Home Tin Tức Thời Sự Trữ lượng vàng tại Cam Bốt thu hút đầu tư ngoại quốc

Trữ lượng vàng tại Cam Bốt thu hút đầu tư ngoại quốc PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm / Phạm Phan   
Thứ Ba, 01 Tháng 6 Năm 2010 15:41

  Mới đây công ty OZ chuyên khai thác quặng khoáng sản của Úc đã thông báo họ vừa tìm ra 8,1triệu tấn quặng,

 trong đó có tiềm năng chứa khoảng 605.000 ounce vàng. Được biết mỗi ounce có 23g35 vàng, như thế mỏ này có trữ lượng lên đến hơn 14 tấn. Với giá một ounce hiện nay là 1.200 Mỹ Kim, mỏ vàng mới tìm được có trị giá trên 720 triệu Mỹ Kim.

Từ Phnom Penh, thông tín viên Phạm Phan tường trình:

Tin khám phá ra mỏ vàng tại tỉnh Moldokiri gần biên giới Việt Nam cũng đã được bộ Công Nghiệp - Mỏ và Năng Lượng Cam Bốt xác nhận. Theo ông Sok Leng tổng giám đốc Tài Nguyên Quặng ở bộ này cho biết: việc khám phá được mỏ vàng là sự kiện lớn nhất từ 17 năm qua trong hoạt động khai thác mỏ ở Cam Bốt.

Ảnh: Reuters 

Qua cuộc họp báo gần đây, ông Sok Leng cho báo chí biết: tỉnh Moldokiri có nhiều tiềm năng khoáng sản.

 Trên lãnh thổ Cam Bốt có nhiều loại quặng như đồng, vàng, sắt, kẽm, chì, thiếc, bauxite, ngọc bích, hồng ngọc, cao lanh và đá vôi.

Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở hạ tầng yếu kém khiến cho công việc tìm kiếm, khai thác các mỏ nói trên bị chậm rất nhiều.

 Do vậy, các công ty ngoại quốc cần đầu tư nhiều hơn nữa mới có thể mang các khoáng sản quý từ vùng rừng rậm xa xôi đến nơi tinh chế hay tiêu thụ.

Phía chính quyền Cam Bốt nói quốc gia họ chưa thu được bất kỳ lợi nhuận nào từ khu vực khai thác quặng mỏ, mặc dù hiện nay có ít nhất 60 công ty ngoại quốc và địa phương đang bỏ công sức đào bới tìm kiếm quặng.

Tin có mỏ vàng với trữ lượng khổng lồ tại Moldokiri, chỉ cách Buôn Mê Thuột khoảng 100 cây số, gây chú ý rất nhiều đối với giới kinh doanh vàng, đá quý, đồ trang sức ở Việt Nam.

Một đại diện của công ty Kim Hoàn Agribank nói, trong một tấn quặng chỉ chứa có 2,3 gam vàng là thấp, nếu được trên 3 gam trong mỗi tấn thì tốt. Tuy nhiên, vị đại diện này cũng thừa nhận mỏ vàng vừa được khám phá tại Cam Bốt có thể là mỏ có trữ lượng lớn nhất trong vùng Đông Nam Á.

Công ty Mua Bán Và Đầu Tư Vàng Việt Nam cũng nói mỏ vàng Moldokiri là mỏ lớn nhất của Cam Bốt từ trước đến nay. Sự kiện này khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam sẽ kéo đến khai thác vàng ở Cam Bốt, mặc dù kỹ thuật khai thác của Việt Nam không cao.

Hiện nay Việt Nam đã đầu tư tại Cam Bốt trên một tỷ Mỹ Kim, có nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng khai thác mỏ, nhưng chưa có hợp đồng khai thác vàng.

 Những người am tường kinh doanh vàng tại Việt Nam đưa ra nhận xét riêng của họ là 8,1 triệu tấn quặng tại Modokiri – Cam Bốt sẽ không gây tác động lớn đến giá vàng, cung cũng như cầu trong khu vực. Vàng tại Cam Bốt sẽ được đưa ra nước ngoài tinh chế và sản lượng không đủ lớn để ảnh hưởng đến thị trường.

Tại Việt Nam, mỏ vàng lớn nhất nằm tại Bồng Miêu, thuộc tỉnh Quảng Nam, hiện được công ty Khoáng Sản Quảng Nam và một đối tác Cam Bốt liên doanh khai thác.

Năm 2006 liên doanh này đã bắt tay vào khai thác một trong 3 khu vực có vàng ở Bồng Miêu, sản lượng trung bình hàng năm là 600 ký vàng.

Các rủi ro tiềm ẩn trong việc khai thác vàng tại Cam Bốt

Douglas Broderick, đại diện Chương Trình Phát Triển của Liên Hiệp Quốc tại Cam Bốt nói sự phát triển trong lĩnh vực quặng mỏ non trẻ ở Cam Bốt cần phải có thời gian, có thể cần đến 5 tới 10 năm, chứ thành quả không kéo đến mau như qua một đêm. Cạnh đó, các cộng đồng cư dân địa phương cũng phải được hưởng lợi ích từ khai thác mỏ vàng.

Global Witness, có trụ sở tại Luân Đôn – Anh Quốc, nói lợi nhuận Cam Bốt kiếm được từ tài nguyên thiên nhiên, bao gồm khoáng sản, đã bị nạn tham nhũng ở cấp cao và tệ bè phái, gia đình có quyền lực cấu kết thao túng. Tổ chức quan sát môi trường này còn cho là Cam Bốt đã giàu có nhờ tài nguyên thiên nhiên, nên không cần quốc tế viện trợ nữa. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế phải làm việc nhiều hơn để bảo đảm các tài sản quốc gia được quản trị đúng.

Luồng đầu tư nước ngoài kéo đến Cam Bốt tìm kiếm khoáng sản quý, gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Úc, gia tăng trong mấy năm nay, nhưng đi liền theo đó là cảnh trục đuổi cư dân sinh sống trên những mảnh đất được đầu tư khai thác, gây ra cảnh không nơi trú thân trên chính miếng đất nông dân từng sinh sống lâu đời.

Chính quyền đã ra tay thực hiện trục đuổi hàng trăm vụ, bằng cách cho cảnh sát, quân cảnh dùng sức mạnh buộc cư dân phải rời nhà, rời đất, để lấy đất bán cho nhà đầu tư ngoại quốc. Sự kiện này đã bị LHQ cảnh báo.

Vùng Moldokiri, Đông Bắc Cam Bốt là quê hương của những người thiểu số Cam Bốt. Quanh năm họ sống nhờ vào rừng, nương rẫy, nay môi trường sinh sống quen thuộc bị xới tung để tìm vàng. Đại diện các cộng đồng thiểu số từng đưa đơn xin chính quyền trung ương giúp đỡ.

Năm 2011, Cam Bốt sẽ có những thùng dầu thô đầu tiên từ vùng Vịnh Thái Lan, từ một quốc gia tan nát vì chiến tranh và họa Cộng Sản, nay Cam Bốt thừa hưởng được tài sản khổng lồ từ lòng đất, và lòng biển, nhưng có nhiều người đánh dấu hỏi liệu lợi nhuận to lớn thu được từ vàng, dầu lửa có giúp được cho người dân bớt nghèo hay không?