Home Tin Tức Thời Sự Lúa chết từ Thanh Hóa đến Bình Ðịnh vì hạn hán và thiếu điện bơm nước

Lúa chết từ Thanh Hóa đến Bình Ðịnh vì hạn hán và thiếu điện bơm nước PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Ba, 29 Tháng 6 Năm 2010 08:03

3 tỉnh đòi 'xem xét trách nhiệm' của tập đoàn điện lực độc quyền quốc doanh


HÀ NỘI (TH) - Những đợt nắng nóng kéo dài làm dân thành phố kêu rên như bọng, nhưng ở các miền quê, người nông dân đang đối diện với đói kém một ngày không xa lắm.

Theo báo Nông Thôn Việt Nam, hàng trăm ngàn mẫu lúa Hè Thu, mùa lúa sớm ở miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Ðịnh đang “ngắc ngoải chờ chết.” Một phần là hạn hán thiếu nước, phần khác là điện bị cúp, nông dân không thể chạy máy bơm, bơm nước vào ruộng cứu lúa.

Ruộng nứt nẻ vì không có nước. (Hình: báo Nông Nghiệp Việt Nam)

Bản tin Nông Thôn Việt Nam (cơ quan thông tin tuyên truyền của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn) nói rằng: “Theo tổng hợp của Cục Trồng Trọt, tính đến ngày 25 tháng 6, 2010, các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Ðịnh đã có trên 60 nghìn hecta lúa Hè Thu và lúa mùa sớm bị hạn (trên tổng số gần 380 nghìn hecta đã gieo cấy), trong đó diện tích bị hạn nặng chiếm trên 30 nghìn hecta.

Phần lớn các diện tích lúa bị hạn nặng tập trung tại 3 tỉnh vùng Bắc Trung bộ với gần 20 nghìn hecta, trong đó riêng Thanh Hóa có trên 21 nghìn hecta đang bị hạn với hơn 6 nghìn hecta hạn nặng.

Nghệ An và Hà Tĩnh cũng là hai tỉnh có diện tích lúa bị hạn rất lớn với trên 18 nghìn hecta (trong đó hạn nặng 11 nghìn hecta). Nguy hiểm nhất tại 3 tỉnh Bắc Trung bộ, hiện vẫn còn gần 40 nghìn hecta lúa Hè Thu chưa thể cấy được do không có nước, trong đó Thanh Hóa chiếm trên 30 nghìn hecta, Nghệ An hơn 6 nghìn hecta.

Các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ như Quảng Nam, Khánh Hòa, Phú Yên... hiện cũng đang “mắc kẹt” tương tự với hơn 5 nghìn hecta lúa hè thu hiện vẫn chưa thể gieo sạ do không có nước.”

Khô hạn thì năm nào cũng diễn ra. Nhưng năm nay, điện cúp dồn dập ngày đêm từ 6 giờ sáng đến 20 hay 22 giờ đêm, nông dân không thể chạy máy bơm nước vào ruộng.

Một phần, hạn hán, mực nước sông xuống rất thấp, nước rất quí hiếm. Vậy mà “trong lúc nước quý như vàng như thế nhưng tình trạng cắt điện liên miên trong thời gian qua, nhằm đúng lúc lấy nước để gieo cấy đã làm các tỉnh khốn đốn.”

Báo Nông Thôn Việt Nam viết: “Phó GÐ Sở NN-PTNT Nghệ An Trần Hữu Lực bức xúc: ‘Các trạm bơm trên sông Lam phải... rình lúc thủy triều lên, nước dâng cao mới bơm được. Tuy nhiên, vì cắt điện triền miên, tùy tiện nên đúng lúc có nước thì không có điện, hoặc lúc có điện thì lại không có nước. Hoặc chỉ lúc có điện thì chỉ có 4-5 tiếng là cùng... ’ Ông Nguyễn Ðình Xứng - GÐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa gay gắt thêm: ‘Họ đóng điện chỉ 4-5 tiếng rồi lại cắt như thế, đoạn mương chỉ cần dài 5-7km thì xem như nước vừa chảy tới cuối mương là... mất điện!’”


Một phụ nữ ngồi trên thửa ruộng khô nẻ, lúa còi cọc lơ thơ như cỏ vì không có nước. (Hình: Tuổi Trẻ)

Theo sự ước tính của ông Bùi Bá Bổng, thứ trưởng NN & PTNT, “nếu không có giải pháp” thì ít nhất nửa triệu tấn lúa tương đương với 2,500 tỉ đồng (khoảng $125 triệu USD) “thấy rõ trước mắt bị mất.” Nông dân trông cậy vào lúa để sống, nay mấy mùa thì đói kém khó tránh.

Vì nạn cúp điện kinh hoàng gây thiệt hại kinh tế xã hội vô cùng nghiêm trọng, ít nhất, có 3 tỉnh (Khánh Hòa, Phú Yên và Bà Rịa-Vũng Tàu) đã gửi thư tới nhà cầm quyền trung ương tại Hà Nội đòi trị tội những kẻ cầm đầu hệ thống điện quốc doanh độc quyền.

Gay gắt nhất là tỉnh Khánh Hòa. Theo bản tin phổ biến trên trang tin điện tử của tỉnh này ngày 24 tháng 6, 2010: “Ban Thường Vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa có công văn gửi Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư Trung Ương Ðảng, thủ tướng chính phủ về việc xem xét trách nhiệm cung ứng điện của Tập đoàn Ðiện Lực Việt Nam (EVN).”

Sau khi nêu ra tình trạng phối phối điện “không công bằng,” “tùy tiện” “gây bất bình trong cán bộ và nhân dân,” tỉnh ủy Khánh Hòa đòi những người cầm đầu đảng và nhà nước “kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của EVN trong việc phân bố điện thời gian qua.”

Nhiều lời đề nghị bãi bỏ chế độ độc quyền cung cấp và phân phối điện tại Việt Nam nhưng có thể đây là một tập đoàn có nhiều thế lực nên các lời đề nghị, dù là của Bộ Công Thương, cũng đã bị một công ty quốc doanh như EVN nhận cho chìm xuồng.

Nhiều chuyên viên mổ xẻ tình trạng thiếu điện trầm trọng tại Việt Nam không chỉ riêng hạn hán, nhà máy thủy điện thiếu nước gây ra vì năm nào cũng xảy ra. Nó là hậu quả của những cái đầu chỉ huy “thiếu tầm nhìn” và chủ trương lợi ích cục bộ nên rất nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện từ Quảng Ninh đến Hải Phòng ỳ ạch suốt 7 năm qua nén nay vẫn chưa xong. Xây dựng nhà máy nhiệt điện thường chỉ mất 3 năm.