Home Tin Tức Thời Sự Tình báo Nhật Bản và những "thương đội bí mật"

Tình báo Nhật Bản và những "thương đội bí mật" PDF Print E-mail
Tác Giả: saigonEcho suu tam   
Thứ Ba, 20 Tháng 7 Năm 2010 18:28

Nếu như tình báo Đức phát xít từ Chiến tranh thế giới thứ hai vẫn được các nhà nghiên cứu đánh giá bằng cái từ là "tình báo tổng lực",

thì người đồng minh của họ trong thời kỳ này lại nổi tiếng với những hoạt động tình báo kinh tế.


Một cuốn sách về hoạt động tình báo của Nhật trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Theo các chuyên gia, hoạt động tình báo Nhật Bản bắt đầu được hình thành vào giữa thế kỷ XIX, sau khi chính quyền nước này bắt buộc phải mở rộng cửa thông thương với nước ngoài trước sức ép của phương Tây.

Cùng với việc phát triển những mối quan hệ thương mại, Chính phủ Nhật bắt đầu gửi nhiều phái đoàn ngoại giao, thương mại và hải quân để khai thác thông tin tại châu Âu và châu Mỹ.

Với tư cách của các thực tập sinh, người Nhật bắt đầu xâm nhập vào các nhà máy công nghiệp của Mỹ và châu Âu bắt nguồn từ điều khoản cam kết các ông chủ tại đây phải nhận người Nhật vào làm việc. Đó là một phần của thỏa thuận mà phương Tây phải chấp nhận để có thể có quyền buôn bán tại xứ sở mặt trời mọc.

Thế là trong đội ngũ công nhân trên có không ít những kỹ sư có kinh nghiệm được giả dạng nhằm tìm hiểu và đánh cắp những bí mật kinh tế của phương Tây.

Ngoài ra, còn có các phái đoàn ngoại giao, sinh viên và khách du lịch tham gia vào hoạt động tình báo kinh tế. Tất cả những thông tin khai thác được từ những đội quân trên qua nhiều kênh khác nhau sẽ được gửi tới Trung tâm Tình báo Tokyo để sàng lọc và phân tích.

Đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tình báo của Nhật vào giai đoạn này chính là những "hội yêu nước" tập hợp điệp viên từ tất cả các thành phần xã hội. Tất cả được liên kết bởi một mục đích chung: đó là thiết lập quyền thống trị của Nhật tại châu Á và sau đó là cả thế giới. Hội lớn nhất trong số này phải kể tới là hội "Rồng đen" với hơn 100 nghìn thành viên phân bố tại nhiều hạt nhân tại Mỹ, Mỹ Latinh và Bắc Phi.

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, tình báo Nhật đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của các cơ quan mật vụ phương Tây, nhiều phương pháp hoạt động đặc biệt của họ đã khiến các quan chức tình báo Anh và Mỹ phải thực sự ngạc nhiên

. Qua tiết lộ từ vài nguồn tin tại Nhật, công chúng có thể biết tới không ít những câu chuyện ấn tượng về hoạt động tình báo tại quốc gia này. Chẳng hạn như chuyện về một cô gái Mỹ gốc Nhật bị chết đuối trong thời gian về thăm quê hương vào giữa những năm 50.

Các nhân viên tình báo Nhật đã vớt được thi thể cô ta cùng với toàn bộ giấy tờ tùy thân. Thế là một nữ điệp viên thành thạo tiếng Anh (có mật danh là Lili Petal) được phẫu thuật thẩm mỹ để có ngoại hình giống với người đã chết. Nhờ đó, Lili đã đặt được chân tới một khu phố người Nhật tại New York, đảm đương xuất sắc vai trò một điệp viên tuyển mộ trong suốt nhiều năm. Điệp viên này được đánh giá là một trong những nguồn cung cấp thông tin tình báo chính cho sứ mạng biến Nhật thành một siêu cường kinh tế.

Năm 1990, một số công ty Nhật hoạt động trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ như "Nissan Motors", "Ishikawajima-Harima Heavy Industries" và "Misubishi Heavy Industries" đã thành công trong việc mua được của một thương gia Mỹ nhiều phần mềm máy tính quan trọng. Thương gia này sau đó đã bị Washington bắt giữ vì tội bán trái phép các công nghệ quân sự.

Theo tiết lộ của mật vụ Mỹ, các phần mềm bị phát hiện trong máy tính của kẻ bị bắt đều được xếp vào loại nghiêm cấm mua bán, do chúng được xây dựng trong khuôn khổ "Sáng kiến phòng thủ chiến lược" (Còn gọi là chương trình "Chiến tranh giữa các vì sao"). Từ thời điểm đó, Tokyo luôn xác định, hoạt động tình báo công nghiệp là ưu tiên hàng đầu của tương lai, kèm theo đó là sự hỗ trợ hết mình của các quan chức hàng đầu cho các hoạt động trong lĩnh vực này.

Đó cũng là nguyên nhân hình thành một thế hệ điệp viên tình báo công nghiệp trẻ của xứ sở mặt trời mọc. Theo các cơ quan mật vụ phương Tây, tại Trường đại học Tokyo còn có một cơ sở đào tạo đặc biệt được gọi là "lò rèn luyện nhân lực" cho hoạt động tình báo kinh tế.

Các sinh viên được chọn lọc vào đây sẽ được làm quen với các lý thuyết về hoạt động tình báo khoa học-kỹ thuật, trước khi họ được gửi tới Mỹ, Đức, Anh hay Pháp trong khuôn khổ những chương trình trao đổi văn hóa. Chẳng hạn như trong thời gian viếng thăm một hãng ảnh của Pháp, sinh viên Nhật đã vô tình để đầu cà vạt của mình nhúng vào lọ đựng chất phản ứng hóa học với mục đích tìm hiểu được thành phần của nó.

Cát đen và kính...

Người Nhật có rất nhiều mánh lới ngay cả trong việc tìm kiếm và khai thác những nguồn tài nguyên của nước ngoài. Vào năm 1978, Hãng Asahari của Nhật đã nộp đơn lên Bộ Ngoại thương Liên Xô, xin thuê trong 2 năm một khu vực bờ biển tại làng Ozernovski (phía tây nam bán đảo Camchatka).

Trong đơn có nêu rõ lý do xây dựng tại vùng này một cơ sở nghỉ chân dành cho những đội tàu đánh cá hoạt động tại khu vực hải phận quốc tế của biển Okhot. Hợp đồng nhanh chóng được ký kết với sự đồng ý của Liên Xô. Tuy nhiên, các chiến sĩ biên phòng Xôviết đã nhận ra những biểu hiện khác lạ của những người thuê đất: họ tỏ ra chẳng mặn mà gì với việc xây dựng khu nghỉ, thay vào đó chỉ khai thác cát đen tại bờ biển để đưa lên tàu.

Giới lãnh đạo Asahari giải thích là họ dọn cát chỉ để chuẩn bị cho việc xây dựng các biệt thự và bến tàu. Số cát trên đơn giản là chỉ được đem đổ ra biển. Theo chỉ thị của Chủ tịch KGB khi đó là Yuri Andropov, bộ phận tình báo vệ tinh phải theo dõi chặt chẽ hành động của những con tàu chở cát đen. Hóa ra, toàn bộ số cát trên được chuyển thẳng tới Nhật.

Kết quả phân tích sau đó của giới khoa học cho thấy, loại cát đen trên có nguồn gốc từ tro núi lửa Maion với rất nhiều thành phần quý hiếm như scandi, ytri, lantan, vàng và bạch kim v.v... Khu vực bờ biển mà người Nhật đã thuê là nơi duy nhất trên thế giới có thể khai thác lộ thiên những kim loại quý hiếm trên, vốn được sử dụng rất nhiều trong ngành công nghiệp điện tử, kỹ thuật laser và quang học. Thế là Bộ ngoại giao Liên Xô đã gửi công hàm phản đối, đồng thời đơn phương phá bỏ hợp đồng.

Trước đó vào năm 1976, Hãng Ikebuco của Nhật có đặt vấn đề mua thường xuyên một số lượng lớn kính của Liên Xô. Mọi điều kiện trong hợp đồng đều tỏ ra rất có lợi đối với Moskva: phía Nhật sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm đóng gói, vận chuyển hàng. Ngay khi hợp đồng được ký kết, hàng trăm giá gỗ để kính được người Nhật đặt mua chuyển tới cảng Nakhodka để đưa lên các đoàn tàu vận tải của Nhật.

Phải đến 3 năm sau, KGB thông qua mạng lưới điệp viên của mình mới xác định được rằng, số kính người Nhật mua thực ra chỉ là bình phong. Ngay khi các tàu vừa rời khỏi cảng Nakhodka, thủy thủ đoàn trên đó đã cho dỡ tất cả các container kính, đổ hết xuống biển và chỉ để lại các khung giá làm bằng toàn những loại gỗ có chất lượng. Tất cả điều được thực hiện kín đáo trong đêm tối nhằm tránh sự nhòm ngó của tàu bè qua lại và máy bay của hải quân Xôviết.

Ngoài ra để đảm bảo bí mật, Hãng Ikebuco chỉ tuyển các thủy thủ đoàn tạm thời, tức là chỉ thuê cho một chuyến hải hành - chủ yếu là những thủy thủ nghèo từ Đông Nam Á. Khi xong việc, họ được ép uống một loại rượu có pha sẵn một loại ma túy gây loạn trí nhớ tạm thời. Mục đích là để sau khi hoàn tất chuyến hải hành lên bờ, không một thủy thủ nào có thể nhớ mình đã làm gì trên tàu.

Theo các số liệu ước tính, Nhật đã chuyển về nước gần 10 nghìn m3 các loại gỗ quý như bá hương, dẻ gai và sồi được ngụy trang dưới dạng giá đỡ kính. Cũng chính nhờ trò gian lận này, nước Nhật vào cuối thế kỷ XX dù không có tài nguyên về rừng, nhưng vẫn đứng vị trí thứ ba thế giới về xuất khẩu đồ gỗ sau Tây Ban Nha và Italia.


... đến chiêu xuất khẩu đồ sành sứ

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, CIA đã nắm được rất rõ về việc, các tổ hợp tên lửa chiến lược của Liên Xô được lắp ráp ở phía tây và khu vực trung tâm lãnh thổ rồi sau đó qua tuyến đường sắt liên Siberia để chuyển tới bố trí tại phía đông.

Đến đầu những năm 80, người Mỹ đã nắm được thông tin về phần lớn các đơn vị tên lửa chiến lược cố định của Liên Xô. Tuy nhiên, họ hầu như mù tịt về các hệ thống tên lửa di động MIR V có thể chứa tới 10 đầu đạn, được lắp đặt và ngụy trang dưới dạng toa tàu khách. Để có được thông tin trên, phía Mỹ đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của người Nhật.

Vào cuối những năm 80, hoạt động của Hãng Shochiku từ Nhật bắt đầu thu hút sự chú ý của các nhân viên phản gián Xôviết, sau khi trong suốt nửa năm liên tục, hãng này cứ mỗi tháng lại vận chuyển một lượng lớn đồ sành sứ tới cảng Nakhodka, trước khi chuyển tới Hamburg. Cho dù tất cả những hàng hóa trên đều được đăng ký và có giấy tờ đầy đủ cho việc trung chuyển trên đất Liên Xô, nhưng một số điểm bất thường đã gây ra sự thắc mắc từ phía cơ quan phản gián.

Đầu tiên, tất cả những hàng sành sứ trên đều là loại hàng hết sức bình thường, trong khi hàng xuất khẩu thường phải là những loại có chất lượng và tính mỹ thuật cao. Số hàng hóa trên được vận chuyển trên một tuyến đường sắt liên Siberia rất dài, khiến chi phí vận chuyển lên rất cao. Chưa kể loại hàng rất bình thường trên lại được đưa tới bán tại Đức, một xứ sở cũng nổi tiếng về đồ sứ.

Những tín hiệu bất thường trên đã được bộ phận phản gián địa phương báo ngay lên Tổng cục II của KGB.  Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Hãng Shochiku có quan hệ gần gũi với một công ty công nghiệp quốc phòng lớn của Mỹ hoạt động trong lĩnh vực vô tuyến điện tử. Nói một cách chính xác hơn,  Shochiku chỉ là một chi nhánh của công ty này, do có tới 80% số vốn điều lệ của nó là của người Mỹ.

Phóng vệ tinh do thám đầu tiên của Nhật Bản.

Thế là các nhà chức trách quyết định bất ngờ kiểm tra toàn bộ một chuyến tàu chở hàng sành sứ này. Sau khi dỡ hết số hàng sứ ngụy trang bên ngoài, người ta phát hiện một chiếc buồng nhỏ chứa đầy các trang thiết bị kỹ thuật trông như một khoang của chiếc tàu vũ trụ.

Các nghiên cứu kỹ lưỡng tại Moskva sau đó cho thấy, đây thực ra là một hệ thống phức tạp gồm nhiều khối máy giúp ghi nhận các bức xạ gamma, các thiết bị định lượng nhiệt phát quang, hệ thống xử lý thông tin, nguồn nuôi v.v... Toàn bộ hệ thống hoàn toàn tự động, được điều khiển bằng máy tính mà không cần có sự can thiệp của con người.

Các chuyên gia kết luận rằng, đây chính là một phòng thí nghiệm đặc biệt có khả năng thu thập và lưu trữ thông tin trên suốt chiều dài chặng đường từ Nakhodka tới Leningrad. Hệ thống do thám độc nhất vô nhị trên có khả năng ghi nhận những địa điểm có nguyên liệu hạt nhân cũng như bất kỳ sản phẩm nào được chế tạo từ nguyên liệu này.

Nó ghi nhận tất cả những phương tiện giao thông đang vận chuyển những sản phẩm hay nguyên liệu hạt nhân. Hệ thống máy ảnh hiện đại trong đó có thể chụp ảnh tự động các vị trí nằm dọc theo tuyến đường sắt vài cây số.

Nói một cách đơn giản hơn, hệ thống do thám trên giúp giám sát và theo dõi cả một khoảng không gian lớn dọc theo tuyến đường sắt liên Siberia, xác định và kiểm soát sự di chuyển của các đơn vị hạt nhân cơ động của Liên Xô. Việc người Nhật quyết định chọn đồ sứ làm bình phong cho chiến dịch này là do các công nhân khi bốc xếp sẽ phải làm việc hết sức cẩn thận, không làm hỏng hệ thống do thám ước tính trị giá tới 200 triệu USD.

Phòng thí nghiệm trên tàu trên được di chuyển theo một chu trình khép kín: sau khi hoàn tất chuyến đi sâu vào lãnh thổ Liên Xô, nó sẽ được chuyển cho người Mỹ để lấy thông tin từ Hamburg, sau đó được đưa trở lại Nhật để bắt đầu một hành trình mới.

Trước những bằng chứng không thể chối cãi, Chủ tịch Hãng Shochiku đã phải chấp nhận đền bù một khoản tiền lớn, đồng thời yêu cầu phía Liên Xô không đưa vụ bê bối này ra trước công luận. Nhiều khả năng số tiền nộp phạt này của Shochiku cũng do chính các ông chủ tại Mỹ chi trả