Vatican sẽ cử đại diện không thường trú ở Việt Nam |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Bảy, 26 Tháng 6 Năm 2010 19:37 |
VATICAN 26-6 (NV) .- Tòa Thánh Vatican sẽ bổ nhiệm một đại diện không thường trú tại Việt Nam, một bước tiến gần hơn tới việc thiết lập bang giao giữa Tòa Thánh và Việt Nam. “Để quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam, cũng như giữa Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo địa phương, được sâu đậm hơn, hai bên đồng ý rằng bước đầu tiên, Đức Giáo Hoàng sẽ bổ nhiệm một vị đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam,” theo một thông cáo báo chí của Vatican đưa ra hôm 26 tháng 6. Đây là kết quả của cuộc họp vòng hai giữa hai bên ở Vatican vào các ngày 23 và 24/6 vừa qua. Cuộc họp, như những bản tin gần đây loan báo, nhằm giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam bên cạnh vấn đề thiết lập bang giao. Giáo dân Công giáo thắp nến cầu nguyện hồi Tháng 8-2008 trước tượng Đức Mẹ Maria ở Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội, trước khi nhà cầm quyền VN biến cơ sở này thành “công viên cây xanh” . Tòa Thánh Vatican sẽ cắt cử “một đại diện không thường trú” tại Việt Nam, một bước tiến đến chính thức thiết lập bang giao. Liệu chuyện “không thường trú” có phải vì chưa giải quyết được trụ sở thường trú cho đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam? (Hình: Aude Genet/AFP/Getty Images) Nếu cử đại diện thường trú hay Khâm sứ Tòa Thánh, sẽ lại phải đặt ra chuyện trả lại Tòa Khâm Sứ, nơi hàng ngàn giáo dân thắp nến cầu nguyện đòi hỏi. “Hai phái đoàn đã ghi nhận những phát triển khả quan trong các lãnh vực của đời sống Công Giáo tại Việt Nam, đặc biệt về Năm Thánh. Ngoài ra, cả hai nhắc đến bài diễn văn của Đức Thánh Cha Benedict XVI trong chuyến đi 'ad limina' của các Giám Mục Việt Nam năm ngoái và Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam nhân dịp Năm Thánh, và cả hai Phái đoàn đồng ý rằng các giáo huấn này của Đức Thánh Cha sẽ được dùng làm hướng đi cho Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam trong những năm tới đây.” Trong bài huấn từ tiếp phái đoàn giám mục Việt Nam trong chuyến 'ad limina' năm ngoái, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI nhắc tới bức Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đăng năm 1980, và trích dẫn câu 'Giáo hội Chúa Ki tô trong lòng dân tộc' - hơi khác với câu nguyên văn, 'sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc.' Cũng trong bài huấn từ trên, Đức Giáo Hoàng nói, 'Sự hợp tác lành mạnh giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị là việc có thể thực hiện được.'
Bản thông cáo của Tòa Thánh cho hay và khóa họp thứ III của Nhóm Làm việc chung sẽ được tổ chức tại Việt Nam, tuy nhiên ngày nhóm họp chưa biết bao giờ và “sẽ được thỏa thuận qua đường ngoại giao”. Kết quả cuộc họp có thể khác nếu Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, Tổng giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội vẫn còn ở Hà Nội. Nhà cầm quyền Hà Nội công khai đòi đẩy ngài đi khỏi đây vì không áp lực được ngài ra lệnh cho giáo dân chấm dứt các buổi cầu nguyện lên hàng ngàn người đòi tài sản và trên hết, đòi công lý và tự do tôn giáo. Các buổi thắp nến đọc kinh cầu nguyện, hát thánh ca từ cuối năm 2008 kéo sang năm 2009 tại Thái Hà và Tòa Khâm Sứ cũ chỉ chấm dứt khi hai cơ sở này bị nhà cầm quyền Hà Nội miễn cưỡng biến thành công viên và cấm giáo dân. Các cuộc thắp nến đòi công lý, đòi tài sản ở Hà Nội đã kéo theo những buổi cầu nguyện ủng hộ tinh thần tại nhiều giáo phận khác trên cả nước. Một số vụ đòi đất, tài sản khác cũng xảy ra ở Đồng Hới, Quảng Bình, Sài Gòn, Cần Thơ, gây nhức đầu không ít cho chế độ Hà Nội. TGM Ngô Quang Kiệt đã đột ngột rời Việt Nam đêm hôm 12/5/2010 giữa những ngỡ ngàng và thương tiếc của giáo dân mà tin tức nói Giáo hoàng chấp thuận đơn xin từ chức của ngài. Không có tin tức chính thức nói ngài đang ở đâu, chỉ biến ngài đến Hoa Kỳ trong khi ở Việt Nam, giáo dân vẫn cầm những tấm hình ngài, một số biểu ngữ đến đứng trước nhà thờ chính tòa Hà Nội. Bản thông báo của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội gửi cộng đồng dân chúa nói việc ngài ra khỏi Việt Nam vì “gần đây sức khỏe của Đức Tổng giám mục Giu-se (Ngô Quang Kiệt) lại suy yếu. Vì vậy, ngài đã lên đường để tiếp tục chương trình chữa bệnh và dưỡng bệnh ở ngoại quốc”. Nhưng dư luận tỏ vẻ hoài nghi trước những biến chuyển dồn dập và không bình thường liên quan đến việc Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt từ chức, Tòa thánh bổ nhiệm Giám mục Đà Lạt Nguyễn văn Nhơn làm Tổng giám mục phó Tổng Giáo phận Hà Nội rồi chỉ trong ít ngày ngắn ngủi đôn lên làm Tổng giám mục và Đức cha Kiệt hối hả rời Hà Nội ra ngoại quốc. Tháng Mười Hai 2009, nhân dịp chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến Tòa Thánh gặp Giáo hoàng Benedict XVI, hãng tin Công giáo Fides của Bộ Truyền Giáo Vatican nêu ra các yếu tố căn bản để có thể có bang giao chính thức giữa Việt Nam và Tòa Thánh. Các yếu tố căn bản gồm quyền tự do tôn giáo của người dân, quyền Giáo hội Công giáo được bổ nhiệm giám mục và linh mục, đồng thời giải quyết các tranh chấp liên quan đến các tài sản của Giáo hội Công giáo Việt nam bị chế độ Hà Nội cướp đoạt bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhà cầm quyền Hà Nội luôn luôn tuyên bố tôn trọng quyền tự do tôn giáo của người dân nhưng rất nhiều lời tố cáo các vụ đàn áp các tôn giáo vẫn xảy ra ở Việt Nam. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy, nhiều hệ phái Tin Lành v.v… vẫn bị đàn áp không ngừng nghỉ. Lực lượng Công an Việt Nam canh giữ nhà, cơ sở thờ phượng của lành tụ các tôn giáo này ngày đêm. Bất cứ ai đến thăm viếng, tiếp xúc đều bị ngăn cấm, đánh đập. (TN)
|