Sài Gòn trước giờ World Cup |
Tác Giả: Văn Lang/Người Việt |
Thứ Hai, 07 Tháng 6 Năm 2010 18:06 |
SÀI GÒN (NV) - Chỉ còn vài ngày nữa là trái bóng World Cup tại Nam Phi sẽ lăn theo hiệu còi khai cuộc của trọng tài cho trận mở màn giữa đội chủ nhà Nam Phi và đội Mê-hi-cô. Nhưng ngoài sự sôi động của các siêu thị quảng bá cho các mặt hàng điện máy, nhất là TV thì tại Sài Gòn, người dân cũng như các quán cà-phê vào thời điểm này so với các mùa World Cup trước lại khá... trầm lặng. Có chăng chỉ là những gợn “song ngầm” lăn tăn trước giờ khai cuộc. Nếu ở quận Cam, lịch thi đấu World Cup được phát miễn phí, thì ở Sài Gòn, Ðể tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã quan tâm khảo sát suốt mấy tuần qua. Theo ý kiến của nhiều người mà chúng tôi tham khảo thì mùa World Cup năm nay trầm lắng hơn những mùa trước là vì người ta đã gần như bão hòa về bóng đá. Truyền hình nhiều năm nay đêm nào cũng truyền trực tiếp các giải bóng đá ngoại hạng Anh, bóng đá Ý, bóng đá Tây Ban Nha, bóng đá Ðức... Ðiều đó không có nghĩa là bóng đá đã... nguội, mà chỉ là - Mùa nào thức nấy, đến hẹn lại lên! Chứ tâm lý háo hức từ mấy tháng trước như trước kia thì không còn nữa. Hơn nữa, vì tín đồ túc cầu giáo tùy theo hoàn cảnh sinh sống và điều kiện kinh tế của từng người mà chọn cho mình một “góc” nào đó để thưởng thức bóng đá đã thành nếp nên không còn hình thức quảng cáo phô trương để kéo thêm khán giả tới quán. Một người Việt Nam dù không biết một chữ tiếng Anh nào khác thì cũng biết chữ “World Cup.” (Hình: Văn Lang/Người Việt) Vì thế, hơn một tuần nay chúng tôi chạy xe rảo rảo khắp phố phường cũng hiếm khi nhìn thấy treo băng-rôn quảng cáo quán cà-phê truyền hình trực tiếp World Cup, có mấy nơi có treo, đến tìm hiểu thì chúng tôi được biết đó là mấy quán mới khai trương, vì mới nên phải trương bảng nếu không sẽ chẳng mấy ma nào tới. Nhưng chắc chắn một điều, tới ngay trước ngày mở màn trận khai mạc thì đồng loạt các quán cà-phê lớn, bé dù sang dù... bình dân đều sẽ treo bảng: “Truyền hình trực tiếp World Cup.” Ðơn giản, là để chủ quán khỏi phải trả lời khách quen về việc có bán cà-phê sáng đêm phục vụ World Cup không, đỡ mỏi miệng. Tâm lý của mấy dân ghiền coi đá banh, ghiền thức đêm là phải “thủ” sẵn một số địa chỉ quen, để phòng khi công việc “lu-xu-bu” nay quận 7 khi quận 10, tới giờ bóng đá khai mạc là phải nhanh chân phóng vô quán quen, coi vừa sướng, bình luận, la hét cũng có phường, có bạn, cao hứng ôm vai, vỗ đùi người quen cũng dễ, chứ gặp người lạ, biết đâu họ quạu lên thì... phiền phức, lôi thôi lắm. Rảo quanh một số quán cà-phê để tìm hiểu “sự tình” World Cup. Một chủ quán cà-phê khu cư xá Bắc Hải (nơi mà dù cho không có World Cup thì đêm nào cũng vẫn đông khách), cho biết, sẵn dịp World Cup thay luôn dàn TV LCD mới, đằng nào thì cũng phục vụ khách, chơi cho “tới” luôn. Nhưng là chỗ quen, ông chủ quán cũng nói thẳng, quán xá ăn nhau không chỉ bởi cái TV mà phụ thuộc nhiều thứ khác. Một quán cà phê lao động với lịch đấu trên tường, hứa hẹn sẽ chiếu trực tiếp. (Hình: Văn Lang/Người Việt) Cái đó có lẽ không phải nói ra vì là dân chơi hay dân kinh doanh dĩ nhiên ai cũng... biết. Bình thường thì nhờ “dàn tiếp viên” chân dài, quán luôn thân tình vui vẻ coi khách như chỗ... người nhà. Nhưng mùa World Cup, tay chủ quán nào dẻo miệng, bình luận về bóng đá hay, cập nhật được nhiều thông tin sốt dẻo thì các chiến hữu kéo về đông. Vì thực ra chẳng có tay chơi bóng đá thức đêm thức hôm nào mà không có chút máu cá độ, cờ bạc. Cho nên, không ít chủ quán cà-phê cũng đồng thời là người của những đường dây cá độ (nhưng điều đó nằm ngoài phạm vi của bài viết này). Vô mấy quán cà-phê bình dân, thấy lịch thi đấu World Cup có hình mấy danh thủ bóng đá dán trên tường, tưởng quán mua, hỏi thăm thì được biết là do bộ phận quảng cáo của mấy hãng nước ngọt xin dán, thấy vui và tiện nên “ừa” đại cho họ dán. Vậy mà, khi thấy một cô gái đi bán dạo lịch đá bóng World Cup tại đầu một con hẻm, tôi hỏi mua cô gái nhất định đòi giá là 12 ngàn đồng một tờ, nhất định không bớt một cắc. Hỏi thăm chỗ đại lý bỏ mối tờ lịch thì cô ta chỉ cười... trừ. Dân coi bóng đá World Cup ở Sài Gòn tùy theo hoàn cảnh và công việc của mình mà sắp xếp việc theo dõi bóng đá qua màn hình TV sao cho “đã đời” nhất. Vì việc truyền hình trực tiếp thường vào giờ Việt Nam đã quá khuya, nhất là trận thứ hai. Do vậy việc coi bóng đá không phụ thuộc tiền ít, tiền nhiều nữa mà phụ thuộc vào thời gian rảnh rỗi cũng như sức khỏe của mỗi fan bóng đá. Phúc, một bác sĩ đa khoa của bệnh viện tư nhân, cho biết, trước kia thời còn đi học, không mấy trận cầu truyền hình trực tiếp nào mà anh bỏ qua. Nhưng bây giờ khác, công việc lu bù, rồi vợ con, nên chỉ theo dõi World Cup vào những ca trực đêm ở bệnh viện. Còn Khang một chủ tiệm rửa xe nhỏ thì khác hẳn, hồi xưa cũng mê lắm, nhưng bây giờ kinh tế khó khăn, thợ rửa xe, chủ cũng phải “xăn tay áo” vào làm lúc khách đông để khỏi mất mối, tối đóng cửa tiệm rồi cũng mệt nhoài, làm vài lon bia, ăn uống chút đỉnh rồi lăn ra ngủ, mai dậy cày tiếp, nên xin “cai” World Cup mùa này. Khang chỉ lo, đêm thiên hạ coi đá banh la rần rần không biết rồi có “kìm lòng” được không? Trí, một công nhân nhập cư ở nhà trọ, cho biết, anh cùng với mấy người bạn chung phòng đã hùn nhau mua được một cái TV cũ 21 inch của một bà thua số đề bán rẻ có 500 ngàn đồng, thêm thùng mì gói, ít hột gà vậy là nhóm anh đã có thể yên tâm “chào đón” World Cup. Trí cũng cho biết, nếu những trận cầu diễn ra vào ngày cuối tuần thì nhóm sẽ có chút thức ăn tươi và mấy xị rượu đế cho “xôm tụ.” Nhóm Trí cũng sẽ đổi ca trực đêm cho nhau để mỗi người đều có thể theo dõi đội bóng mà mình yêu thích. Khi tôi hỏi, anh em có cá độ gì không? Trí nói, chỉ chơi vui trong phòng, ly cà-phê gói thuốc vậy thôi chứ tiền đâu mà “đèo bồng” với người ta. Long, thợ kỹ thuật, chuyên theo một nhóm thầu công trình. Năm nay, Long đành ngồi nhà coi World Cup vì vợ mới sanh. Long nhớ lại những mùa banh trước “huy hoàng,” anh em đêm đêm “gầy sòng” nhậu coi đá banh la hét um sùm. Long cho biết coi đá banh phải có phường, có bạn, có bia, có rượu thì mới vui, coi suông một mình... buồn chết! Nhưng đành, tất cả vì vợ, vì con... hức, hức!!! Dũng, một nhà thầu xây dựng, cho biết, mùa banh nào cũng vậy, nhóm Dũng thuê hẳn một tới hai phòng trong khách sạn, không chỉ để ăn nhậu mà còn cá độ đá banh và nhiều thú vui khác. Dũng kể ra một số tên tuổi trong làng ăn chơi và cũng thú nhận anh chỉ là kẻ “chầu rìa,” lâu lâu ké theo một độ banh nhỏ, vì ở đây ăn chơi lớn lắm do vậy phải là dân có cơ sở làm ăn có máu mặt và phải được đàn anh có uy tín “bảo kê” thì mới có thể gia nhập “làng giải trí” ở đây. Việt Nam cho tới bây giờ vẫn cấm cờ bạc và cá độ đá banh, nhưng cũng như số đề, “chân rết” của cá độ đá banh có mặt ở khắp mọi nơi, cá cỡ nào “thầu” cũng OK tuốt. Ðến như những bảng tin nhanh của báo chí phát hành mùa World Cup cũng cho đăng phần “thị trường cá độ” đội nào nằm kèo dưới, kèo trên, chấp mấy trái, tỉ lệ ăn-thua v.v. và v.v... Báo chí ở Sài Gòn mùa này để bán chạy, đồng thời cũng là nêu cao “chánh nghĩa” chống cờ bạc, cá độ bằng cách phát hành kèm với báo là phiếu tham gia dự đoán World Cup. Như hôm 2 tháng 6 vừa qua, một loạt báo đã “ra chiêu” như báo Tuổi Trẻ treo giải cho độc giả của báo (cắt phiếu dự đoán in kèm theo báo) với giá là 20 triệu đồng Việt Nam cho ai dự đoán đúng kết quả trận mở màn giữa Nam Phi và Mexico, câu hỏi phụ kèm theo là cầu thủ nào được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu. Ðợt dự đoán đầu tiên này sẽ khóa sổ trước ngày bóng lăn là ngày 10 tháng 6, và sau đó là dự đoán dài dài cho tới tận trận chung kết với giải thưởng ngày một tăng, có lẽ là không dưới 100 triệu đồng cho ai dự đoán trúng đội bóng sẽ đoạt cúp vô địch của World Cup 2010. Chỉ vài ngày nữa là bóng lăn, hàng triệu người với những đêm không ngủ, vui sướng theo các chân sút, la hét rần rần... Có những người già giật mình nửa đêm thức giấc, lầu bầu... Có những em nhỏ lui cui cắt lá phiếu từ báo, nắn nót ghi dòng chữ về cầu thủ mình yêu thích, đội bóng mình yêu thích gởi cho báo, hy vọng kiếm chút... giải thưởng. Sẽ có những người đêm nay đi “xế” xịn, sáng mai lại thất thểu, bơ phờ... lội bộ. Năm nào sau mùa World Cup báo cũng đăng, có người chủ tiệm vàng kia đi không thấy... về, có ông chủ tiệm đá quý nọ nhẩy... sông, mò tìm số tài sản đã “bay” theo tỉ số của các trận cầu. Vui, buồn, hỉ, nộ, ái, ố sân si của cuộc đời ngày mai đây sẽ lăn tròn cùng nhịp điệu World Cup. Ðời ta ta chịu! World Cup cứ bốn năm một lần, đến hẹn lại lên đem lại niềm vui và ngọn lửa nhiệt huyết cho hàng triệu triệu trái tim trên khắp địa cầu. |