Chỉ một cơn mưa lớn Hà Nội biến thành sông |
Tác Giả: Đỗ Hiếu, phóng viên RFA |
Thứ Năm, 15 Tháng 7 Năm 2010 08:49 |
Sau cơn mưa lớn vừa qua, “Hà Nội thành biển nước” vì giao thông hoàn toàn bị tắc nghẽn, hàng trăm điểm trong thủ đô bị tràn ngập, nước dâng cao quá thắt lưng người đi đường. Photo courtesy of cpv.org.vn / Hà Nội mênh mông nước trong trận mưa lớn hôm 13/7/2010 Hết chống nóng đến chống ngập Nhiều hình ảnh ghi nhận tại chỗ cho thấy người dân dùng xuồng di chuyển hay khách bộ hành vén cao ống quần lội sâu trong nước, bên cạnh đó bao người khác khoác áo đi mưa dẫn xe bị chết máy, tìm đến chỗ cao, chờ nước rút. Chỉ 20 phút sau khi cơn mưa trút nước, nhiều khu ở Hà Nội nước đã dâng lên quá nửa mét. Trên khắp các tuyến nội thành, người ta không còn phân biệt được đâu là mặt đường, đâu là vỉa hè, giao thông rối loạn, tứ bề bỗng chốc biến thành hồ bơi mênh mông, xe cộ nằm la liệt, hai bên đường kẹt cứng. Ông Hợp, một cư dân quận Thanh Xuân, Hà Nội kể về quang cảnh ngay sau cơn mưa nặng hột: “Ai cũng mong cho mau thoát nước chứ, đi làm mấy hôm ngập khổ lắm, người ta nghĩ là thay vì mấy ông làm đường tàu cao tốc thì có lẽ làm mấy cái cầu cho dân người ta đi còn hơn. Một người dân Hà Nội“Sáng hôm qua, sau một trận mưa trong 2 tiếng, với lượng mưa trên 60 mm, 23 nơi trong thành phố bị ngập nước, có nơi như hầm Kim Liên, giao thông bị ngập đến một mét hai, kinh thật, cả thành phố chìm trong nước. Nhà tôi suýt chút nữa nước tràn cả vào nhà, chúng tôi nói đùa, bây giờ là đang chuẩn bị chống lụt, nhất là sau khi cơn bão Côn Sơn qua Philippines rồi, chưa biết có đổ bộ ở Việt nam hay không? Hết chống nóng lại sang chống mưa chống lụt đây.” Từ cảnh lụt lội triền miên đó, mà theo báo chí là “ngập đâu chống đấy, vẫn chỉ là giải pháp tạm thời, chịu trận” người dân Hà Thành nói một cách khôi hài : “Người ta nói đùa là dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long có khi phải chuẩn bị xuồng, vì mưa ngập, bây giờ đã có tất cả phương án rồi, nhưng nếu mưa thì chịu thôi. Theo như các ông lớn thì 15, 20 năm nữa mới chống được ngập.” Một người dân khác ở tuyến đường Bà Triệu than thở và mong rằng nhà nước sớm khắc phục chuyện ngập úng: “Ai cũng mong cho mau thoát nước chứ, đi làm mấy hôm ngập khổ lắm, người ta nghĩ là thay vì mấy ông làm đường tàu cao tốc thì có lẽ làm mấy cái cầu cho dân người ta đi còn hơn” Đành chịu ngập đến bao giờ Vỉa hè Hà nội cũng ngập nước và thành "bẫy" với người đi đường. Photo courtesy of cpv.org.vn Báo chí trong nước cũng cho hay là trong khi Hà Nội đang ngập lụt sau cơn mưa lớn, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tuyên bố, “mưa quá to thì đành chịu ngập”. Theo ông, sau trận lụt lịch sử vào năm 2008, có nhiều hệ thống thoát thải nước cần phải điều chỉnh lại. Ông không trả lời thẳng câu hỏi của bao giới là cụ thể đến bao giờ Hà Nội mới hết cảnh ngập lụt, khi trời mưa. Theo kiến trúc sư Nguyễn Trung, chuyên gia tư vấn cạnh các công ty xây dựng nước ngoài thì có cách giải quyết tình trạng ngập úng: “Làm được chứ sao không được, nhưng làm chậm quá với lại không đủ kinh phí, bây giờ thành phố cũ rồi, đông dân quá, không đúng với quy hoạch chung, chỉ nghĩ chuyện trước mắt, sự cố phải đến là như vậy. Saigon, khi mưa cũng ngập dễ sợ, nhưng đã mượn quỹ quốc tế, vay tiền làm lại toàn bộ hệ thống thoát nước, chứ hệ thống cũ quá nhỏ, song với dân quá đông.” Ông đặt vấn đề nên làm thế nào để có thể chấm dứt chuyện Hà Nội thành biển nước: “Chủ yếu là vấn đề tiền và yếu tố kỹ thuật, thuê toàn tư vấn nước ngoài, làm từng giai đoạn một, đòi hỏi có thời gian, thành phố cũ rất khó cải tạo hơn là xây mới. Các khu cũ Saigon cũng ngập ghê lắm, còn khu mới như Phú Mỹ Hưng thì không sao nhờ hệ thống cống lớn và đầy đủ. Ngoài ra còn phải kể đến tâm lý người dân xả rác đầy hết, các hố thoát nước đều bị nghẹt. Đây là những vấn đề về ý thức trách nhiệm, xã hội, kinh tế, chậm tiến cũng có, phát sinh quá nhanh, tập trung ở thành phố quá nhiều.” Theo phỏng đoán của ông thì với thành tâm và thiện chí, chỉ mất vài năm là có thể khắc phục chuyện ngập lụt tại thủ đô Hà Nội: “Tùy vào các cách làm của người ta có triệt để hay không, trình độ dân trí, tiền bạc ra sao. Nếu thật sự có quyết tâm làm thì chỉ trong vòng 4 hay 5 năm thôi. Thi công không có kế hoạch nên kẹt đường lung tung. Các ngân hàng thế giới nói nếu không thi công đúng thời hạn thì cúp vốn, thế là làm vội vã, ào ào. Cách triển khai của mình còn yếu kém, chịu ngập thì chết rồi!” Cũng liên quan đến thời điểm cụ thể, tới khi nào hết ngập úng, hết kẹt xe, qua ý kiến của dư luận, người dân trong nước đều cho rằng, chỉ cần vài năm bắt tay vào công việc, với quyết tâm cao, ý chí mạnh, phương pháp đúng, và nhất là tránh được tham nhũng, lãng phí, cửa quyền, bè phái, thì chỉ cần vài năm tình trạng biển nước ở Hà Nội sẽ chấm dứt, chứ không phải chờ 15, 20 năm nữa.
|