Mỹ thúc đẩy chính sách Đông Nam Á để cân bằng thế lực của Trung Cộng |
Tác Giả: FreeVietNews |
Thứ Ba, 20 Tháng 7 Năm 2010 07:04 |
Mối quan ngại của Hoa Kỳ và nhiều nước Ðông Nam Á đã đặc biệt gia tăng Tin tổng hợp - Trước khi nữ Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đến Việt Nam, Hoa Kỳ đã tung ra hàng loạt tín hiệu thể hiện mối quan tâm đến vùng Ðông Nam Á trong lúc Trung Cộng bắn tin cho biết đã xem Biển Ðông là khu vực quyền lợi thiết thân của họ. Có thể xem chuyến ghé thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ là một cái mốc quan trọng, đánh dấu sự chuyển hướng trong chính sách của Hoa Kỳ, quan tâm nhiều hơn đến vùng Ðông Nam Á. Thay đổi trong chính sách này đã bắt đầu từ ngày Tổng Thống Obama lên cầm quyền tại Tòa Bạch Ốc, với bà Clinton trong cương vị bộ trưởng ngoại giao. Sau các tín hiệu mạnh mẽ tung ra vào năm ngoái nhằm xác định quyết tâm trở lại vùng Ðông Nam Á, dẫn tới việc ký kết văn kiện gọi là Hiệp ước bất tương xâm với Asean vào tháng 7, nối tiếp với Hội nghị thượng đỉnh Mý-ASEAN lần thứ nhất tại Singapore vào tháng 11, từ đầu năm đên nay Washington đã không ngừng bày tỏ thái độ quan tâm đến Ðông Nam Á, Về măt chính trị, song song với chuyến công du Việt Nam của người đầu ngành, bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã cử nhân vật số ba của mình là ông William Burns đi một vòng 4 nước Ðông Nam Á mà bà Clinton không ghé thăm lần này là Thái Lan, Cam Bốt, Nam Dương và Phi Luật Tân. Mục tiêu được tuyên bố vẫn là để thể hiện lời cam kết của Tổng thống Barack Obama là sẽ tăng cường quan hệ đối với khu vực này. Trong tuần qua, lần đầu tiên từ trước năm 1975 đến nay, một viên chức cao cấp của Lào được đón tiếp tại Hoa Thịnh Ðốn. Nhân chuyến công du của phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Lào Thongloun Sisoulith, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley xác định là Hoa Kỳ xây dựng quan hệ với Lào như là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm mở rộng sự can dự của Washington vào khu vực Ðông Nam Á. Ðối với Cam Bốt cũng vậy, hôm thứ bảy Hoa Kỳ và Cam Bốt đã tổ chức trọng thể lễ khai mạc cuộc tập trận quốc tế duy trì hòa bình mang tên Angkor Sentinel trên lãnh thổ Cam Bốt, với sự tham gia của hơn 700 binh sĩ đến từ 23 quốc gia. Ðây là tín hiệu mạnh về phương diện quân sự đối với môt nước Ðông Nam Á trước đây còn bị Mỹ nghi kỵ. Hoa Kỳ cũng tuyên bố sẽ viện trợ quân sự cho quốc gia nhỏ bé này, trong lúc mời quân đội các nước như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương và Singapore tham gia cuộc thao diễn của hải quân ở ngoài khơi quần đảo Hawaii, một cuộc thao diễn sẽ kéo dài qua tháng 8. Riêng Thái Lan và Mã Lai là hai quốc gia mới tham gia tập trận năm nay. Mới đây, theo các nguôn tin báo chí, Hoa Kỳ còn cho một tiềm thủy đỉnh nguyên tử đến Philippines. Riêng đối với Việt Nam, các tín hiệu thể hiện sự quan tâm cũng rất nhiều. Ðáng chú ý là bài diễn văn của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates tại cuộc đối thoại Shangri La gần đây. Trong bài tham luận đó, ông Gates đã không ngần ngại tỏ rõ mối quan ngại của Hoa Kỳ trước các cản trở mà mà quyền tự do thông thương ở Biển Ðông có thể vướng phải, cũng như quyền tự do phát triển kinh tế của các nước trong vùng. Mối quan ngại của Hoa Kỳ và nhiều nước Ðông Nam Á đã đặc biệt gia tăng khi gần đây Trung Cộng bắn tiếng cho biết là kể từ nay, Biển Ðông trở thành vùng quyền lợi thiết thân của họ, ngang hàng với Ðài Loan, Tây Tạng hay Tân Cương. Theo nhận định của một số quan sát viên, chính sách can dự vào Ðông Nam Á nhiều hơn của Hoa Kỳ cũng nhằm mục tiêu hạn chế xu thế bành trướng của Bắc Kinh.(SBTN) |