Home Tin Tức Thời Sự Khủng hoảng đồng euro : Trung Quốc trấn an châu Âu

Khủng hoảng đồng euro : Trung Quốc trấn an châu Âu PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Sáu, 28 Tháng 5 Năm 2010 19:25

Ngày 26/05/2010, đồng euro đã xuống tới mức thấp nhất kể từ 4 năm qua, sau khi tờ Financial Times đưa tin là Cơ quan Quản lý Ngoại hối Trung Quốc SAFE bầy tỏ lo ngại về đồng tiền chung châu Âu.

Trước sự hoảng loạn của thị trường, ngày hôm qua, 27/05, Trung Quốc liên tiếp lên tiếng cải chính, giải thích rằng Bắc Kinh không có lợi ích gì chống lại đồng euro.

 Một nhân viên ngân hàng châu Á giơ cao tờ 100 euros
©Reuters

« Miệng của kẻ có tiền như có gang có thép ». Câu nói ví von này không sai đối với Trung Quốc trong hoàn cảnh khủng hoảng đồng Euro hiện nay tại châu Âu. Với mức dự trữ ngoại tệ được ước tính lên tới khoảng 2.450 tỷ US$ trong đó tỷ lệ đồng euro chiếm từ 20 đến 25%, mọi động thái của Trung Quốc trong chính sách dự trữ ngoại tệ tác động mạnh đến tỷ giá đồng euro, qua đó, ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn để đối phó với khủng hoảng của châu Âu. Nói theo báo chí Pháp, thì Trung Quốc đang quyết định xu hướng tỷ giá đồng euro trên thị trường quốc tế.

Trong những ngày vừa qua, đại diện Cơ quan Quản lý Ngoại hối Trung Quốc, SAFE đã gặp các ngân hàng ngoại quốc tại Bắc Kinh để thảo luận về vấn đề nợ công của châu Âu và tác động của khủng hoảng đối với thị trường công trái. Hôm thứ tư vừa qua, đồng euro đã xuống tới mức thấp nhất kể từ 4 năm qua, với tỷ giá 1 € ăn 1,21 US$ sau khi tờ Financial Times đưa tin là SAFE bầy tỏ lo ngại về đồng tiền chung châu Âu.

Trước sự hoảng loạn của thị trường, ngày hôm qua, sự kiện hy hữu là các quan chức Trung Quốc liên tiếp lên tiếng cải chính, giải thích rằng Bắc Kinh chỉ thực hiện chính sách đa dạng hóa ngoại tệ dự trữ và Trung Quốc không có lợi ích gì chống lại đồng euro.

Hôm qua, trong cuộc họp báo tại Paris, chủ tịch tập đoàn đầu tư Trung Quốc, CIC, một chi nhánh của SAFE, hiện quản lý 300 tỷ US$, trấn an rằng tập đoàn này tiếp tục duy trì mức độ đầu tư tại châu Âu, cụ thể là mua các công trái của những nước trong khu vực đồng euro. Theo lãnh đạo CIC, thì Cơ quan Quản lý Ngoại hối Trung Quốc là một nhà đầu tư dài hạn có trách nhiệm và tuân thủ nguyên tắc đa dạng hóa đầu tư. Châu Âu đã và đang là một thị trường lớn đối với các đầu tư của Quỹ dự trữ ngoại tệ Trung Quốc.

Bắc Kinh phải tránh hiệu ứng « gậy ông đập lưng ông »

Mặc dù lo ngại về quy mô khủng hoảng nợ công của các nước châu Âu, nhưng cho đến nay, chính quyền Bắc Kinh kiềm chế phản ứng, chỉ công khai bày tỏ lo lắng về tác động thương mại của việc đồng euro mất giá và các chính sách thắt lưng buộc bụng của nhiều nước trên lục địa này, qua đó ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu của Trung Quốc. Theo giới chuyên gia, Bắc Kinh phải thận trọng, tránh hiệu ứng « gậy ông đập lưng ông ». Mọi chỉ trích của Trung Quốc đối với đồng euro sẽ làm cho đồng tiền này tụt giá và hậu quả là tổng giá trị dự trữ của ngoại tệ của nước này cũng giảm theo. Bởi vì trong tổng số ngoại tệ dự trữ của Trung Quốc thì có tới 610 tỷ €.

Bà Jinny Yan, chuyên gia kinh tế ở Standard Chartered Bank cho rằng với một khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ như vậy, Trung Quốc không muốn trở thành một nhà đầu cơ trên thị trường. Vào tháng hai vừa qua, Trung Quốc bị nghi ngờ tấn công đồng đô la, khi để cho Nhật Bản trở thành nước nắm giữ công trái Hoa Kỳ nhiều nhất thế giới. Thế nhưng, đến tháng ba, Bắc Kinh lại đầu tư ồ ạt vào loại công trái này.

Tuy nhiên, theo ông Nigel Rendell, thuộc công ty RBC Capital Markets, thì Trung Quốc họa có điên mới không xem xét lại chính sách đầu tư vào các công trái của châu Âu trong bối cảnh hiện nay.

Một kinh tế gia châu Âu làm việc tại Bắc Kinh, được báo Les Echos trích dẫn, nhận định về chiến lược của Trung Quốc như sau : « Có thể là Cơ quan Quản lý Ngoại hối, SAFE, cũng giống như mọi nhà đầu tư, tống đi một chút công trái của các nước châu Âu đang gặp khó khăn, đổi lại, cơ quan này sẽ mua công trái được phát hành bởi các nước khác trong Liên Hiệp Châu Âu, để không làm giảm tỷ lệ chung của phần đầu tư vào đồng euro ». Thậm chí, theo chuyên gia này, vào lúc đồng Euro đang xuống giá, thì Trung Quốc sẽ có lợi nếu mua vào, qua đó, góp phần giữ được giá trị của dự trữ ngoại tệ quốc gia.