Home Tin Tức Thời Sự Ngân hàng Vatican bị tình nghi tài chánh không minh bạch

Ngân hàng Vatican bị tình nghi tài chánh không minh bạch PDF Print E-mail
Tác Giả: Huê Đăng / Thanh Phương   
Thứ Ba, 22 Tháng 6 Năm 2010 12:08

Các cuộc điều tra đã bắt đầu từ năm ngoái khi Ngân hàng trung ương của Ý đã trình báo với Hải quan Ý về một số hoạt động chuyển ngân có vẻ mờ ám giữa một chi nhánh ngân hàng Unicredit ở Roma và cơ quan IOR của Toà thánh.

Gần đây ở Ý đã nổ ra một số vụ tham nhũng hối lộ đã khiến một bộ trưởng Ý phải từ chức, Chủ tịch Ủy ban Phòng vệ dân sự bị tình nghi, một số quan chức lớn của nhà nước cùng một đại gia trong ngành xây dựng bị bắt tạm giam để điều tra. Vài hôm nay lại có thêm tin Toà án Ý điều tra một số hoạt động chuyển ngân không được minh bạch giữa các ngân hàng có dính líu đến Toà thánh Vatican.
Từ Roma, thông tín viên Huê Đăng phân tích:
Khoảng mấy tháng gần đây, ở Ý lại bùng nổ ra vấn nạn tham những hối lộ đã khiến ông bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế phải từ chức, nhiều quan chức cao cấp nhà nước cũng đang nằm trong vòng điều tra. Một trong một quan chức lớn bị tình nghi nhận hối lộ là ông Angelo Balducci, vốn là Chủ tịch của Thượng Hội đồng chuyên trách điều quản các công trình lớn của nhà nước, cũng đã bị bắt tạm giam cùng với một đại gia trong ngành xây dựng.

Song song với các vụ tham nhũng hối lộ nói trên, toà án Roma đang điều tra 10 ngân hàng của Ý, trong đó có nhiều ngân hàng lớn có tầm vóc quốc gia như Intesa San Paolo (đang có chi nhánh ngân hàng ở Việt Nam) hay Unicredit, vì bị tình nghi là có những hoạt động tài chính không hợp lệ với “Cơ quan Điều hành các công trình tôn giáo” của Toà thánh, tiếng Ý gọi là “Istituto Opere Religiose”, và thường được gọi tắt là IOR. Trên thực tế, cơ quan IOR này có vai trò như ngân hàng của Toà thánh Vatican, hoạt động tài chánh và kinh doanh bất động sản cho Toà thánh. Toà án nghi rằng cơ quan IOR của Toà thánh Vatican đã được sử dụng như một công cụ để rửa tiền một cách bất hợp pháp.

Các cuộc điều tra đã bắt đầu từ năm ngoái khi Ngân hàng trung ương của Ý đã trình báo với Hải quan Ý về một số hoạt động chuyển ngân có vẻ mờ ám giữa một chi nhánh ngân hàng Unicredit ở Roma và cơ quan IOR của Toà thánh. Theo các báo cáo của Hải quan, thì một số lượng tiền khoảng 180 triệu euro đã được chuyển từ những tài khoảng nằm ở ngân hàng Vatican sang chi nhánh ngân hàng của Ý. Theo luật pháp hiện hành nhằm mục đích phòng chống các hoạt động chuyển tiền lậu hoặc rửa tiền, thì các ngân hàng phải khai báo rõ danh tánh của những người đã chuyển tiền, nhưng trong trường hợp của ngân hàng Vatican thì trước đó đã không khai báo danh tánh người chuyển tiền, và khi Hải quan yêu cầu đưa danh sách thì ngân hàng Vatican đã đưa danh sách với những tên tuổi mà Hải quan không kiểm chứng được trên thực tế, tức là tên giả.

Toà án Ý nghi rằng có một số người đã lợi dụng ngân hàng Vatican để chuyển tiền bất hợp pháp vào Ý.
Một trong những tin giật gân mà báo chí gần đây đưa ra là chính ông Angelo Balducci, một trong những quan chức cao cấp của nhà nước đã bị tam giam vì bị tình nghi nhận hối lộ, cũng chính là một thành viên Hội đồng quản trị của cơ sở “Propaganda Fide” (tạm dịch là “Truyền bá đức tin”), là cơ quan chủ quản bất động sản của Vatican.
Một trong những nghi ngờ của Toà án là chính đây là đầu mối của các hoạt động chuyển ngân không minh bạch ở cơ quan IOR.

RFI: Cơ quan IOR của Toà thánh có chức năng gì ? Và đối với nhà nước Ý thì tư cách pháp nhân của cơ quan này ra sao ?

Huê Đăng: Trên danh nghĩa thì cơ quan IOR của Toà thánh chỉ là một cơ quan chuyên lo về các hoạt động ngân hàng trong nội bộ Toà thánh Vatican, và thường được mọi người gọi là “ngân hàng của Vatican”. Cũng trên danh nghĩa thì chỉ có những cơ quan tôn giáo, các tu sĩ, các cơ sở trực thuộc Vatican, và các nhân viên làm việc cho Vatican mới có quyền mở tài khoảng ở ngân hàng Vatican.

Nhưng trên thực tế thì có rất nhiều nhân vật chính trị nổi tiếng ở Ý, hay những đại gia tài chính, cũng có tài khoảng ở ngân hàng Vatican. Tất cả các hoạt động tài chính của Vatican đều được thông qua cơ quan IOR.

Cũng nên biết rằng tuần vừa rồi, trên đài truyền hình của Ý đã có một phóng sự nói về hoạt động kinh tài bất động sản của cơ quan IOR nói trên của Tòa thánh.

Theo bài phóng sự thì hiện nay, theo ước tính, Tòa thánh có trong tay bất động sản trên toàn nước Ý trị giá khoảng 8 tỉ euro, bao gồm nhà đất của các chủng viện, tu viện, của các nhà thờ lớn bé, của các cơ sở tôn giáo, các trường học hay nhà thương do Vatican quản lý và một số nhà cửa cho thuê mướn. Chỉ tính riêng ở Roma, Tòa thánh có khoảng 1.500 chủng viện, 500 tu viện, 4000 đơn vị bất động sản.

Đấy là một gia sản kếch sù, và theo hiệp ước thoả thuận giữa Vatican và nhà nước Ý được ký kết từ năm 1929 dưới thời phát xít của Musolini, tất cả các bất động sản của Toà thánh đều được liệt kê vào danh sách cơ sở của các hoạt động tôn giáo, và do đó được miễn thuế bất động sản.

Đây là một trong những điều khoản mà từ nhiều năm nay công luận trong và ngoài nước Ý đã ít nhiều chỉ trích: mỗi năm chỉ cần làm thánh lễ nào đó một lần trong một đơn vị bất động sản nào đó, thì coi như là được liệt kê thành cơ sở hoạt động tôn giáo, và do đó được miễn thuế bất động sản. Chỉ tính riêng ở Roma, hàng năm nhà nước Ý đã thất thu khoảng 60 triệu Euro tiền thuế trên các bất động sản của Toà thánh.

Toà thánh có hàng loạt cơ sở bất động sản được trưng dụng làm “nhà khách” cho giáo dân mỗi khi họ đi hành đạo, trên thực tế những cơ sở này hoạt động như một khách sạn, chỉ có điều là do được miễn thuế bất động sản lẫn thuế kinh doanh, các “khách sạn” này của Vatican đã áp dụng giá biểu thấp hơn các khách sạn bình thường khác, và do đó có lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, vẫn theo luật pháp tài chính hiện hành ở Ý thì mỗi năm đến mùa khai thuế thì mỗi người dân Ý có quyền yêu cầu nhà nước Ý phải trích ra 8 phần ngàn trên số tiền thuế của mình và dâng hiến cho Toà thánh Vatican, theo ước tính thì khoảng tiền này cũng cho phép Toà thánh Vatican hàng năm thu được khoảng 11 tỉ Euro.

RFI: Công luận Ý nghĩ sao về tin điều tra các hoạt động tài chính này có dính líu đến Vatican ?

Huê Đăng: Trong khi chính phủ Ý, cũng như phần lớn các chính phủ châu Âu trước khủng hoảng kinh tế tài chính và đồng euro bị đe doạ, đã ban hành những đạo luật nhấm cắt xén chi tiêu nhà nước từ đây cho đến năm 2012, thì riêng Toà thánh Vatican vẫn được hưởng ân huệ miễn thuế hàng năm trên một gia sản trị giá khoảng 28 tỉ euro, đó là điều khó hiểu cho những người dân đang phải thắt lưng buộc bụng vì kinh tế khó khăn.

Thông tín viên Huê Đăng - Roma 
 
03/06/2010