Home Tin Tức Thời Sự “Một kế hoạch tinh vi” của TQ để lấn chiếm biển Đông

“Một kế hoạch tinh vi” của TQ để lấn chiếm biển Đông PDF Print E-mail
Tác Giả: Tuệ Vân   
Thứ Năm, 22 Tháng 7 Năm 2010 10:56

Cái ý chí của đảng và nhà nước cương quyết bảo vệ chủ quyền chỉ được biểu hiện gần đây bằng cách ra “luật tự vệ biển” mà cụ thể là cấp vài cây súng tay nhưng dân không dám dùng vì dùng thì chết với hải quân Tầu trang bị mạnh mẽ.


July 21, 2010

 
“Một kế hoạch tinh vi được tính toán kỹ lưỡng” là tựa đề bài phỏng vấn, mà cũng là lời khẳng định của ông Trần Công Trục, TS luật, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam với Báo Thanh Niên về một “chiến lược gọi là tinh vi” mà TQ đang áp dụng trong vấn đề Hoàng Sa Trường Sa.

Kế hoạch tinh vi mà ông Trần Công Trục nói gồm những điểm gì tinh vi?

Trước hết theo ông Trục, “Tất cả các đảo mà TQ chiếm giữ hiện nay đều do họ giành được bằng vũ lực quân sự.”Năm 1956, lợi dụng thời điểm chuyển giao của VN sau Hiệp định Geneve có khoảng trống, TQ đã chiếm đóng phía đông quần đảo Hoàng Sa. Năm 1958, họ lại tiếp tục đưa lực lượng chiếm phía tây Hoàng Sa nhưng đã bị quân đội Sài Gòn bắt giữ toàn bộ lực lượng này và đưa về giam giữ ở Đà Nẵng. Năm 1974, lợi dụng thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ đi vào giai đoạn cuối, TQ đã đưa quân chiếm nốt phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa từ chính quyền Sài Gòn. Năm 1988, TQ lại tiếp tục đưa quân tấn công, chiếm đóng một số bãi cạn ở Trường Sa.”

Đơn giản, trên đây chỉ là một xâm lấn bằng võ lực trước mắt mọi người.

Thứ hai, ông Trục kể ra rằng TQ đã “Phê chuẩn thành lập các đơn vị hành chính thuộc tỉnh Hải Nam để “quản lý” quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN; hằng năm công bố lệnh cấm đánh bắt cá; cử các tàu ngư chính tuần tiễu trên biển Đông để “bảo vệ ngư trường của TQ”; ngăn cản, bắt giữ và bắt các tàu cá của VN phải nộp phạt..” Và: “Không chỉ có vậy, TQ cũng tận dụng và tranh thủ các kênh quốc tế để thực hiện chiến lược này. Năm 1975, TQ đã yêu cầu Tổ chức Khí tượng thế giới cho đăng ký đài khí tượng TQ thay thế cho đài khí tượng Sài Gòn tại Hoàng Sa. Năm 1980, tại kỳ họp lần thứ 26 Hội Địa chất quốc tế ở Paris (Pháp), phía TQ đã báo cáo và cho lưu hành tài liệu địa chất “Biến đổi kiến tạo các bể dầu khí TQ” và đưa ra bản đồ các bể dầu khí trong đó có đoạn nói quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là phần kéo dài của lục địa Trung Hoa. Năm 1983, tại hội nghị về Hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương, TQ đưa ra hai tấm bản đồ vẽ đường biên giới trên biển bao quanh gần hết biển Đông...”

Đoạn này cũng chẳng thấy gì tinh vi mà chỉ là những biện pháp hành chính và chính trị công khai. Câu hỏi cần nêu ra trong trường hợp này là đảng và nhà nước CSVN đã có những đối phó ra sao? Ông Trục viết:

“Trước hết, phải khẳng định rằng việc làm này của phía TQ đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN, trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà TQ và ASEAN đã cam kết thực hiện. Chính phủ VN đã chính thức lên tiếng phản đối và yêu cầu TQ phải chấm dứt ngay những hành động phi pháp đó. Điều này cũng cho thấy ý chí của Nhà nước VN trong việc bảo vệ chủ quyền của mình trước bất cứ hành động xâm phạm nào.”

Trong khẳng định này, ông Trục đã bỏ qua không nhắc tới công hàm Phạm Văn Đồng gửi cho Chu Ân Lai công nhận quan điểm về chủ quyền của TQ trên biển Đông tháng 9 năm 1958.

Tại sao ông Trục đã nêu lên một cách dư thừa “ý chí của nhà nước bảo vệ chủ quyền”, khi ý chí này chi là bình thường phải có trong mọi nhà nước? Nghĩ một chút thì ông Trục đã phải nói như thế vì dân chúng không có ai thấy cái ý chí đó cả, khi mà nhà nước đã thụ động im lặng một thời gian dài trong vấn đề biển Đông, và ngay cả cấm dân có ý kiến.

Có lẽ cũng biết như thế, ông Trục đã nói tiếp: “Điều đáng mừng là VN đã có thái độ rất cương quyết về vấn đề này. Ví dụ như việc những ngư dân của VN kiên quyết không nộp phạt, không ký văn bản khi bị TQ bắt giữ khi đang đánh cá hợp pháp trên vùng biển của VN. Vùng biển của mình mà để họ bắt giữ rồi phải nộp phạt vì “đã xâm phạm chủ quyền của TQ” là điều không thể chấp nhận được.”

Lại là một ca tụng quá buồn cười. Thái độ cương quyết của một nhà nước trước sự xâm lăng của địch chỉ là chuyện đương nhiên và tự nhiên mà tại sao ông Trục lại nói là “đáng mừng”? Nói ra lời ca tụng vô nghĩa này là bởi vì ông Trục dư biết dân chúng đã thất vọng nhiều lắm về thái độ của nhà nước đối với TQ. Nhưng khổ thay, ông Trục đã không biết ngưng, mà lại bịa ra ví dụ “những ngư dân của VN kiên quyết không nộp phạt, không ký văn bản khi bị TQ bắt giữ khi đang đánh các trên vùng biển của VN.”

Thì dụ trên đây tuy nhiên đã ngược hẳn với những bản tin được loan đi trên các cơ quan truyền thông nhà nước và ngoại quốc! Vì chinh miệng ngư dân đã nói rằng đã phải đôn đáo chạy tiền nộp phạt về tội “đã xâm phạm chủ quyền của TQ”, và tầu bè bị phá hủy, ngư cụ bị tịch thu mà nhà nước không can thiệp ngoài vài lời phản đối chiếu lệ. Cái ý chí của đảng và nhà nước cương quyết bảo vệ chủ quyền chỉ được biểu hiện gần đây bằng cách ra “luật tự vệ biển” mà cụ thể là cấp vài cây súng tay nhưng dân không dám dùng vì dùng thì chết với hải quân Tầu trang bị mạnh mẽ.

Nói ra rành rẽ với các sự kiện sắp sếp lớp lang để khoả lấp như ông tiến sĩ Trục dù sao cũng hơn ông Nguyễn ngọc Ân đã trả lời tự bắn vào chân khi ca tụng trường đại học Mỹ rởm, nhà nước giới thiệu và cấp tiền để ông lấy bằng tiến sĩ, mặc dù không biết tiếng Anh. Khoác cho chính sách TQ hai chữ tinh vi, ông Trục gián tiếp ca ngợi sự thụ động tài tình của đảng, được nói lên bởi bộ trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh: “Quan hệ với Trung Quốc hiện nay “đang rất tốt” và cam kết không vì các tranh chấp chủ quyền biển đảo mà “ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước.” “Không để các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng, kích động để chia rẽ quan hệ giữa hai nước.”

Rõ ràng chúng ta không thể coi thường những tiến sĩ dựng nên của đảng và nhà nước CSVN biến thái.

Tuệ Vân
Ngày 21 tháng 7 năm 2010