Home Tin Tức Thời Sự Châu Phi và World Cup: Khốn khó trước mặt!

Châu Phi và World Cup: Khốn khó trước mặt! PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Văn Khanh (viết từ Soccer City Stadium)   
Thứ Bảy, 03 Tháng 7 Năm 2010 15:05

1. Chẳng phải đợi đến khi nhìn thấy các cầu thủ Ghana buồn bã rời sân Johannesburg sau thất bại 2-4 trước đội tuyển Uruguay đến từ Nam Mỹ,

mà ngay từ ngày đầu khi đặt chân đến đây tôi đã nhìn thấy cái khó của làng bóng tròn Châu Phi.

2. Trong suốt bao nhiêu năm trời qua, vùng đất vẫn còn nhiều bí hiểm này là biểu tượng cho những gì xấu xa nhất của nhân loại, từ bệnh tật, chiến tranh, giết chóc, cho đến cảnh nghèo nàn, hậu quả của tham nhũng và độc tài. Ðây cũng là vùng đất nhiều mỏ khoáng sản nhất thế giới, và cũng là nơi người dân bỏ xác giữ rừng vì ước mơ làm giàu với các mỏ kim cương, hay đổ mổ hôi và nước mắt trong những mỏ đang được khai thác bởi người da trắng.

Mặc dù những cuộc tranh tài thể thao như World Cup được tổ chức tại đây và dân chúng địa phương hết lòng ủng hộ, nhưng sau khi trái banh ngừng lăn, đây sẽ tiếp tục là vùng đất bị bỏ quên. Nếu có được thế giới nhắc nhở tới thì cũng được nhắc bằng những chuyện chẳng hay ho gì, chẳng hạn như chuyện lãnh tụ Robert Mugabe của Zimbabwe bị đưa ra xét xử trước tòa án quốc tế về tội giết người, hay ngay ở Nam Phi, người dân đang thắc mắc không rõ chuyện bà vợ trẻ của Tổng Thống Jacob Zuma ngoại tình sẽ được giải quyết ra sao.

Hầu như không có tin gì hay để nói về Châu Phi cả. Bên cạnh những lời chào hỏi nồng nhiệt của những người dân địa phương mà tôi có dịp tiếp xúc, là những lời khuyên phải cẩn thận nếu không sẽ là nạn nhân của kẻ cướp. Bên cạnh những lời ngợi khen mà du khách phát biểu trên TV hay được đăng trên mặt báo, là những lời dặn dò chính du khách bảo nhau: đừng bao giờ xé lẻ, đi đâu cũng phải đi cả đoàn. Ngay chính những người dân Nam Phi -chẳng hạn như anh sinh viên Thabogo buổi sáng làm bồi nhà hàng, buổi chiều cắp sách đến đại học- cũng thú thật với tôi “có nhiều chỗ muốn giới thiệu cho anh đi thăm lắm, nhưng không thể nào để anh đi một mình được, bắt buộc phải có người da đen bản xứ dẫn đi thì tôi mới an tâm”.

Trước những sự thật không thể chối cãi đó, người dân Nam Phi vẫn phải sống, phải ăn, phải thở như người dân các châu lục khác. Niềm tin và niềm tự hào của họ được đặt vào những giải thưởng quốc tế hiếm hoi dành cho giới trẻ, hoặc ở những chiến thắng trên sân cỏ World Cup 2010 mà họ mong chờ các đội tuyển của Châu Phi sẽ tạo được trong 3 tuần lễ vừa qua. Rất tiếc mong chờ đó không bao giờ đến: có 6 đội được vào vòng chung kết, 5 đội bị loại khỏi vòng bảng gồm chủ nhà Nam Phi, Cameroon, Algeria, Bờ Biển Ngà, Cameroon và Nigeria. Ðội cuối cùng -hay đúng hơn hy vọng cuối cùng của họ- cũng vừa chia tay với World Cup cách đây chỉ vài tiếng đồng hồ.

Cổ động viên Ghana vui mừng khi họ là đội tuyển duy nhất của Phi Châu lọt vào vòng 1/16. (Hình: Alex Grimm/Getty Images)

3. Không chỉ thất vọng với những sự xảy ra trên sân cỏ, người dân Châu Phi cũng chẳng hài lòng với những gì họ thấy bên lề sân cỏ.

Trong số các nước đại diện cho họ ở Nam Phi, chỉ có một mình Nigeria được hướng dẫn bởi huấn luyện viên người Phi Châu là ông Rabah Saadane, tất cả những đội tuyển khác đều chủ trương phải mời những ông thầy ngoại quốc.

Tại sao ở một châu lục mọi người đều mê đá banh, thanh niên làm quen với quả banh từ lúc còn nhỏ, bóng tròn được mặc nhiên công nhận là môn thể thao quốc gia, nhưng lại không có được dàn huấn luyện viên đủ khả năng để tự huấn luyện cho mình?

Tôi đặt câu hỏi này với những người dân địa phương và câu trả lời nghe được từ họ là chính họ “cũng thắc mắc chuyện này từ mấy chục năm nay rồi nhưng không tìm ra nguyên do”. Ðã có người bảo với tôi rằng trong 20 năm qua, không nơi nào đào tạo được các cầu thủ tài ba đi đá ở Âu Châu cho bằng Nam Phi và nhiều như Nam Phi, “nhưng dường như chúng tôi vẫn mang mặc cảm đất mình không có huấn luyện viên giỏi để dẫn dắt đội tuyển dự World Cup”.

Không chỉ mình tôi, ngay chính cựu thủ quân Patrick Vieira của đội tuyển Pháp cũng đã có lần lên tiếng nói về chuyện này. Sinh trưởng ở Senegal và mong có ngày được mời về lại Senegal điều khiển đội tuyển, anh nhìn nhận chuyện “Châu Phi không sản xuất huấn luyện viên giỏi là điều quá lạ”. Theo anh thì sau một thời gian cố gắng, các cầu thủ và ngay những huấn luyện viên bản xứ biết khó có thể tiến xa được với môn thể thao họ đã bỏ biết bao nhiều thì giờ tập luyện, nên cách hay nhất là tìm một việc làm khác thay vì hy vọng được chọn điều khiển đội banh quốc gia.

Ðiều lạ lùng hơn nữa, phần đông huấn luyện viên cho các đội tuyển tranh Giải Vô Ðịch Châu Phi (African Cup of Nations) là người Châu Phi, nhưng cứ vào đến World Cup thì quốc gia nào cũng nghĩ phải mời huấn luyện viên nước ngoài.

Tại sao vậy? Ông Jomo Sono, cựu huấn luyện viên của Nam Phi cho rằng “chẳng hiểu từ đâu nhưng rõ ràng tâm lý mọi người là huấn luyện viên Châu Phi chỉ giỏi ở đẳng cấp Châu Phi, chứ vào đến World Cup phải mời thầy bên ngoài về chỉ dẫn vì thầy ngoại quốc giỏi hơn thầy địa phương”. “Ðiều đó hoàn toàn sai”, ông bảo tiếp, “và còn là một sự sỉ nhục lớn cho những người hết lòng với môn bóng tròn”.

4. Tôi tin rằng đã đến lúc những nhà lãnh đạo các Liên Ðoàn Bóng Tròn ở Châu Phi phải thay đổi lối suy nghĩ khi tìm hướng đi mới cho quốc gia. Cầu thủ về hưu chính là nguồn cung cấp huấn luyện viên, vì họ có rất nhiều kinh nghiệm để chia sẻ cho những người trẻ đi sau và họ luôn ước mong có cơ hội làm điều này. Quy luật này được áp dụng và thành công khắp thế giới, nhưng không được áp dụng tại Châu Phi.

Ðã đến lúc các Liên Ðoàn Bóng Tròn Châu Phi phải nhận thức được điều đó. Họ phải hiểu rằng châu lục của họ có nhiều cầu thủ giỏi, phần đông đã trở thành cầu thủ tiêu biểu cho nghệ thuật nhồi bóng thế giới. Một số đã về hưu, có rất nhiều kinh nghiệm, và phải trao cho những cựu cầu thủ này trách nhiệm đào tạo một thế hệ cầu thủ mới. Những huấn luyện viên xuất thân từ Châu Phi là những người cùng một màu da, nói cùng ngôn ngữ, chung một phong tục, hội đủ những yếu tố rất cần thiết cho sự thành công mà Châu Phi rất cần.

5. Trận banh cuối cùng của đội tuyển Ghana kết thúc. Các cầu thủ mang biệt danh “những ngôi sao đen” giơ tay giã từ khán giả ủng hộ trước khi lên xe về lại khách sạn. Tôi nhớ như in hình ảnh ngày hôm qua khi lãnh tụ đáng kính Nelson Mandela đến tận sân tập ủng hộ tinh thần, nhắc nhở từng người họ là hy vọng của cả Châu Phi, và tiếng tù và vuvuzela vang dội khắp mọi ngả đường ở Johannesburg trong 2 ngày vừa qua, mang biểu tượng của sự đoàn kết của người dân mọi quốc gia trong trận banh có thể đưa Châu Phi lần đầu tiên vào tới bán kết World Cup.

Những gì ông Mandela làm khiến mọi người cảm động, tiếng vuvuzela khiến tất cả các cầu thủ lên tinh thần, giúp đường banh họ đi trên sân trở nên gắn bó hơn, giúp cú sút trở thành sắc bén hơn, nhưng vẫn chưa đủ để có thể xóa tan đám mây mù đang bao phủ bầu trời của làng thể thao của vùng đất có nhiều tiềm năng, nhưng vẫn chưa được khai thác cho đúng.