'Cần tăng lương cho công nhân' |
Tác Giả: BBC |
Thứ Bảy, 19 Tháng 6 Năm 2010 18:54 |
Một trong những tờ báo có nhiều ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc, tờ Nhân Dân Nhật Báo đã kêu gọi tăng lương cho công nhân. Honda là một trong các hãng nước ngoài bị ảnh hưởng do tình trạng đình công tại Trung Quốc thời gian gần đây. Tờ báo này nói cần tăng lương để bảo vệ sự bình ổn và chuyển hóa xã hội. Nhân Dân Nhật Báo cảnh báo về cái mà họ gọi là mô hình "sản xuất tại Trung Quốc" đang phải đối diện với bước ngoặt. Bài báo không nhắc cụ thể tới một loạt các vụ đình công vốn đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài. Tình trạng đình công đã gây tê liệt cho một số nhà máy ở Trung Quốc, trong đó có các cơ sở của Honda ở Thiên Tân và ở gần Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông. Đình công cũng là chủ đề nhạy cảm đối với đảng Cộng sản cầm quyền. "Thu hẹp khoảng cách" Nhân Dân Nhật Báo là tờ báo chính thức của đảng Cộng sản TQ. Các phân tích gia thường nghiên cứu nội dung báo để tìm hiểu xem giới cầm quyền nước này đang thực sự nghĩ gì. Trước đó, hồi đầu tuần, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã kêu gọi các quan chức hãy quan tâm hơn nữa tới lao động nhập cư. Bài xã luận mới đi xa hơn nữa, với lời kêu gọi là lao động nhập cư cần phải được trả lương cao hơn. Tờ báo viết: "Đã đến lúc phải thu hẹp khoảng cách giàu nghèo hiện đang gây ngột ngạt." Tổng liên đoàn lao động Trung Quốc nói gần 1/4 công nhân Trung Quốc đã không được tăng lương trong 5 năm qua. Nhưng một số nhân công đình công đòi tăng lương trong những tuần gần đây thì cáo buộc tổ chức này là đã dàn xếp với giới chức địa phương và ban lãnh đạo các nhà máy để tìm cách buộc nhân viên trở lại làm việc trước khi các đòi hỏi của họ được đáp ứng. Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói ông đánh giá cao sự đóng góp của lao động nhập cư đối với sự phát triển ở các đô thị. Tin tức cho hay truyền thông Trung Quốc đã bị cấm đưa tin về một số vụ đình công gần đây. Tất nhiên, việc đưa tin được tập trung vào các vấn đề của các hãng thuộc sở hữu nước ngoài. Có lẽ bởi các công nhân khôn ngoan cảm thấy họ có nhiều cơ hội đạt kết quả hơn khi đình công tại một hãng nước ngoài, do các công ty thường lo sợ bị hỏng hình ảnh tại Trung Quốc và ở nước ngoài. Các hãng địa phương có lẽ chả mấy quan tâm tới chuyện thiên hạ nghĩ gì về mức lương trả cho công nhân. Hoặc cũng có thể cơ chế kiểm duyệt thì dễ dàng hơn khi nói tới tình trạng ở các hãng nước ngoài, nhằm tạo ấn tượng là những nơi đó có nhiều vấn đề phức tạp hơn là ở các nhà máy của Trung Quốc.
|