Home Tin Tức Thời Sự 3 triệu trẻ em Trung Quốc được đẻ 'lén' mỗi năm

3 triệu trẻ em Trung Quốc được đẻ 'lén' mỗi năm PDF Print E-mail
Tác Giả: T. An   
Thứ Ba, 01 Tháng 6 Năm 2010 20:07

Tình trạng mất cân bằng giới tại Trung Quốc có thể không căng thẳng như người ta vẫn nghĩ,

 vì mỗi năm lại có thêm 3 triệu trẻ em "lén" chào đời nhằm tránh chính sách sinh một con, một nghiên cứu vừa tiết lộ.

 Nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc lén sinh thêm con, chấp nhận chịu phạt hoặc chạy trốn chính quyền. Ảnh: samsays.com.

"Tôi là người phản đối mạnh mẽ nhất chính sách sinh một con ở Trung Quốc", Fu Yang - người đàn ông 47 tuổi mạnh mẽ và rắn rỏi - cười lớn khi rót trà cho khách. "Tôi có đến 7 cô con gái chỉ trong 10 năm".

Fu và vợ nằm trong số hàng triệu bậc cha mẹ Trung Quốc phải chịu đựng những đe dọa, trừng phạt và thậm chí là vào tù vì tội chống lại chính sách sinh một con ở quốc gia này. Cặp vợ chồng, hiện sống sung túc trong một ngôi làng nhỏ ở ngoại ô thành phố Hạ Môn, đã phải bỏ trốn qua 3 tỉnh và giấu các con ở nhờ nhà những người bạn.

"Đã có những thời điểm rất khó khăn", Fu kết luận. "Chúng tôi bị săn đuổi khắp nơi và phải sống như những kẻ ăn mày. Nhưng tôi không bao giờ nghĩ sẽ làm khác đi", ông nói với Telegraph.

Kể từ 1978, chính phủ Trung Quốc đã hạn chế mỗi gia đình chỉ được sinh một con trong nỗ lực ngăn chặn đà tăng dân số ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Để thực thi đạo luật, quan chức địa phương sẽ phải để mắt đến tất cả các bà bầu, và nhân viên của Ủy ban dân số có quyền buộc phụ nữ phải phá thai và triệt sản, cũng như theo dõi việc tránh thai của họ.

Chính sách này không áp dụng với tất cả mọi người. Ở vùng nông thôn, cha mẹ được phép có con thứ hai nếu đứa đầu là gái. Các cặp mà cả vợ lẫn chồng đều là con một cũng có thể có 2 con. Ngoài ra, nhiều người giàu cũng sẵn sàng chịu phạt để được sinh thêm con thứ.

Nhưng với những cặp không tuân thủ quy định này, sự trừng phạt có thể rất nặng nề. Công nhân trong các xí nghiệp quốc doanh có thể mất việc. Những người khác phải chịu phạt lớn, có thể là mất nhà hoặc thậm chí đi tù.

"Khi cuối cùng họ phát hiện ra tôi có 7 cô con gái, họ đã cố gắng kéo đổ nhà tôi, nhưng may thay, tôi có quan hệ tốt: chú của tôi là trưởng làng", Fu kể. "Họ cũng muốn phạt tôi 600.000 tệ (60.000 bảng Anh). Nhưng tôi không chịu nộp. Cuối cùng, họ kéo đổ một góc cái nhà cũ của tôi, và tôi chỉ trả thêm 2.000 tệ", ông nói tiếp.

Fu bảo ông cũng biết một vài người khác trong làng cũng có nhiều hơn một con, và rằng ông đã khuyến khích con gái đầu của mình - gần đây mới sinh một cháu trai - cũng làm như vậy. "Tôi bảo nó, dù bằng giá nào, cũng nên đẻ nhiều", ông kể.

Trong hàng triệu trường hợp khác, các gia đình cũng sẵn sàng phá luật và chịu hình phạt như vậy, nhà nghiên cứu Liang Zhongtang, cựu thành viên ủy ban chuyên gia của Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc cho biết.

Kiểm tra số liệu điều tra dân số của Trung Quốc, Liang tình cờ phát hiện sự không nhất quán chứng tỏ việc "đẻ lén" này. "Cuộc tổng điều tra dân số năm 1990 ghi nhận có 23 triệu ca sinh. Nhưng đến cuộc điều tra năm 2000, lại có tới 26 triệu trẻ 10 tuổi, tăng lên 3 triệu", ông nói.

"Thông thường, bạn sẽ đoán rằng số liệu sau 10 năm phải nhỏ hơn số mới sinh, do tỷ lệ tỷ vong ở trẻ", ông bổ sung thêm.

Phát hiện của ông chứng tỏ chính sách một con có thể không để lại hậu quả nặng nề như được dự đoán rộng rãi. Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc, truyền thống thích con trai khiến cho nước này sẽ thừa khoảng 30 triệu đàn ông vào năm 2020, do nhiều ông bố bà mẹ dùng siêu âm để loại bỏ thai nhi là con gái.

Những nhà làm chính sách cảnh báo rằng với số đàn ông thừa đó - vì không thể tìm được vợ - sẽ làm đảo lộn xã hội Trung Quốc, dẫn tới sự gia tăng bạo lực và nạn mại dâm.

Tuy nhiên, chuyên gia Liang cho biết sự mất cân bằng giới tính này "rõ ràng không nghiêm trọng như các số liệu dự báo". Thay vì phá thai gái, Liang phỏng đoán các gia đình vẫn sinh con gái, song không công bố rộng rãi.

"Những bé gái ngoài kế hoạch thường không được làm khai sinh với chính quyền khi chào đời. Gia đình sẽ đợi cho đến khi chúng 6 hoặc 7 tuổi và khi đó, chính quyền không còn quan tâm lắm", ông nói.

"Ngay khi con gái chúng tôi cai sữa, chúng tôi gửi nó đến sống với một người bạn hoặc một người họ hàng. Chúng đến trường, nhưng không có giấy tờ hợp lệ", Fu kể.

Và mặc dù sống trong vùng bị kiềm tỏa chặt chẽ bởi luật pháp, tương lai của các con Fu cũng không bị cản trở lắm. 3 cô gái đầu thậm chí còn là đảng viên đảng Cộng sản, 2 cô còn lại vẫn đang đi học. Một cô đang làm nghiên cứu sinh sau đại học Luật ở Bắc Kinh, trong khi cô còn lại có thể sẽ thay Lu làm giám đốc công ty gia đình.

T. An