Home Tin Tức Thời Sự Tơ tầm khan hiếm, áo lụa leo thang

Tơ tầm khan hiếm, áo lụa leo thang PDF Print E-mail
Tác Giả: Tú Anh / RFI   
Thứ Hai, 31 Tháng 5 Năm 2010 15:21

Chiếc áo lụa đang trở thành một xa xí phẩm. Chỉ trong vòng một năm, giá sợi tơ tằm tăng gấp đôi tại Trung Quốc do sản xuất sụt giảm.

Trên sàn giao dịch, cái kén được bán với giá 50 đôla mỗi 13 kg. Do vậy , tơ sống cũng leo thang với giá 40 đôla/kg so với 25 đô la cách nay 10 tháng.
Theo một nhà nhập cảng Pháp ở Lyon, mà công ty hoạt động liên tục tại thành trì tơ lụa Pháp từ 200 năm nay, thì giá cả tơ lụa tăng mỗi ngày. Câu hỏi đặt ra là do đâu mà có sự khan hiếm này ?

Lý do thứ nhất là do thiên tai: Hạn hán hoành hành tại Trung Quốc liên tục trong nhiều năm làm xáo trộn chu trình sinh hóa của tằm trong bối cảnh ngành trồng dâu nuôi tằm tại Trung Quốc cũng như nhiều nơi khác như Ấn Độ đang trên đà suy giảm.

Lý do thứ hai là tình trạng đô thị hóa bất chấp hậu quả của Trung Quốc. Điển hình là tại Thượng Hải, quê hương của ngành dệt lụa. Diện tích đất canh tác trồng dâu nuôi tằm mỗi năm mỗi thu nhỏ lại theo nhịp độ xây dựng mở rộng thành thị và cơ sở xí nghiệp. Ra miền quê Thượng Hải, người ta có cảm tưởng như lá dâu bị con tằm khổng lồ ăn dần. Lá dâu là vùng canh tác còn con tằm là đô thị mỗi ngày mỗi phình ra.

Vấn đề nghiêm trọng ở chổ mức sản xuất tơ tại Trung Quốc giảm đến 15% mỗi năm nên không có giải pháp nào khắc phục được. Tại châu Âu, ngành trồng dâu nuôi tằm đã chết từ 50 năm nay, nhường chỗ cho Trung Quốc phát triễn.

Cho đến nay, Trung quốc xuất khẩu 10 ngàn tấn tơ khoảng 10% khối lượng sản xuất. Đứng thật xa phía sau là Brazil với 2000 tấn mỗi năm. Còn Ấn Độ, khối dân khổng lồ sản xuất ra bao nhiêu tơ lụa thì sử dụng hết bấy nhiêu. Đã thế, Trung Quốc còn “giết từ trong trứng nước” những cố gắng vực dậy ngành trồng dâu nuôi tằm tại Ấn Độ bằng biện pháp bán phá giá, tràn ngập thị trường nước láng giềng cái kén với giá rẻ mạt.

Vào lúc tơ tằm khan hiếm thì thời trang trên thế giới lại quay về với sản phẩm thiên nhiên sau gần nửa thế kỷ chạy theo tơ nhân tạo. Giá sợi tơ hóa học do công nghiệp hóa dầu chế tạo cũng “leo thang” theo giá vàng đen.
Giới doanh nghiệp Trung Quốc “thừa nước đục thả câu” đầu cơ tích trữ sợi tơ. Hậu quả là giá cả tăng cao gây lo ngại trong giới nhập khẩu tơ lụa Tây Âu. Một doanh nghiệp Ý cho biết trung bình mỗi tháng giá lụa bán cho các nhà may mặc tăng từ 5% đến 10%.

Đối với người tiêu dùng thì tác động lên sản phẩm cuối cùng không đến nỗi nào, chỉ độ 5% trên giá một chiếc cà-vạt. Dù sao đi nữa, thì giá cao không làm nản chí người thích dùng loại hàng sang trọng này. Trái lại là đằng khác, món hàng càng quý hiếm thì càng được kẻ thích làm trưởng giả săn đuổi.