Home Tin Tức Thời Sự Đạo và Đời trong vụ Cồn Dầu

Đạo và Đời trong vụ Cồn Dầu PDF Print E-mail
Tác Giả: Nam Nguyên, phóng viên RFA   
Thứ Hai, 31 Tháng 5 Năm 2010 16:39

Hai nhân vật có quyền lực cao nhất về mặt đời và đạo ở Đà Nẵng gặp nhau hôm 18/5 liên quan tới biến cố Cồn Dầu.

 Tuy nhiên câu chuyện này vẫn chưa đến hồi kết.

Hình do thính giả gửi đến RFA /Công an, cảnh sát cơ động được huy động đến ngăn cản tang lễ cụ bà Hồ Nhu ở Cồn Dầu, Đà Nẵng hôm 4-5-2010.

Báo Saigon Giải phóng đưa tin, ông Nguyễn Bá Thanh Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Nẵng đã có buổi gặp mặt Giám mục Châu Ngọc Tri và một số linh mục thuộc giáo phận Đà Nẵng để thông báo một số tình hình kinh tế xã hội của thành phố và các vấn đề có liên quan đến Giáo hội Công giáo trên địa bàn, đặc biệt về sự kiện mà tờ báo gọi là “vụ gây rối ở thôn Cồn Dầu”.

Tờ báo không nhắc một dòng nào để mô tả điều gọi là “vụ gây rối ở thôn Cồn Dầu,” mà chỉ đưa tin về kế hoạch giải tỏa của địa phương và trích lời ông Nguyễn Bá Thanh cáo buộc người dân chống lệnh giải tỏa. Do vậy chúng tôi xin trích thư mục vụ của Đức Cha Châu Ngọc Tri Giám Mục Giáo Phận Đà Nẵng gởi Cộng đoàn Dân chúa và riêng cho giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu, thư đề ngày 6/5/2010 tức hai ngày sau khi biến cố xảy ra.

Đạo gây rối?
Đức Giám Mục cho biết, ngài đã cố gắng phối kiểm thông tin khách quan từ nhiều phía kể cả chính quyền lẫn người dân, và xem đây là tiếng nói chính thức của Giáo phận Đà Nẵng đến những ai muốn tìm hiểu thông tin về biến cố Cồn Dầu.

Thư có đoạn: “gần đây chúng ta được nghe nhiều câu chuyện thương tâm diễn ra đó đây, những xô xát giữa dân chúng với lực lượng an ninh chính quyền. Nước mắt và máu đã đổ ra ngay trong thời bình. Thật đau đớn xót xa…Lần này, sự việc lại xảy ra trên Giáo phận Đà Nẵng, tại giáo xứ Cồn Dầu, với hình ảnh làm đau lòng mọi người.”

“Lễ nghi an táng vốn rất thiêng liêng đối với người Việt Nam, thế mà quan tài của một bà cụ 93 tuổi trở thành đối tượng tranh chấp, xâu xé, hành hung, bắt bớ…/ĐGM Châu Ngọc Tri
Đức Giám Mục nhấn mạnh rằng: “Lễ nghi an táng vốn rất thiêng liêng đối với người Việt Nam, thế mà quan tài của một bà cụ 93 tuổi trở thành đối tượng tranh chấp, xâu xé, hành hung, bắt bớ… Ai trong chúng ta cũng thổn thức và mủi lòng cho người chết cũng như người sống.”

Theo thư mục vụ của Đức Giám Mục: “Câu chuyện thương tâm xảy ra trong dịp đám tang của Bà Maria Tân, 93 tuổi là giáo dân của Giáo xứ Cồn Dầu. Bà cụ qua đời ngày 1/5/2010 và đến sáng ngày 4/5/2010 thì đưa đi an táng.

Từ bao đời nay, người giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu khi qua đời, đều được an táng tại nghĩa địa riêng của Giáo xứ, được chăm chút rất công phu kỹ lưỡng, cách nhà thờ Xứ khoảng 1.000 mét, cũng nằm trong khu vực dự án (*Chính quyền giải tỏa để thực hiện khu du lịch sinh thái Hòa Xuân). Đa số giáo dân Cồn Dầu quyết tâm bảo vệ nghĩa địa và động viên gia đình cứ an táng bà cụ tại đây.”


 Công an sử dụng bình xịt hơi cay để giải tán giáo dân, ngăn cản việc cử hành tang lễ. Hình do thính giả gửi đến RFA.

Vẫn theo theo Thư Mục Vụ của Đức Giám Mục: “Sau thánh lễ 500 giáo dân cùng tang quyến đã đưa quan tài bà cụ ra nghĩa trang, ca kinh và hàng lối trật tự theo đúng lễ nghi tôn giáo, nhưng đã gặp ngay sự ngăn cản hùng hậu của các lực lượng an ninh thành phố chực sẵn, không cho đoàn người và quan tài tiếp cận khu nghĩa trang.”

Hai bên án binh mãi đến trưa, đại diện chính quyền Thành phố có đến thông báo tình hình. Tòa Giám Mục đã đề nghị phía chính quyền dù thế nào cũng phải tiếp tục nhẫn nại với dân chúng và khuyến cáo không được dùng vũ lực với người dân, có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Đức Giám Mục viết trong thư Mục Vụ: “Lúc 13g30 chiều ngày 4/5 mọi sự không còn kiểm soát được, đôi bên “hỗn chiến”, khi lực lượng an ninh đặc nhiệm của Thành phố đã dùng vũ lực mạnh nhất để trấn áp dân chúng, chiếm lấy quan tài, đưa lên xe đem đi, và bố ráp đánh đập không nương tay tất cả những ai có mặt trong khu vực. Nhiều người bị giải lên xe chở đi. Số người bị bắt giữ lên tới 59 người. Vụ việc diễn ra chớp nhoáng chưa đầy một tiếng đồng hồ…”

Để cập nhật thông tin, sáng ngày 20/5 chúng tôi tiếp xúc với ông Thái Văn Liên một giáo dân Cồn Dầu, theo lời ông Liên tình hình hiện giờ yên tĩnh, nhưng chính quyền không cho giáo dân xuống giống vụ lúa hè thu, những người bị tạm giữ đã lần lượt được trả tự do nhưng còn 6 người bị giam chưa được thả:

“Sáng 18/5 nghe thông tin rằng trong cuộc họp của ông Bí thư Thành ủy với Đức Cha Tri cùng các linh mục, tại đó Đức Cha cũng xin ông Bí thư Thành ủy thả những người đó ra, nhưng nghe đâu vẫn chưa được vì họ nói những người đó phạm tội bị bắt, tới bây giờ chưa thấy ai được thả.”

“Không có đất để canh tác đâu chỉ mua đất để ở, ... lên trên kia không có đất để sản xuất, cái khó là sau giai đoạn giải tỏa người dân lấy gì mà sống / Ông Thái Văn Liên
Ông Thái Văn Liên nhận định rằng, chính quyền sẽ tiếp tục theo đuổi kế hoạch giải tỏa toàn bộ thôn Cồn Dầu và điều mà người dân không chấp nhận là không có gì bảo đảm tương lai cuộc sống ở nơi di dời:

“Không có đất để canh tác đâu chỉ mua đất để ở, bây giờ lên trên kia mua đất 100m2 thì đường 5,5m là 80 triệu, đường 7,5m là 90 triệu. còn đường 10,5m thì 1,1 triệu 1 mét vuông. Hiện bây giờ vẫn bán giá đó cho người dân, lên trên kia không có đất để sản xuất, cái khó là sau giai đoạn giải tỏa người dân lấy gì mà sống”

Trong thư Mục Vụ của Đức Cha Châu Ngọc Tri Giám Mục Giáo Phận Đà Nẵng, Đức Cha kêu gọi giáo dân Cồn Dầu vững lòng tin, “Đừng nghĩ rằng các mục tử (*Kẻ chăn chiên) không đứng về phía anh chị em trong cuộc đấu tranh cho công lý và công bằng xã hội.” Tuy vậy Ngài cũng huấn dụ con chiên: “Không được nhân danh tôn giáo để đấu tranh bạo động dưới bất cứ hình thức nào, dù cuộc đấu tranh là chính đáng.”

Đời giải tỏa?
Trở lại bản tin của SGGP về cuộc gặp ngày 18/5 giữa Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh với Đức Giám Mục và các linh mục giáo phận Đà Nẵng. Tờ báo trình bày kế hoạch giải tỏa 430 ha của Phường Hòa Xuân, Quận Cẩm Lệ để xây dựng khu du lịch sinh thái Hòa Xuân, trong đó thôn Cồn Dầu với 380 hộ dân bị giải tỏa trắng 100ha, kể cả khu nghĩa địa Cồn Dầu với khoảng 1.000 ngôi mộ. Tờ báo trích lời ông Nguyễn Bá Thanh qui trách giáo dân Cồn Dầu chống lệnh giải tỏa, chỉ có 12 hộ chấp nhận kế hoạch di dời, còn lại đều chống đối, khâu kiểm định đến nay không tiến hành được.


 Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh nói chuyện với nhân dân thôn Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ hôm 04/3/2010. Photo courtesy of camle.danang.gov.vn

Theo Báo SGGP trong cuộc gặp gỡ Giám mục Châu Ngọc Tri nhận định sự cố Cồn Dầu vừa qua là điều thật sự đáng tiếc.

 Vẫn theo tờ báo, Giám mục Châu Ngọc Tri đề nghị Thành phố xem xét, chấp thuận giao dự án dạy nghề tại Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân cho tòa Giám mục Đà Nẵng thực hiện nhằm giúp bà con trong vùng di dời giải tỏa, đặc biệt là bà con giáo dân Cồn Dầu có điều kiện chuyển đổi ngành nghề sau khi dự án được triển khai.

Sau biến cố Cồn Dầu với vụ lực lượng an ninh Đà Nẵng cướp quan tài người chết và trấn áp dân chúng, chính quyền Đà Nẵng đã tạm án binh bất động trả lại sự yên tĩnh cho giáo xứ, nhất là vào thời điểm 19-20/5 có phái đoàn Giáo phận Spokane tiểu bang Washington Hoa Kỳ viếng thăm hai Giáo phận Đà Nẵng và Huế.

 Tuy nhiên Cồn Dầu sẽ chỉ có sự yên tĩnh bên ngoài, người dân không chấp nhận giải tỏa di dời khỏi mảnh đất khai phá đã 200 năm với cơ ngơi mấy đời tạo lập và giáo xứ thân thương của mình.