Những trung tâm đào tạo Cảnh sát bí mật của Mỹ trên thế giới |
Tác Giả: SaigonEcho sưu tầm |
Thứ Hai, 14 Tháng 6 Năm 2010 17:12 |
Song song với việc kích hoạt các hoạt động bắt cóc và hệ thống nhà tù bí mật tại 66 quốc gia trên thế giới, Washington đã cho tái khởi động các học việc đào tạo cảnh sát tại nhiều nước. Các học viện này hoạt động trong bí mật tuyệt đối, cho đến nay đã có mặt tại 4 nước (Mỹ, Hungary, Thái Lan và Bostwana). Hiện một cái khác đang được thành lập tại Salvador. Sự bí mật về nội dung chương trình giảng dạy và danh sách các học viên tại các học viện này đang khiến nhiều người nghi ngờ về việc Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến "bẩn thỉu" mới tại Mỹ Latinh. Đại sứ Mỹ Charles L. Glazer (trái) và Bộ trưởng Tư pháp Salvador giới thiệu Học viện cảnh sát quốc tế của Mỹ tại Salvador. Sự trở lại của phương pháp quân sự cổ điển của Mỹ đang một lần nữa đe dọa tới hòa bình và dân chủ tại Mỹ Latinh. Năm 2005, trợ giúp quân sự của Mỹ với khu vực này tăng 34 lần so với mức của năm 2000. Điều này thể hiện một sự thay đổi lớn trong chiến lược quân sự của Washington: quân đội Mỹ phân tán các hoạt động đào tạo bí mật binh lính và cảnh sát sang các nước Mỹ Latinh. Việc làm này trước đây vốn chỉ tập trung tại trường Fort Benning của Mỹ đặt tại Grudia, nơi đào tạo những kỹ thuật tra tấn và hành hình. Ngân sách liên bang năm 2008 dự kiến chi 16,5 triệu USD cho việc tài trợ một Học viện cảnh sát quốc tế (ILEA) tại Salvador. Mỗi học viện như vậy mỗi năm cho ra lò khoảng 1.500 sĩ quan cảnh sát, thẩm phán, luật sư và những đơn vị khác chịu trách nhiệm thực thi pháp luật ở khắp Mỹ Latinh. Tất cả đều được đào tạo theo chuyên ngành kỹ thuật chống khủng bố. Học viện tại Salvador nằm trong số các học viện thuộc mạng lưới ILEA, được thành lập từ năm 1995 dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Mục tiêu ban đầu của việc thành lập hệ thống trường này là để rải khắp thế giới các hoạt động chống buôn lậu ma túy, tội phạm và khủng bố quốc tế. Từ đó đến nay, ngoài một học viện đầu tiên ở Roswell (bang New Mexico, Mỹ), đã có 3 học viện ở nước ngoài như tại Budapest (Hungary), Bangkok (Thái Lan), Gaborone (Botswana). Theo giới có thẩm quyền của ILEA, học viện tại Salvador có nhiệm vụ biến Mỹ Latinh thành một châu lục an toàn cho đầu tư nước ngoài bởi vì học viện này sẽ bảo đảm an ninh khu vực, ổn định kinh tế và trấn áp tội phạm. Phần lớn giáo viên dạy tại học viện này đến từ các cơ quan an ninh của Mỹ như DEA (Drug Enforcement Administration), ICE (Immigration and Customs Enforcement) và FBI. Tuy nhiên, theo giới phân tích, ẩn đằng sau việc bảo vệ lợi ích kinh tế là mưu đồ chính trị của Washington tại khu vực này. Việc thành lập học viện này tại Salvador diễn ra mà không có phương tiện truyền thông địa phương nào được biết đến. Danh sách học viên cũng như những người sẽ tốt nghiệp tại đây, và chương trình giảng dạy cũng hoàn toàn được giữ bí mật. Chính sự thiếu minh bạch tuyệt đối trong hệ thống các học viện trên của Mỹ đã gây ra nhiều mối nghi ngờ. Một số nhà quan sát cho biết, cách ứng xử của lực lượng cảnh sát và quân đội những nước tốt nghiệp từ các học viện trên của Mỹ đều bị xuống cấp trầm trọng. Theo một báo cáo của Hội nhân quyền Liên Hiệp Quốc, riêng trong năm 2007, cảnh sát Salvador đã tham gia vào 8 vụ ám sát mang tính chất của các phi đội thần chết, trong khi trước không hề có hiện tượng này. Cùng lúc, hiện tượng tha hóa như tham nhũng, hối lộ, thiếu đạo đức nghề nghiệp trong cảnh sát và quân đội tại nước này gia tăng. Ngày 22/5/ 2008, quốc hội Mỹ thông qua sáng kiến Mérida, một chương trình đầu tư 450 triệu USD nhằm đối phó với các băng đảng tội phạm tại Mexico và Trung Mỹ, trong đó ILEA tại San Salvador trong năm 2009 nhận được 2 triệu USD. Với sự trợ giúp tài chính dồi dào này, ILEA tại San Salvador gia tăng các hoạt động huấn luyện cảnh sát thuộc mọi lực lượng mà không hề có sự thông báo rõ ràng nào trước công luận. Giới quan sát nhận định các sự kiện trên cho thấy rằng những phương pháp sử dụng trong các cuộc chiến "bẩn thỉu" tại Mỹ Latinh vào thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước, dùng để đàn áp những phong trào chính trị đối lập như bắt cóc, tra tấn hoặc ám sát, đang được hồi sinh. Và sự hồi sinh đó bắt nguồn từ những thay đối căn bản trong cục diện chính trị tại khu vực này trong thời gian gần đây. Đó là sự chiến thắng liên tiếp của lực lượng cánh tả trong bầu cử tại khu vực này. Ngày 20/4/2008, Fernando Lugo, một nhân vật cánh tả, đã được bầu làm Tổng thống Paraguay. Chiến thắng này chấm dứt chuỗi 61 năm cầm quyền của cánh hữu thân Mỹ Colorado. Ngay sau khi lên nhậm chức, ông Lugo đã cảnh cáo Washington nên ý thức về một bối cảnh chính trị mới tại khu vực và các chính phủ Mỹ Latinh sẽ không chấp nhận bất cứ một hình thức can thiệp nào vào công việc nội bộ từ bất cứ một quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ. Trong khi đó tại quốc gia láng giềng Bolivia, Tổng thống thiên tả Evo Morales cũng đang vất vả chống trả những đòn phép của phe đối lập với sự trợ giúp của Mỹ. Theo những tài liệu và phát biểu của đại diện Chính phủ Mỹ tại Bolivia thì Washington đã chi nhiều triệu USD cho lực lượng đối lập Bolivia. Ngày 1/3/2008, lực lượng quân sự Colombia đánh bom một căn cứ của Lực lượng cách mạng vũ trang Colombia (FARC) đồn trú trên lãnh thổ Ecuador. Hành động này đã gây ra một cuộc khủng hoảng quan hệ trong toàn khu vực. Tuy nhiên, cuộc tấn công này, mặc dù nằm trong cuộc xung đột vốn âm ỉ từ nhiều năm giữa hai nước, lại bắt nguồn từ việc huấn luyện quân sự và trợ giúp tài chính của Mỹ với quân đội Colombia. Một tháng sau cuộc tấn công trên, Lầu Năm Góc thông báo hạm đội tàu chiến thứ 4 của Mỹ được khôi phục trở lại nhằm kiểm soát các hoạt động trong vùng Caribê, Nam Mỹ và Trung Mỹ. Hạm đội 4 của Mỹ vốn chấm dứt sứ mệnh vào năm 1950. Giới quan sát cho rằng, việc tái kích hoạt hạm đội này là một lời cảnh báo của Mỹ đối với những nhân vật lãnh đạo tại Mỹ Latinh như Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez, nhân vật đang tìm cách xây dựng một liên minh tiến bộ trong khu vực nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của Washington
|