buộc của các nhà tranh đấu rằng những đập nước này đã khiến mực nước sông ở hạ lưu xuống thấp.

Nhật cũng đã mở một cuộc họp ở Hà Nội với các nước vùng Mekong hôm Thứ Tư, để thảo luận một sáng kiến hỗn hợp “Mekong Xanh” cho thập niên tới, nhằm đối phó với những thách đố như các thiên tai và việc phá rừng. (n.n.)