Home Tin Tức Thời Sự Quên và nhớ :Chuyện vỉa hè

Quên và nhớ :Chuyện vỉa hè PDF Print E-mail
Tác Giả: Tạ Phong Tần   
Thứ Hai, 14 Tháng 6 Năm 2010 18:16

Báo Người Lao Ðộng ngày 07 tháng 6 năm 2010 đăng bản tin ngày 25 tháng 5 năm 2010 một cựu chiến binh xã Bình Lãng phát hiện 20 huân chương chiến công hạng 3,

 huy hiệu chiến sĩ vẻ vang và bằng khen do nhà nước và chính phủ khen tặng cho những chiến sĩ có công trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam đã bị đốt cháy.

Bản tin không nói rõ ai đã đốt (cơ quan nào) và đốt tại đâu. “Do không còn danh sách người được tặng thưởng nên huyện ủy, UBND huyện Tân Trụ không thể đề nghị cơ quan chức năng phục hồi những huân, huy chương, bằng khen đã bị đốt. Biện pháp khắc phục duy nhất trong lúc này là giao cho Hội Cựu Chiến Binh huyện Tân Trụ phối hợp với UBND xã Bình Lãng tổ chức xin lỗi những cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam”.

Dân oan An Giang bị nhà cầm quyền địa phương cướp đất cướp nhà kéo về khiếu kiện ở Sài Gòn.
(Hình: Dân Oan) 

 Cũng báo Người Lao Ðộng cùng ngày cho hay: “Ngày 6 tháng 6 năm 2010, TAND huyện Tân Trụ, tỉnh Long An đã thụ lý 68 đơn của 68 hộ nông dân ở xã An Nhựt Tân khởi kiện quyết định hành chính của UBND huyện Tân Trụ.

 Theo đó, TAND huyện Tân Trụ sẽ phải xử đến 68 vụ án khác nhau trong vòng hơn một tháng. UBND huyện Tân Trụ cũng phải cử người hầu tòa ngần ấy thời gian.

 Theo đơn khởi kiện, năm 2006, UBND tỉnh Long An phê duyệt dự án Khu Công nghiệp xã An Nhựt Tân, thu hồi diện tích 120 ha (100% đất nông nghiệp) giao cho Công ty Thép Long An làm chủ đầu tư, tiến hành bồi thường, tái định cư cho người dân. Do giá đền bù quá thấp, từ 40,000 đồng đến 60,000 đồng/m2 nên người dân không đồng ý. Mặt khác, đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành khu tái định cư, giá bán nền lại cho người dân cũng rất cao”.

Hai bản tin, thoạt nhìn giữa sự việc đốt huy chương và 68 nông dân đi kiện nhà nước địa phương thì chả ăn nhập gì với nhau, nhưng đọc kỹ hơn sẽ thấy chúng có cùng một điểm xuất phát là huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.

Còn nhớ, chiến dịch phản công biên giới Tây Nam là “một loạt các chiến dịch quân sự do phía Việt Nam tiến hành nhằm trả đũa các hoạt động quân sự của quân Khmer Ðỏ tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, giết tróc người dân Việt Nam, và đốt phá làng mạc Việt Nam trong những năm 1975-1978”.

Hồi nhỏ, nghe hàng xóm lao xao tin này, đêm nào tôi cũng không ngủ được, không biết Khmer Ðỏ là cái gì nhưng rất sợ Khmer Ðỏ tấn công đến xóm tôi. Lớn lên tôi mới biết Khmer Ðỏ tức là đạo quân Cộng Sản Camphuchia, khác với quân đội Hoàng Gia của nhà Vua Xihanúc.

Lịch sử ghi nhận tội ác diệt chủng của quân Khmer Ðỏ gây ra cho người Việt tại làng Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) vào tháng 4 năm 1978 thật hãi hùng với trên 15,000 ngàn thường dân bị giết chết một cách dã man như thời Trung cổ.

“Từ tháng 12 năm 1977 đến 14 tháng 6 năm 1978, phía Việt Nam bị thương vong 30,642 bộ đội, trong đó số chết là 6,902 người. Hơn 30 vạn người phải tản cư về phía sau, bỏ hoang 6 vạn ha đất sản xuất.

Ngày 13 tháng 12 năm 1978, được sự trang bị và hậu thuẫn của Trung Quốc, Khmer Ðỏ đã huy động 10 trong 19 sư đoàn (khoảng 50,000 đến 60,000 quân) tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Ba sư đoàn đánh vào Bến Sỏi với mục tiêu chiếm thị xã Tây Ninh, 2 sư đoàn đánh vào Hồng Ngự (Ðồng Tháp), 2 sư đoàn đánh khu vực Bảy Núi (An Giang), 1 sư đoàn đánh Trà Phô, Trà Tiến (Kiên Giang). Tại những vùng chiếm đóng, Khmer Ðỏ đã thực hiện sách lược diệt chủng đối với người Việt, như đã làm với người Khmer.

Quân đội Việt Nam đã chống trả quyết liệt và đã kìm chân bước tiến, đồng thời tiêu hao sinh lực của quân Khmer. Các hướng tiến quân của Khmer Ðỏ bị chặn lại và không thể phát triển được. Ngoại trừ Hà Tiên bị chiếm giữ trong thời gian ngắn, không một thị xã nào của Việt Nam bị chiếm”.

Quân đội Việt Nam vào thời điểm này oai hùng và đáng ngưỡng mộ biết bao. Họ đem sinh mạng mình bảo vệ nhân dân và bảo vệ tổ quốc. Nỡ lòng nào những người có trách nhiệm lại quên đi một giai đoạn lịch sử đau thương đầy máu và nước mắt này, xem thường sự hy sinh của các chiến sĩ bộ đội Việt Nam. 30,642 bộ đội bị thương, hy sinh 6,902 người, vậy mà chỉ có “20 huân chương chiến công hạng 3, huy hiệu chiến sĩ vẻ vang và bằng khen do nhà nước và chính phủ khen tặng” lại không chịu trao món quà tinh thần cho người có công với đất nước, đành đoạn đem đốt bỏ. Rõ ràng, đây là hành động vô trách nhiệm, xúc phạm người đã chết, xem thường người còn sống. Thử hỏi, cho dù huyện Tân Trụ có xin lỗi ngàn lần đi nữa thì vết thương trong tâm hồn những cựu chiến binh biên giới Tây Nam này có hết đau?

Họ quên đi sự hy sinh để bảo vệ tổ quốc của người đi trước, cho họ hôm nay có cuộc sống bình yên, và điều họ nhớ nhất ngày hôm nay là làm sao “thu hồi” được đất của nông dân Tân Trụ với cái giá đền bù rẻ mạt, mặc kệ sau đó người nông dân sống như thế nào với đôi bàn tay trắng và không có phương tiện, công cụ sản xuất.

Nông dân có mảnh đất, tuy không thể làm giàu, nhưng cũng không thể chết đói. Chịu khó cấy trồng, làm lụng, năm nào cũng có lúa ăn, có rau đồng, con cua, con cá bắt trên ruộng bỏ vào miệng mỗi ngày mà không cần tốn tiền mua ở chợ.

Một mét vuông đất được đền bù bằng 40 ngàn đến 60 ngàn, nghe thật xót xa. 40 ngàn đủ để ăn một tô mì bình dân của mấy chú chệt ngay cửa chợ Tân Ðịnh (Sài Gòn), còn vào Phở Ta của vợ cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ thì phải đến 72 ngàn mới được một tô. Tức hai vợ chồng mà muốn ăn 2 tô Phở Ta (cho biết mùi thiên hạ) thì phải mất đến 3 mét vuông đất ruộng.

Ðất đã giải tỏa rồi, đền bù thì giá bèo, khu tái định cư chưa có. Nay 68 hộ nông dân nộp đơn kiện, tính từ ngày tòa án thụ lý, căn cứ theo các quy định của Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự, phải mất đến 4 tháng tòa mới xét xử xong phần sơ thẩm. Rồi còn kháng cáo, kháng nghị mất thêm ít nhất 2 tháng nữa. Trong thời gian này, không biết người nông dân Tân Trụ sẽ sống thế nào? Lấy gì mà ăn? Nhà đâu mà ở?

Theo báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2009 gửi Quốc hội của chính phủ, trong 206,105 đơn thư thì “Khiếu nại, tố cáo đúng và đúng một phần chiếm tỉ lệ cao”, nhưng không hy vọng 68 nông dân này sẽ thắng kiện, bởi tình trạng “trên bảo dưới không nghe” đã thành “bệnh mãn tính” chưa có thuốc chữa hiệu quả. Còn ở Việt Nam khi mà nhà nước địa phương đã lập dự án, ra lệnh giải tỏa, cho dù thực tế đã chứng minh rằng cái dự án ấy sai tè lè, thì chưa có tiền lệ nào nhà nước địa phương chịu bỏ dự án, để cho nông dân lấy lại đất đai của mình cả.

Luật quy định tòa án hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, nhưng quy trình bổ nhiệm thẩm phán có bước phải xin ý kiến cấp ủy. Mà cấp ủy là ai? Cấp ủy có chủ tịch, phó chủ tịch UBND cùng cấp, là phó bí thư của cấp ủy đó. Thẩm phán cũng là đảng viên nữa (đố tìm thấy thẩm phán nào không phải đảng viên). Thế nên thẩm phán mà không xử theo ý kiến cấp ủy coi chừng nhiệm kỳ sau về nhà chăn gà chớ hổng được bổ nhiệm lại. Bà Lê Thị Nga - phó chủ nhiệm Ủy Ban Tư pháp Quốc Hội nói: “Nếu như thẩm phán dũng cảm thì sẽ loại bỏ được chuyện này, nhưng không phải thẩm phán nào cũng dũng cảm”.

Mặt khác, các phán quyết theo luật tố tụng dân sự và hình sự hiện nay đều có cơ quan thi hành án, nhưng tố tụng hành chính là một hình thức đặc biệt vì liên quan đến việc lãnh đạo các cấp phải hủy hay không hủy các quyết định hành chính. Không có cơ quan thi hành án cưỡng chế, nông dân nào có phúc được thắng kiện mà ủy ban huyện Tân Trụ cứ trơ ra đấy không hủy bỏ quyết định thu hồi đất thì cũng không có cách gì cưỡng chế ủy ban được. Tai quái hơn, thời gian vừa qua, một vài ủy ban (nơi khác) còn đối phó với bản án của tòa án bằng cách hủy quyết định cũ, nhưng vài ngày sau ban hành quyết định mới nội dung y chang quyết định cũ, khác có cái số, ngày tháng ra quyết định và vài chữ trong nội dung quyết định thôi. Vậy là nạn nhân phải bắt đầu lại “con đường đau khổ” kiện cáo đối với quyết định mới.

Câu chuyện càng “nóng” hơn khi VietNamNet đưa tin ngày 08 tháng 6 năm 2010, một thiếu tá quân đội đã nghỉ hưu là ông Trần Văn Năm, 78 tuổi đã bị trưởng công an xã An Nhựt Tân (Tân Trụ, Long An) còng tay và giam lỏng. Nguyên nhân là gia đình ông Năm có đất bị quy hoạch và được bố trí tái định cư ở xã An Nhựt Tân. Tuy nhiên, cho rằng việc bốc thăm phân nền không minh bạch nên ông Năm và một số người dân đã khiếu nại.

“Ngày 5 tháng 4 năm 2010, ông Năm và 2 người con của mình đến UBND xã An Nhựt Tân để tiếp tục khiếu nại. Tại đây, 2 người con của ông Năm cho rằng gia đình mình bị xử ép và đã cãi vã to tiếng với cán bộ xã. Ông Năm dù không hề nói năng gì nhưng lại bị ông Nguyễn Thành Trung, trưởng công an xã An Nhựt Tân còng tay và giam lỏng tại hội trường ủy ban xã. Công an huyện Tân Trụ phải có mặt mới ‘giải cứu’ được ông Năm”.

Thật đáng buồn cho thân phận người nông dân Tân Trụ. Người ta cố tình quên những điều đáng nhớ, quên công ơn, quên xương máu người đã hy sinh, và chỉ chăm chăm nhớ mỗi mỗi điều là làm sao “thu hồi đất”, và sẵn sàng dùng bạo lực trái pháp luật để đè bẹp sự phản kháng của người nông dân chân lấm tay bùn.