Việt Nam dự trù xây 8 lò điện hạt nhân? |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Ba, 25 Tháng 5 Năm 2010 17:06 |
HÀ NỘI (TH) - Nhà cầm quyền Hà Nội dự trù xây dựng 8 lò điện hạt nhân chứ không chỉ có 4 lò như các tin tức thời gian qua từng nêu ra và cũng từng được bàn cãi ở Quốc hội. Bản tin của báo tài chính Nhật Bản Nikkei hôm 18 tháng 5, 2010 nêu ra như vậy viện dẫn lời phát biểu của ông Nguyễn Thiện Nhân, phó thủ tướng CSVN, mà nếu đúng, ước lượng tốn kém có thể lên đến $33 tỉ USD theo ước tính bây giờ. Một cột điện ở thủ đô Hà Nội chằng chịt dây cáp ngang dọc cho thấy sự phát triển bừa bãi theo kiểu sứ quân mạnh ai nấy làm. (Hình: AFP/Getty Images) Ngày 25 tháng 11, 2010, Quốc Hội Việt Nam thông qua bản nghị quyết dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam đặt tại tỉnh Ninh Thuận. Kế hoạch đã được chấp thuận gồm 2 lò phản ứng hạt nhân dự trù khởi công năm 2014 hay 2015 và bắt đầu phát điện từ năm 2020. Trước nhiều phản ứng của dư luận về mục đầu tư năng lượng quá tốn kém trong khi có thể đầu tư vào các nguồn khác rẻ tiền hơn, nhanh hơn, người ta chỉ nghe thấy các tin tức liên quan đến việc xây dựng 2 lò điện hạt nhân đầu tiên sẽ do Nga thầu xây dựng cũng như cung cấp đến 75% tín dụng. Ðầu tháng 4, 2010, báo chí Nhật đặt nghi vấn và xì tin từ giới tình báo kỹ nghệ của nước này nói Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, đã thỏa thuận với nhà cầm quyền Nga để nước này xây dựng hai lò điện hạt nhân đầu tiên cho Việt Nam. Ðổi lại, Việt Nam được mua 6 tàu ngầm hạng Kilo với các điều kiện tương đối dễ dãi. Theo lời ông Nguyễn Thiện Nhân được báo Nikkei kể lại, ngoài 4 lò điện hạt nhân coi như đã “quyết.” còn có kế hoạch xây thêm 4 lò điện hạt nhân khác nhưng ông ta không cho biết thêm chi tiết về địa điểm hay các chi tiết khác liên quan. Dịp này, ông Nhân chỉ bắn tiếng khi nói đến 6 yếu tố có thể dùng làm căn cứ để trúng thầu là bảo đảm kỹ thuật tiên tiến, lãi suất tài trợ tín dụng thấp, cung cấp nhiên liệu hạt nhân đều hòa ổn định dài hạn. Việt Nam sẽ ưu tiên cho nhà thầu nào đạt được những ưu điểm đó, theo lời ông Nhân. Công ty sản xuất điện hạt nhân của Nga, Rosatom, dự trù là công ty sẽ xây 2 lò điện nguyên tử đầu tiên cho Việt Nam với công suất 2,000MW, hãng thông tấn AFP thuật lại một bản tin của Nikkei hồi tháng 2, 2010 cho hay. Tốn phí khoảng $15 tỉ USD theo ước tính hiện nay. Chính phủ Nhật là một trong những nước từng vận động ráo riết để dành hợp đồng xây dựng điện hạt nhân cho Việt Nam trong những năm qua. Nhật Bản lại là nước cấp viện cho Việt Nam nhiều nhất để xóa đói giảm nghèo qua các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở. Khi biết tin Nga đã hớt mất hợp đồng xây 2 nhà máy hạt nhân đầu tiên, bản tin báo Yomiuri Shimbun hôm 27 tháng 2, 2010 nói chính Thủ Tướng Nhật Yukio Hatayama viết bức thư riêng gửi cho Thủ Tướng Hà Nội Nguyễn Tấn Dũng để dành hợp đồng kế tiếp. Suốt từ nhiều năm nay, Nhật Bản đã lập giúp kế hoạch nghiên cứu khả thi và cố gắng vận động để xây dựng lò điện nguyên tử cho Việt Nam, từ cung cấp vốn tài trợ, xây dựng đến huấn luyện chuyên viên. Kỹ thuật điện năng nguyên tử của Nhật tối tân và an toàn hàng đầu thế giới vì Nhật là nước đối diện thường xuyên với động đất, xây dựng với tiêu chuẩn bảo đảm tối đa có thể được. Theo nguồn tin của Nikkei, các công ty kỹ nghệ nặng của Nhật gồm Toshiba, Mitshubishi Heavy Industries và Hitachi Ltd., đã thành lập một tổ hợp đứng đằng sau chính phủ Nhật để cố gắng lấy được mối thầu xây dựng lò điện hạt nhân kế tiếp cho Việt Nam. Ngoài Việt Nam, một số nước ASEAN khác cũng có những kế hoạch xây dựng điện hạt nhân như Phi Luật Tân, Indonesia, Thái Lan, Mã Lai. Theo Hiệp Hội Hạt Nhân Thế Giới, hơn 30 nước gồm cả những nước đang phát triển đều muốn có điện hạt nhân hoặc tăng khả năng điện hạt nhân đang có. Việt Nam hiện đang đối diện với nạn thiếu điện trầm trọng. Nạn cúp điện bất kể giờ giấc đã gây nhiều thiệt hại kinh tế xã hội vì hệ thống lưới điện tùy thuộc một phần vào mạng thủy điện thường không có khả năng cung ứng vào mùa khô hạn. Ðầu tư sản xuất điện, theo các thống kê chính thức, tổng sản lượng điện ở Việt Nam năm 2009 đạt 85 tỉ kwh, tăng gần 14% so với năm 2008 nhưng thiếu điện cho mọi nhu cầu xã hội vẫn là chứng bệnh trầm kha. |