Home Tin Tức Thời Sự Việt Nam có thể thiếu lương thực do biến đổi khí hậu

Việt Nam có thể thiếu lương thực do biến đổi khí hậu PDF Print E-mail
Tác Giả: Khánh An, phóng viên RFA   
Thứ Năm, 03 Tháng 6 Năm 2010 17:58

Bộ Ngọai giao Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với kênh truyền hình InvestTV vừa tổ chức hội thảo “An ninh lương thực và biến đổi khí hậu” vào ngày 31/5.

Photo courtesy of kintenongthon.com.vn
Lúa ở Bạc Liêu không trổ bông được vì bị nhiễm mặn, ảnh chụp năm 2009.

Mặn xâm nhập
Theo đó, dự báo có khỏang 30% diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam sẽ bị ngập do tình trạng nước biển dâng vào cuối thế kỷ này sẽ dẫn đến khả năng an ninh lương thực của Việt Nam bị đe dọa.

Khánh An phỏng vấn Thạc sĩ Nguyễn Bỉnh Thìn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công Nghệ, chánh văn phòng biến đổi khí hậu thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, khách mời của hội thảo về những ảnh hưởng này.

Trước hết, Thạc sĩ Nguyễn Bỉnh Thìn cho biết sơ bộ về tình hình lương thực của Việt Nam:
“Đã thấy biểu hiện của biến đổi khí hậu rồi, thấy được ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhất là xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long./ThS. Nguyễn Bỉnh Thìn

ThS. Nguyễn Bỉnh Thìn: Về lương thực của Việt Nam bây giờ là một trong những nước xuất khẩu đứng thứ hai trên thế giới. Hằng năm, Việt Nam xuất khẩu từ 4 – 6 triệu tấn lương thực ra nước ngoài, mà ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến lương thực rất lớn bởi vì đa số các vùng đất ở Việt Nam rất thấp. Cụ thể như đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, nếu mực nước biển dâng khoảng 75cm hoặc 1m như kịch bản của Bộ Tài Nguyên Môi trường Việt Nam thì an ninh lương thực thực sự bị đe dọa. 

Khánh An: Vâng thưa ông, như vậy thì tình hình hiện nay của những ảnh hưởng biến đổi khí hậu lên những vùng đất nông nghiệp như đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng như thế nào?

ThS. Nguyễn Bỉnh Thìn: Theo tôi, cũng đã có biểu hiện nước biển dâng rồi bởi vì xâm nhập mặn lên rất sâu, cụ thể năm nay lên rất sâu phía thượng nguồn. Hằng năm chỉ khoảng 20m từ phía biển lên, nhưng năm nay có khi 30, 40m hoặc sâu hơn nữa.

 Thiếu nước và nhiễm mặn ở Trà Vinh hồi đầu năm 2010. Photo courtesy of vea.gov.vn

Cái đấy thì cũng không thể nói hoàn toàn do nước biển dâng, cũng có thể năm nay khô hạn, vùng thượng nguồn sông Mekong, có 5 nước ở thượng nguồn, có thể họ sử dụng nước nhiều hơn; hoặc có thể nước năm nay về ít hơn; cũng có thể việc xây dựng những nhà máy thủy điện ở trên có tác động đến dòng chảy của sông Mekong…

 Nhưng nói chung, đồng bằng sông Cửu Long cũng đã thấy biểu hiện của biến đổi khí hậu rồi, thấy được ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhất là xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Giải pháp
Khánh An: Vậy hiện nay mình đã đưa ra giải pháp nào để đối phó với tình trạng đang diễn ra không, thưa ông?

“Giải pháp phi công trình cũng có rất nhiều, ví dụ như dự báo, cảnh báo đối với người dân để người ta khỏi lấy nước khi nước mặn để khỏi chết lúa, chuyển đối cơ cấu cây trồng./ThS. Nguyễn Bỉnh Thìn

ThS. Nguyễn Bỉnh Thìn: Đối với tình trạng như thế thì chắc là có hai giải pháp lớn: giải pháp công trình và giải pháp phi công trình. Giải pháp công trình thì xây dựng những hệ thống thủy lợi ngăn mặn để chống xâm nhập mặn và tháo lũ vào mùa lũ, hoặc là hệ thống đê bao, bờ bao.

Đó là các giải pháp công trình. Còn giải pháp phi công trình cũng có rất nhiều, ví dụ như dự báo, cảnh báo đối với người dân để người ta khỏi lấy nước khi nước mặn để khỏi chết lúa, rồi dự báo cảnh báo để người ta chuyển đối cơ cấu cây trồng. Năm nào hạn hoặc nước lên nhiều quá thì chỗ nào sẽ nuôi tôm, chỗ nào nuôi cá, nước ngọt, nước mặn, nước lợ…, chỗ nào có thể trồng lúa được, chứ không phải trồng tràn lan, có thể chuyển đổi từ trồng cây lúa sang cây chịu mặn nhiều hơn, rồi có những giải pháp trồng rừng ngập mặn… Đó là những giải pháp phi công trình. 

Khánh An: Vâng thưa ông, biến đổi khí hậu mà hiện nay có thể thấy được một vài dấu hiệu đang diễn ra đó có ảnh hưởng như thế nào đến an ninh lương thực của Việt Nam mình, thưa ông?

ThS. Nguyễn Bỉnh Thìn: Thực ra, biến đổi khí hậu là mới đối với Việt Nam cũng như các nhà khoa học Việt Nam. Theo tôi hiểu thì đối với các nhà khoa học thế giới thì cũng là mới.

Tuy vậy, bên Việt Nam thì cũng có một số nhà khoa học nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đối khí hậu như thế nào đối với năng suất lúa của Việt Nam, tất nhiên đây mới là nghiên cứu ban đầu thôi, thì họ nói rằng có ảnh hưởng đến khoảng 2% năng suất cây trồng, chủ yếu là lúa, họ tính mấy loại cây chính là lúa, ngô và đậu tương.

Nếu về tương lai thì theo các nhà khoa học thế giới, cứ nhiệt độ tăng lên 1oC thì năng suất giảm 10%. Một điều nữa trong tương lai, một trong những cái lo nhất là nước biển dâng ngập đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng.

 Mặn đã xâm nhập sâu vào Đồng bằng sông Cửu Long. Photo courtesy of vfej.vn

Nếu mà ngập thì không biết cái gì sẽ xảy ra, ví dụ nếu không có những công trình ngăn mặn, không có những giải pháp thì người ta tính toán sơ bộ khoảng ¼ hoặc hơn nữa, đất đồng bằng sông Cửu Long bị ngập và nếu ¼ thì hiện nay đất lúa khoảng 4 triệu ha, mất 1 triệu ha, mà cứ mất 1 triệu ha (đất) thì mất khoảng 7 – 8 triệu tấn lương thực.

 Thế thì Việt Nam bây giờ xuất khẩu từ 4 – 6 triệu tấn lương thực hằng năm, nếu mất khoảng 8 triệu tấn lương thực thì coi như Việt Nam không những không xuất khẩu mà còn phải nhập khẩu nữa. Tuy vậy, ý nói rằng nếu không có giải pháp gì thì như vậy, nhưng cũng phải có những giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chúng tôi cũng có sự hợp tác và giúp đỡ của chính phủ Hà Lan. Thực ra, biến đổi khí hậu ở Việt Nam, là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu, cũng là nước dễ bị tổn thương vì là nước nghèo, thành ra cũng có rất nhiều nước phát triển họ quan tâm, ví dụ như Hà Lan, tổ chức JAICA của Nhật Bản, rồi phía Đức là tổ chức hợp tác phát triển của Đức cũng đã làm rất nhiều công việc ở Việt Nam, ở đồng bằng sông Cửu Long. Họ cũng rất quan tâm đến việc quản lý dải ven bờ để làm sao ổn định, đảm bảo đa dạng sinh học ở vùng đồng bằng sông Cửu Long của mình.

Khánh An: Khánh An cám ơn ông về thời gian ông dành cho Đài.