Tiền chi cho quỹ hưu gây khủng hoảng tài chánh tiểu bang |
Tác Giả: V.Giang |
Thứ Hai, 26 Tháng 7 Năm 2010 06:40 |
SAN FRANCISCO (San Francisco Chronicle) - Sự kiện 80 nhân viên cảnh sát vừa bị cho nghỉ việc ở Oakland có thể là chỉ dấu báo trước những tệ hại sẽ xảy ra khi các giới chức chính phủ thấy rằng những thỏa thuận về hưu bổng dành cho nhân viên chính quyền tiểu bang ký kết trong thời gian giá cổ phiếu thị trường chứng khoán lên cao, đang ảnh hưởng trầm trọng đến ngân sách của họ ngày hôm nay. Chỉ huy trưởng cảnh sát Oakland, ông Anthony Batts (giữa) vừa có 80 nhân viên dưới quyền bị cho nghỉ việc vì thíêu ngân sách. “Ðây là điều đáng tiếc, nhưng chúng tôi không có cách nào khác hơn,” theo lời chủ tịch Hội Ðồng Thành Phố Oakland, bà Jane Brunner, nói về việc phải cho nhân viên cảnh sát nghỉ việc để đối phó với cuộc khủng hoảng về quỹ hưu trí. Vì phải cắt khoảng $30.5 triệu trong ngân sách, vốn theo bà Bruner còn nhiều hơn cả quỹ điều hành của thành phố, Oakland phải yêu cầu các cảnh sát viên phải trả 9 phần trăm lương của họ vào quỹ hưu trí và chấp nhận hạn tuổi nghỉ hưu trễ hơn cho những người được nhận vào sau này. Ông Dom Arotzarena, chủ tịch Hiệp Hội Cảnh Sát Viên Oakland, nói rằng các thành viên của ông đồng ý đóng thêm tiền vào quỹ hưu nhưng muốn thành phố hứa sẽ không cho ai nghỉ việc trong ba năm. Giới chức thành phố không đồng ý và thay vào đó là cắt giảm khoảng 10% lực lượng cảnh sát thành phố. Ðây không phải là điều chỉ xảy ra ở Oakland. “Ðiều này chẳng phải đặc biệt riêng Oakland,” theo lời ông Ron Cottingham, chủ tịch hiệp hội “Police Officers Research Association of California.” “Ðiều này đang xảy ra ở Stockton. Sacramento cũng vậy.” Ông David Crane, cố vấn cho Thống Ðốc Arnold Schwarzenegger về phát triển việc làm và kinh tế, gọi cuộc khủng hoảng quỹ hưu trí này là “vấn đề tài chánh lớn nhất mà chính quyền tiểu bang và địa phương phải đối diện.” Nguyên do đưa đến tình trạng hôm nay khởi sự trong thời bộc phát các công ty “dot-com” vào cuối thập niên 90. Vào lúc đó, giá cổ phiếu tăng vọt khiến giá trị của các quỹ hưu trí cũng lên đến mức mà nhiều cơ quan tiểu bang và địa phương có thể giảm thiểu hay bỏ hẳn tiền đóng góp vào quỹ của các thành viên, dùng tiền lời từ cổ phiếu để cho nhân viên nhà nước có thêm quyền lợi mà có vẻ là không tốn kém gì cho người trả thuế. “Ai cũng tăng quyền lợi cho nhân viên mà không nghĩ đến ảnh hưởng trên đường dài,” theo lời Kil Huh, giám đốc nghiên cứu của trung tâm Pew Center on the States, vốn mới gần đây thăm dò vấn đề toàn quốc này. California khởi sự đi trên con đường đãi ngộ công chức tiểu bang trong lãnh vực quỹ hưu trí năm 1999 khi thông qua đạo luật SB400. Ðạo luật này cho các nhân viên về an ninh công cộng được nghỉ hưu sớm hơn và với số tiền lãnh cao hơn trước đó. Sau đó các sở cảnh sát và sở cứu hỏa địa phương bắt chước rồi trở thành điều đương nhiên cho phần lớn các công chức ở tiểu bang và địa phương California. Nhưng khi giá cổ phiếu rớt xuống trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, trị giá của các quỹ hưu bổng trong tiểu bang như CalPERS cũng rớt theo. Do vậy, chính quyền phải trả thêm tiền vào quỹ để trang trải cho những chi phí về hưu bổng, giữa lúc bị thêm khoản thiếu hụt $19 tỉ trong ngân sách tiểu bang, gây ảnh hưởng dây chuyền đến từng thành phố, quận hạt và các học khu. Tuy thiếu tiền nhưng chính quyền tiểu bang và địa phương cũng không dám có hành động cắt giảm tiền hưu đang trả cho người thụ hưởng vì tất cả các vụ kiện liên quan đến vấn đề này ở tiểu bang từ trước đến nay cho thấy đây là điều không thể làm được. Một giải pháp mà họ đang thực hiện là thương thảo với các nghiệp đoàn đại diện cho nhân viên về biện pháp cứu quỹ hưu trí, như tăng tuổi hưu, giảm bớt quyền lợi, yêu cầu đóng góp thêm vào quỹ, với sự đe dọa là nếu không chỉ còn có cách là cho nhân viên nghỉ việc, như thành phố Oakland vừa thi hành. |