Ngoại trưởng Mỹ đến Hà Nội, đả kích chế độ bóp nghẹt nhân quyền |
Tác Giả: Nguoi Viet |
Thứ Sáu, 23 Tháng 7 Năm 2010 11:44 |
HÀ NỘI (TH) - Ngoại trưởng Hoa Kỳ mạnh mẽ đả kích chế độ Hà Nội đàn áp nhân quyền của người dân khi bà đến thủ đô Việt Nam hôm thứ Năm dự lễ kỷ niệm 15 năm bang giao giữa hai bên và tham dự Diễn Ðàn Khu Vực ASEAN. Trong một ngày bận rộn liên tiếp với các cuộc họp của ASEAN, các nước tiểu vùng Mekong, thăm các cô nhi bị nhiễm bệnh AIDS và cả gặp riêng Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, bà đả kích nhà cầm quyền Hà Nội đã đàn áp không khoan nhượng đối với các người đòi hỏi nhân quyền, đa nguyên đa đảng cũng như đã xâm phạm quyền tự do thông tin của người dân. Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói chuyện với một số trẻ mồ côi bị bệnh AIDS ở viện mồ côi của chùa Ngọc Lâm, Hà Nội, hôm 22 tháng 7, 2010. Bà ký một thỏa hiệp khung với Bộ Trưởng Tư Pháp CSVN Hà Hùng Cường để cung cấp thêm tài chính từ Quĩ Viện Trợ Khẩn Cấp của TT Hoa Kỳ giúp đối phó với bệnh AIDS ở Việt Nam. (Hình: AP Photo/Paul J. Richards) Trong một chuyến đi pha trộn với những kỷ niệm của gia đình (vợ chồng bà đã đến Việt Nam khi ông Clinton còn làm tổng thống) với những lời khuyên bảo lịch sự, bà Clinton cho hay bà đã nêu các trường hợp những người đấu tranh đòi dân chủ hóa một cách ôn hòa, tấn công các tổ chức tôn giáo độc lập và ngăn chặn các mạng thông tin điện tử, khi bà gặp Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng Phạm Gia Khiêm. Hoa Kỳ sẽ thúc giục nhà cầm quyền Việt Nam “theo đuổi cải cách và bảo vệ các quyền căn bản và các sự tự do,” bà Clinton nói trong cuộc họp báo ở Hà Nội, có ông Phạm Gia Khiêm đứng bất động bên cạnh. “Việt Nam, với một dân tộc phi thường, năng động, đang trên đường trở thành một quốc gia tầm cỡ, với tiềm năng vô hạn.” Bà nói tiếp: “Ðó là một trong những điều tôi bầy tỏ sự quan tâm.” Dịp này, ông Khiêm lập lại những lời tuyên truyền trước đây của chế độ Hà Nội rằng chính sách nhân quyền của họ bắt nguồn từ hoàn cảnh văn hóa và lịch sử đặc thù. Ông ta dẫn lại ý kiến của Tổng Thống Obama là các nước có quyền lựa chọn đường lối riêng và nhân quyền không thể bị áp đặt từ bên ngoài. Nói khác, những ai đòi đa nguyên đa đảng, đòi tự do báo chí, đòi tự do tôn giáo dù nhà nước Việt Nam có ký vào Bản Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị, Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế, vẫn bị chụp cho cái mũ “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN” hay âm mưu lật đổ để bỏ tù. Các tổ chức nhân quyền quốc tế thường xuyên đòi hỏi chế độ Hà Nội bãi bỏ các điều luật hình sự vi phạm quyền tự do căn bản của người dân nhưng không bao giờ được đáp ứng. Ngoại Trưởng Clinton nhận hoa khi đến chùa Ngọc Lâm ở Gia Lâm, Hà Nội và ở đó bà ký bản ghi nhớ về hỗ trợ phòng bệnh HIV/AIDS. (Hình: AP Photo) Thời điểm để bà Clinton đưa ra các khuyến cáo ở đây ngay ở ngày đầu của chuyến đi kéo dài 2 ngày ở Việt Nam gồm cả việc tham dự phiên họp an ninh khu vực của ASEAN, báo hiệu bà muốn nêu ra điều bà muốn nói với Hà Nội rồi tiếp tục lo cho những vấn đề khác. Bà nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ gia tăng hợp tác với Việt Nam về mậu dịch và đầu tư cũng như sẽ giúp đỡ nhiều hơn cho các nạn nhân chịu hậu quả của hóa chất khai quang mà quân đội Hoa Kỳ đã rải xuống trong chiến tranh. Tuy nhiên, những lời chỉ trích nhân quyền của bà tại Việt Nam trái với thái độ của bà khi thăm Trung Quốc. Bà tránh nói công khai về vấn đề nhân quyền được thảo luận với viên chức Bắc Kinh. Ngoại Trưởng Clinton tại buổi tiệc kỷ niệm 15 năm thiết lập bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, tại Hà Nội, hôm Thứ Tư. (Hình: Le Duc Tho, U.S. Embassy-Hanoi) Nhiều bản tường trình của các tổ chức quốc tế cáo buộc tình trạng nhân quyền tại Việt Nam trở nên tồi tệ hơn, những năm gần đây. Năm ngoái, một số người treo biểu ngữ chống tham nhũng, đòi đa nguyên đa đảng, kêu gọi lòng ái quốc đã bị bỏ tù. Ðầu năm nay, bốn người bị vu cho tội có âm mưu lật đổ chế độ độc tài đảng trị với các án tù nặng nề. Tuần trước, 19 dân biểu liên bang Hoa Kỳ kêu gọi bà Clinton thúc chế độ Hà Nội hủy bỏ kiểm duyệt Internet. Bức thư cáo buộc Hà Nội “gia tăng đàn áp nhắm vào các người vận động dân chủ hóa đất nước và đưa ra chính sách nhằm bịt miệng quyền tự do phát biểu trên mạng lưới thông tin điện tử.” Nhiều tổ chức cộng đồng người Việt hải ngoại cũng đề nghị bà Clinton áp lực nhân quyền với Hà Nội mạnh mẽ hơn nữa.” Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thúc giục Việt Nam tăng cường sự cam kết đối với nhân quyền và để cho người dân có tiếng nói rộng rãi hơn về đường hướng sống của người ta.” Bà nói: “Tuy nhiên, mối quan hệ của hai nước không chỉ đóng khung ở sự khác biệt. Chúng ta đã học bài học không còn nhìn nhau như hai kẻ cựu thù mà là bạn.” Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary R. Clinton (trái) và Phạm Gia Khiêm (phải), phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Việt Nam, nâng ly chúc mừng nhau nhân dịp kỷ niệm 15 năm bang giao giữa hai nước trong một buổi lễ tổ chức ở Hà Nội ngày 22 tháng 7, 2010. (Hình: AP Photo/Kham) Cùng với nỗ lực cổ võ mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam, bà Clinton cũng bày tỏ mối quan ngại về sự bắt tay đồng minh đầy nguy hiểm giữa Bắc Hàn và Miến Ðiện. Bắc Hàn là một nước cộng sản độc tài sắt máu nhất thế giới trong khi Miến Ðiện là nước độc tài quân phiệt tệ hại không kém. Cả hai nước đều bị thế giới đả kích vi phạm nhân quyền trần trọng nhất thế giới nay đang tiến lại gần nhau hơn. Bà Clinton cho hay bà nói với các viên chức cầm quyền Việt Nam là Hoa Kỳ rất quan ngại đến các hàng hóa quân sự được Bắc Hàn chuyển cho Miến Ðiện cũng như các bản phúc trình không chính thức nói Miến đang nhờ Bắc Hàn giúp phát triển chương trình võ khí nguyên tử. Cũng trong chuyến đi này, Ngoại Trưởng Clinton loan tin Mỹ sẽ cấp $14 triệu trong năm 2010 để giúp các nước vùng hạ lưu sông Mekong đối phó với các nguy cơ dịch bệnh. Bà Clinton cũng nêu tầm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với khu vực này, và nói Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ một kế hoạch 3 năm giúp các nước trong vùng tìm một giải pháp dài hạn. Hoa Kỳ cam kết viện trợ $3 triệu cho năm đầu tiên “và mong đợi mức viện trợ tương tự trong hai năm tiếp theo.” (TN)
|