Home Tin Tức Thời Sự Các nhân vật văn hóa Tây Tạng bị bắt giữ

Các nhân vật văn hóa Tây Tạng bị bắt giữ PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Hai, 28 Tháng 6 Năm 2010 08:11

Giới quan sát quốc tế đã kêu gọi có hành động theo sau các cáo buộc là Trung Quốc đã bắt giữ một số nhà văn, nhà thơ và nhạc sĩ hàng đầu của Tây Tạng

trong vụ đàn áp các nhân vật văn hóa, như tường thuật của phóng viên Paul Moss:

Tashi Dhondup bị kết án 15 tháng lao động khổ sai

Lời của bài hát không hẳn là quá tinh tế: “Chiếm đóng và khước từ tự do của người Tây Tạng/Là sự tra tấn không để lại dấu vết”.

Một bài khác thì nghe có giọng thách thức: “Các liệt sỹ yêu nước dũng cảm/Đã hi sinh đời mình cho Tây Tạng/Tim tôi đau đớn và nước mắt rơi khi nghĩ về họ”.

Lời lẽ có thể là thách thức, nhưng nó đã khiến cho người viết lên những dòng đó bị mất tự do.

Ca sĩ Tashi Dhondup bị bắt tại Trung Quốc vào cuối năm ngoái, và vào tháng Giêng, anh bị kết án 15 tháng lao động khổ sai.

Tuy nhiên, tội chính của anh đơn giản chỉ là do anh quá được yêu chuộng.

CD của anh được người Tây Tạng truyền tay nhau, các bài hát riêng rẽ được chia sẻ trên mạng và điện thoại di động.

Dechen Pemba, một người viết blog từ London, nhận định: “Tashi Dhondup thể hiện những đớn đau của người Tây Tạng. Khi cảnh sát đến nhà, vợ anh ấy khẩn cầu rằng họ là cặp vợ chồng trẻ vừa sinh con. Nhưng cảnh sát vẫn bắt anh ấy và đưa đi”.

Tashi Dhondup không phải là trường hợp duy nhất. Nhà vận động về môi trường nổi tiếng người Tây Tạng, Karma Samdrup, chịu án 15 năm tù vào tuần trước.

Theo như báo cáo của Chiến dịch vận động quốc tế vì Tây Tạng, hơn 50 nhà văn, nhà thơ và nhạc sĩ đã bị bắt trong vài tháng qua.

‘Đối đầu bạo lực’

Rất nhiều người đã chịu các án nặng, và theo như người phát ngôn cho chiến dịch là Kate Saunders, rất nhiều người trong số này vốn không bị coi là đối kháng.

Chúng tôi bị đánh, bị bắt, bị trói, bị lên án, kết án, bị giết. Họ làm chúng tôi không còn khả năng hoặc quá sợ, không dám hành động, nói năng, suy nghĩ gì nữa.
Nhà văn Shogdung

Bà kể: “Họ bị đưa ra khỏi nhà vào nửa đêm.

“Đây là những cá nhân trung dung về chính trị, thường là người thế tục. Thế mà giới chức Trung Quốc cũng tìm cách dập tắt tiếng nói của họ”.

Hiện chưa rõ động cơ chính xác của đợt đàn áp này là gì.

Chắc chắn hai năm vừa qua đã chứng kiến một đợt nở rộ các bài hát, bài thơ và các sáng tác nghệ thuật của người Tây Tạng dám công khai chỉ trích.

Các tác phẩm này bắt nguồn từ những đợt biểu tình nổ ra vào mùa xuân năm 2008, vốn chứng kiến cuộc đối đầu bạo lực giữa người Tây Tạng và những người Trung Quốc gốc Hán chuyển tới đây định cư trong mấy thập niên vừa qua.

Mặc dù có những thách thức rõ rệt với giới chức Bắc Kinh, theo ông Robbie Barnett, giám đốc chương trình nghiên cứu Tây Tạng hiện đại của đại học Columbia, chính phủ TQ có thể không đứng sau các vụ bắt giữ và án tù này.

Ông cho rằng các quan chức địa phương quá mẫn cán có thể là những người khởi xướng chính: “Các quan chức địa phương tự quyết định về chuyện họ sẽ đàn áp những ai.

“Họ chả quan tâm đến các phản ứng của quốc tế. Có thể là họ có lợi ích nào đó khi mạnh tay làm chuyện này”.

‘Thậm thụt như kẻ trộm’


Ông Shogdung chỉ trích giới chức TQ đã đàn áp các cuộc biểu tình ở Tây Tạng

Một nhà văn khác cũng hứng chịu sự đối xử như vậy là Shogdung. Ông bị bắt vào tháng Tư và kể từ đó, chưa ai nghe tin gì về ông.

Trường hợp của ông Shogdung là đáng chú ý, vì ông trước đó vốn được coi là trung thành với chính phủ Trung Quốc - ông đã từng chỉ trích Phật giáo ở Tây Tạng và từng nói người Tây Tạng cần tự giải quyết vấn đề của mình.

Nhưng sau các vụ đàn áp biểu tình năm 2008, ông Shogdung trở nên ngày càng chỉ trích Bắc Kinh, và năm nay đã xuất bản một cuốn sách không được phép mang tên Đường giữa Trời và Đất.

Cuốn sách chỉ trích mạnh sự cai trị của Trung Quốc: “Da thịt tôi tê điếng, xương cốt tôi đau nhừ. Họ làm cho mọi người đều cảm thấy bất lực và tuyệt vọng.

“Vào ban ngày, họ nhanh như sói. Đến đêm, họ thậm thụt như kẻ trộm… Chúng tôi bị đánh, bị bắt, bị trói, bị lên án, kết án, bị giết. Họ làm chúng tôi không còn khả năng hoặc quá sợ, không dám hành động, nói năng, suy nghĩ gì nữa. Mọi người và mọi thứ bị tê liệt vì sợ”.

Một trong những người cuối cùng gặp Shogdung là phóng viên người Pháp Ursula Gauthier, người phỏng vấn ông hai tuần trước khi ông bị bắt.

Bà nói: “Ông ấy biết rõ là mình sẽ gặp rắc rối.

“Tuy nhiên, tôi không thực dám chắc là ông ấy sẽ đối phó tốt khi bị giam cầm. Mặc dù trông ông ấy có vẻ khỏe, tôi nghĩ ông ấy là tạng người yếu ớt”.

Đại sứ quán Trung Quốc ở London từ chối bình luận về vụ Shogdung, hay vụ bắt giữ và giam cầm bất cứ người Tây Tạng nào.

Một người phát ngôn của ĐSQ nói họ không có ai có thể bình luận về vấn đề này.