Người gốc Ấn Độ tạo thêm ảnh hưởng chính trị tại Hoa Kỳ |
Tác Giả: VOA |
Thứ Ba, 29 Tháng 6 Năm 2010 21:15 |
Có thể nói sân khấu chính trị Hoa Kỳ đang trải qua giai đoạn chuyển đổi. Một trong những cách chuyển đổi là người Mỹ có vẻ như sẵn sàng chấp nhận người sẽ làm đại diện cho mình, không cần đặt nặng người đó thuộc sắc tộc nào Hình: AP / Bà Nikki Haley nói chuyện với các ủng hộ viên sau khi được đề cử ra tranh chức Thống đốc bang South Carolina Mới đây, bà Nikki Haley đã được đảng Cộng hòa chọn ra tranh chức Thống đốc bang South Carolina. Tên khai sanh của bà là Nimrate Randhawa, con của một công dân Mỹ gốc Ấn Độ. Nếu được bầu vào tháng 11 này, bà sẽ là người gốc Ấn thứ nhì làm Thống đốc, người kia là ông Bobby Jindall của bang Louisiana. Bà Haley là một trong số rất đông người gốc Ấn Độ ra tranh các chức vụ dân cử ở Mỹ năm nay. Hiện tại có ít nhất 8 ứng cử viên như Manan Trevedi ở Pennsylvania, Raj Goyle ở Kansas và Ami Berra ở California. Bà Haley nói với VOA: “Con đường đắc cử sẽ không là con đường dễ dàng. Tôi biết có nhiều bất lợi, tôi là một phụ nữ. tôi không sinh ra tại South Carolina, tôi là người gốc Ấn. Tôi phải hết sức cố gắng chứng tỏ cho mọi người thấy tôi là ai.” Nhưng Dân biểu Joe Wilson của South Carolina lại nói với VOA: “Gốc Ấn Độ cũng là một cái hay của bà Haley. Người Ấn là cộng đồng di dân đông vào hạng tư ở Mỹ. Gần 2 triệu người Mỹ có gốc gác Ấn Độ, thành phần này có mức thu nhập cao nhất trong các nhóm di dân vào Mỹ, và họ cũng hội nhập rất nhanh vào xã hội Mỹ.” Nếu tính từ thời kỳ sau chiến tranh thế giới lần thứ Hai trở lại đây, rất khó để người người gốc châu Á được cử tri Mỹ chấp nhận làm đại diện cho họ. Nhưng theo giáo sư Paul Ong, gốc Trung Hoa, dạy về Công Quyền của trường đại học California ở Los Angeles, hồi gần đây tình hình đã thay đổi. Ông nói: “Trong vòng một thập niên qua, chúng ta thấy có nhiều người gốc Á ra tranh cử. Vẫn còn là một đoạn đường dài, bởi vì người gốc Á chưa được đại diện đầy đủ trước chính quyền Mỹ, nhưng rõ ràng là chúng ta thấy đã có những tiến bộ.” “Dân Ấn tại Mỹ có trình độ văn hóa cao. Có lẽ họ đến từ thành phần khá giả bên Ấn Độ và nước Ấn Độ cũng có một lịch sử lâu đời về dân chủ. Do đó, người Ấn tại Mỹ và con cái họ có lẽ quen thuộc với văn hóa, ngôn ngữ khi đến Mỹ.” Vậy liệu rồi đây người Mỹ gốc Ấn có thể trở thành Tổng thống Mỹ được không? “Được lắm chứ, tôi hy vọng như vậy, nhưng có lẽ phải chờ đến đời con tôi.” Giáo sư Ong trả lời.
|