Hoa Kỳ và Pakistan đối đầu nhau trong trận chiến tình báo |
Tác Giả: V.Giang |
Thứ Tư, 07 Tháng 7 Năm 2010 07:42 |
WASHINGTON (AP) – Năm ngoái, một người đàn ông Pakistan tiếp xúc với các viên chức tình báo CIA tại Islamabad, đề nghị cung cấp các tin tức bí mật liên quan đến chương trình nguyên tử của quốc gia này. Để chứng tỏ mình là nguồn tin đáng tin cậy, ông ta nói có các thanh nguyên liệu nguyên tử đã được sử dụng. Huy hiệu cơ quan tình báo CIA trên sàn tổng hành dinh ở Langley, Virginia. (Hình:AFP/Getty Images/File) Nhưng phía CIA có sự nghi ngờ về người này. Và chẳng bao lâu sau đó, các viên chức tình báo CIA đi đến kết luận là cơ quan tình báo Pakistan, mang tên Inter-Services Intelligence ISI, đang tìm cách gài một tay gián điệp đôi vào họ. Phía CIA thông báo điều này với phía Pakistan. Phía Pakistan hứa sẽ mở cuộc điều tra và, với cả hai phía không bên nào xác nhận rằng người kia là gián điệp đôi, vụ này đi đến kết cục nhẹ nhàng, lịch sự. Vụ này, được các cựu giới chức Hoa Kỳ kể lại, cho thấy mối quan hệ có vẻ như “tâm thần phân liệt-schizophrenic” với một đồng minh chống khủng bố quan trọng nhất của Hoa Kỳ. Ngoài mặt, Hoa Kỳ khen ngợi sự hợp tác của phía Pakistan với việc giúp hạ sát và bắt giữ rất nhiều thành phần chỉ huy al-Qaeda và Taliban. Nhưng bên trong, mối liên hệ đó thường xuyên gặp khó khăn vì sự không tin tưởng giữa lúc hai quốc gia đang đối đầu với nhau trong một trận chiến tình báo gay go. Phía CIA nhiều lần tìm cách xâm nhập ISI để tìm hiểu cặn kẽ hơn về chương trình nguyên tử của Pakistan. Phía ISI mở ra các nỗ lực của mình nhằm tìm hiểu hoạt động chống khủng bố của CIA trong vùng sinh sống của bộ tộc và cũng để tìm hiểu xem CIA biết những gì về chương trình nguyên tử của mình. Đụng đầu với ISI là điều thường xuyên xảy ra trong hoạt động của CIA tại Pakistan, gồm các giới chức có nhiệm vụ tuyển mộ mật báo viên trong vùng sinh sống của bộ tộc thiểu số. Những nhân viên này cũng có nhiệm vụ điều hợp các phi vụ oanh kích của phi cơ không người lái Predator, chương trình chống khủng bố thành công nhất và cũng gây nhiều tổn thất nhất cho địch quân. Các phi cơ này cất cánh từ một căn cứ trong vùng Baluchistan của Pakistan, được gọi là “Rhine”. “Phía Pakistan rất khó chịu và gay gắt với các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm thu thập tin tức trên đất nhà của họ,” theo Graham Fuller, một chuyên gia về Hồi Giáo, phục vụ 25 năm trong cơ quan CIA, và từng là trưởng cơ sở Kabul. Cũng các giới chức cựu tình báo CIA cho hay phía Pakistan hầu như không khi nào dùng nhân viên hàng hai của mình để cung cấp tin tức giả cho CIA mà chỉ dùng những người này để thu thập tin tức về cách thức hoạt động của CIA, xem CIA phản ứng như thế nào và các tin tức đi tới đâu. Họ cũng cho hay các nhân viên CIA thiếu kinh nghiệm cũng góp phần gây ra tình trạng khó khăn này khi tìm cách tuyển mộ tất cả mọi người, kể cả những người từng làm việc cho ISI trong nhiều năm, không khác gì chào mời ISI hãy dùng những người này thành những nhân viên gián điệp đôi. |