Home Tin Tức Thời Sự Thiếu niên Việt tại Cambodia: Cạm bẫy tình dục trong kỹ nghệ làm đẹp

Thiếu niên Việt tại Cambodia: Cạm bẫy tình dục trong kỹ nghệ làm đẹp PDF Print E-mail
Tác Giả: Ninh Thị Thiên Hương (từ Phnom Penh)   
Thứ Sáu, 18 Tháng 6 Năm 2010 12:37

PHNOM PENH - Tôi nghĩ mình đã đưa sai địa chỉ cho người lái xe ôm, khi anh ta dừng trước một mỹ viện có bảng hiệu màu xanh, ghi chữ “VA RY.”

Trong khi đang loay hoay dò lại địa chỉ nơi cuốn sổ tay, một chị từ trong tiệm bước ra, và hỏi: “Có phải em là Hương không?” Tim tôi chợt đánh thót lên. Lần đầu tiên tôi nghe có người nói tiếng Việt kể từ khi tôi đến Phnom Penh cách đây hai ngày.

Bên trong thẩm mỹ viện VA RY tại thủ đô Phnom Penh, Cambodia:
khoảng 12 đến 15 em nhỏ làm việc để tự nuôi sống mình trong một môi trường đầy cạm bẫy.
(Hình: Ninh Thị Thiên Hương)

Tôi đáp: “Dạ phải, em là Hương.” Chị mỉm cười rồi mở cửa cho tôi bước vào.

Chị tên là Tâm. Tôi gọi chị là “chị Tâm.”

Chị Tâm sống trong một tòa nhà bốn tầng, cỡ trung bình, nằm giữa khu vực gia cư của thủ đô xứ Cambodia. Nhờ sự giúp đỡ của bà mẹ đang ở bên Mỹ, chị mua được căn nhà này hồi năm 2003. Rồi chị sửa nó lại thành một mỹ viện. Chị hành nghề “làm đẹp” cho người, kiếm tiền nuôi hai con trai, một đứa chín tuổi, còn đứa kia lớn hơn một tuổi.

Một năm sau khi mua căn nhà, chị Tâm bắt đầu nhận nuôi thêm từ 12 đến 15 em nữa, ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Hầu hết đều là các em gái thuộc những gia đình ở các vùng xa xôi nghèo khó, nơi chỉ sống với lợi tức $1 cho mỗi người trong một ngày. Ngoài khó khăn này, các em gái luôn phập phồng lọ sợ bị trục xuất. Và các em sống bên lề xã hội.

Mặc dù sinh ra ở Cambodia, các em vẫn không được quyền có quốc tịch Cambodia, thường xuyên bị ruồng rẫy vì gốc gác Việt Nam của mình. Ở Cambodia, người Việt Nam bị gọi là “yuon,” tương đương với chữ “nigger” tức nô lệ da đen ở Mỹ. Những điều kiện hạn chế này khiến họ chỉ có thể theo học ở những trường không chính thức, thường do các tổ chức tôn giáo lập nên, và buộc phần đông phải bắt đầu hành nghề bán thức ăn dạo trên hè phố ngay từ lúc mới lên năm.

Mặc dù sinh ra ở Cambodia, các em vẫn không được quyền có quốc tịch Cambodia, thường xuyên bị ruồng rẫy vì gốc gác Việt Nam của mình. (Hình: Ninh Thị Thiên Hương)

Mặc dầu xuất thân thiếu học và nghèo khó, chị Tâm tin rằng, với việc huấn nghệ trong lãnh vực kỹ nghệ thẩm mỹ đang thịnh hành ở Cambodia, chị có thể mang lại cho các con nuôi của mình niềm hy vọng.

Chị thuê ba chuyên viên thẩm mỹ trẻ tuổi đến dạy các em, từ cách trang điểm cho đến làm tóc và móng tay. Em nào có năng khiếu và chăm chỉ hơn cả thì được chị gửi đến học ở trường chuyên môn để lấy chứng chỉ tốt nghiệp.

Ðiều rủi ro, nghề thẩm mỹ ở chốn này, vừa là sự may mắn, vừa là nỗi bất hạnh.

Tôi suy luận rằng, ngành thẩm mỹ thu được nhiều tiền nhờ những cô gái bán thân, vốn vẫn thường lui tới nơi đây. Do vậy, không lạ gì kỹ nghệ mua bán tình dục bùng nổ mạnh ở Phnom Penh trong mười năm qua, song hành với sự tăng trưởng của hơn 600 mỹ viện trong thành phố.

Thẩm mỹ viện nhiều đến độ, tiệm này nằm cách tiệm kia chỉ chừng hai, hoặc ba, khu phố!

Theo chị Tâm, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa kỹ nghệ thẩm mỹ với kỹ nghệ bán dâm đã tạo cơ hội “để lấy cứt làm giàu.” Chị biết các cô gái bán thân thường ghé đến tiệm VA RY để làm đẹp, đồng thời họ cũng có thể đã xúi giục các dưỡng tử của mình bán thân, để kiếm tiền. Tuy nhiên, chị tin rằng chị có thể che chở cho những đứa con nuôi khỏi tầm ảnh hưởng này, bằng cách luôn luôn nhắc nhở chúng về đạo đức nghề nghiệp và giữ vững tinh thần cứng rắn. Chị áp dụng triệt để lịch trình giờ giấc, làm việc từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, và không được đi đâu sau 9 giờ tối.

Thế nhưng, những đồng tiền mang lại từ kỹ nghệ tình dục của xứ này đã và đang góp phần nuôi sống cửa tiệm của chị? Chị Tâm giải thích, rằng đồng tiền mà những người bán thân mang đến cho tiệm thẩm mỹ còn có thể được dùng để mang lại cho các dưỡng tử của chị một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tối thiểu, chúng có thể yên lòng tự nuôi sống bản thân mình.

Ngày hôm sau tôi trở lại mỹ viện của chị Tâm để nhờ “lên đồ,” để đi dự đám cưới của một người Cambodia mà một người bạn ở địa phương mời tôi đến dự.


Tiệm thẩm mỹ VA RY, Phnom Penh, Cambodia. (Hình: Ninh Thị Thiên Hương)

Tôi cho các học viên ở tiệm VA RY biết rằng, tôi muốn được trang điểm màu nhạt và làm một kiểu tóc đơn giản.

Tuấn, một em 21 tuổi, có cha mẹ sinh quán ở Nam Việt Nam, một mực nói rằng tôi cần phải “trang điểm thật đậm với màu sẫm,” có vậy mới hợp với bộ đồ màu đỏ của người Cambodia.

“Chị Tâm bảo tụi em phải làm cho chị trông thật giống người bản xứ mới được.” Tôi không thể cưỡng lại được, chỉ biết cười tán đồng. Tôi nghĩ: “Biết bao giờ mình mới lại có dịp để mặc đồ đúng theo truyền thống của người Cambodia?”

Trong khi Tuấn tô mặt tôi bằng ba lớp bột trắng, dán lên mắt tôi một đôi lông mi dài, và chấm lấm tấm lên vai và cổ tôi những màu lấp lánh, thì những cô gái và khách hàng ngồi gần đấy nhìn Tuấn đầy bái phục. Em tỉ mỉ từng mỗi nét cọ, em đặt mỗi lớp bột trắng và hạt lấp lánh ở mỗi chỗ một cách chính xác, với một số lượng có tính toán cẩn thận. Tuy vậy, Tuấn thoải mái làm việc, vì rằng tôi chưa hề biết được tay nghề của em thành thạo đến đâu, mãi cho đến khi làm xong.

Trong vòng 20 phút, với khuôn mặt trắng bệt, mũi như nhỏ lại, đôi mắt đen trông to tướng, tôi không còn nhận ra mình được nữa! Các học viên đồng thốt lên: “Chị trông y hệt người Cambodia!”

Kế tiếp là phần làm tóc. Tuấn dùng lược, thận trọng chải thành hai tầng, với tầng trên tạo thành một vương miện tròn vo. Tôi lo lắng hỏi: “Liệu nó có bị rớt xuống hay ngả sang một bên không em?” Tuấn trấn an tôi với nụ cười tươi tắn: “Chị có thể khiêu vũ suốt đêm mà đến mai vẫn còn xài được.”

Cũng như mọi thanh thiếu niên sống trong nhà của chị Tâm, Tuấn ăn nói nhỏ nhẹ và cười luôn miệng mỗi khi nói chuyện. Tuy nhiên, ẩn mình dưới vẻ trầm lặng và tươi vui ấy là một người trẻ từng chứng kiến, cũng như đã kinh qua, những mặt tăm tối nhất của cuộc đời.

Lúc mới lớn, em phải giúp đỡ cha mẹ nuôi sống ba con nhỏ bằng cách bán thức ăn trên các vỉa hè ở Svay Pak, khu vực “đèn đỏ” vốn gây chú ý trên chương trình truyền hình “Dateline” vào năm 2004, vì đây là nơi dung dưỡng nạn nô lệ tình dục trẻ em. Hằng ngày, Tuấn nhìn thấy hàng hàng lớp lớp, có đến hàng trăm phụ nữ và em gái Việt Nam, nhỏ nhất chỉ mới năm tuổi, nối đuôi xếp hàng bán thân cho du khách, hầu hết là người Tây Phương và quan chức địa phương, cùng các doanh gia.

Theo thăm dò gần đây, những người bán thân này chỉ kiếm được $50 mỗi tháng, và phải tiếp bình quân 14 khách mỗi tuần. (Theo thống kê của Joanna Busza, ấn phẩm “Sex Work and Migration: The Dangers of Over-simplication - A Case Study of Vietnamese Women in Cambodia,” 2004).

Mặc dù hai chính quyền Việt Nam và Cambodia đều cảnh giác về việc xóa nạn đĩ điếm ở Svay Pak, Tuấn cho tôi hay rằng, người ta chỉ buộc được kỹ nghệ mua bán tình dục này chuyển sang hình thức làm ăn trá hình mà thôi. Ma cô và khách mua dâm bây giờ gặp nhau ở những địa điểm bí mật, còn các chị em thì lên đồ như mọi cô gái ăn mặc hở hang bình thường, ra vào những nơi thanh lâu, tửu quán. Tuấn cho biết vẫn còn gặp một số những cô gái này ở một mỹ viện khác tại Phnom Penh, nơi em mới bắt đầu đến làm vào buổi chiều.

Tôi không thể không nghĩ đến Tuấn, và cả những thanh thiếu niên kia, khi bước vào tiệc cưới. Họ là một số trong rất nhiều những người bị lãng quên nhất trên đất nước Cambodia. Vậy đó, vậy mà họ lại giúp cho tôi hòa nhập ở buổi tiệc cưới mà thành phần đa số là người Miên ưu việt, có giáo dục và nhiều ảnh hưởng nhất.

Biết bao giờ các em có thể hòa nhập được vào xã hội Cambodia, chỉ với công việc sáng tạo của đôi tay?

(Phóng sự này do sinh viên Ninh Thị Thiên Hương viết cho nhật báo Người Việt. Ðộc giả có thể đóng góp ý kiến trực tiếp cho tác giả qua email This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it )

Chuyển ngữ: Triệu Phong/Người Việt