Hội Chợ Triển Lãm Toàn Cầu Thượng Hải và "văn hóa hàng nhái" |
Tác Giả: Đức Tâm |
Thứ Ba, 27 Tháng 4 Năm 2010 15:47 |
Hội Chợ Triển Lãm Toàn Cầu Thượng Hải 2010, khai trương ngày mồng một tháng năm. Đây là sự kiện quốc tế có quy mô nhất tại Trung Quốc kể từ sau Thế Vận Hội mùa hè Bắc Kinh 2008. Nhưng chưa gì đã có các cuộc tranh luận xung quanh vấn đề tác quyền. Hội chợ Triễn lãm Toàn cầu trước ngày khai trương (AFP) Trong những ngày vừa qua, báo chí phương Tây nhắc đến một số hiện tượng có thể làm hoen ố hình ảnh của Hội Chợ Triển Lãm Toàn Cầu Thượng Hải . Thực ra, công nghệ làm hàng giả tại Trung Quốc đã trở thành một huyền thoại, khó có thể biết rõ số lượng các sản phẩm bị sao chép, vi phạm bản quyền ở nước này. Tuy nhiên, mọi người vẫn hy vọng là dự án có tính biểu tượng quốc gia như Hội Chợ Triển Lãm Toàn Cầu Thượng Hải sẽ phải là một ngoại lệ. Vậy mà, không biết có phải do sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không mà con vật biểu tượng cho Hội Chợ, bài hát quảng bá cho sự kiện này, kiến trúc ngôi nhà gian hàng Trung Quốc tại Hội Chợ đã tạo cảm giác cho mọi người là đã trông thấy hoặc đã nghe thấy ở đâu đó rồi. Vấn đề "ăn cắp" bài hát Tất cả bắt đầu cách nay khoảng một tuần khi ban tổ chức Hội Chợ phải đối mặt với những nghi ngờ về bài hát "Right Here Waiting for You" quảng bá cho Hội Chợ với phần trình diễn của diễn viên ca sĩ Jackie Chan - Thành Long và nhiều ngôi sao khác của Trung Quốc. Bài này có nhiều giai điệu giống hệt với bài "Stay The Way You Are" do ca sĩ Nhật Bản Mayo Okamoto trình bày cách nay 13 năm. Bị tố cáo là "đạo nhạc", ban tổ chức cho rút bài hát này. Phó giám đốc Hội Chợ giải thích là phải thận trọng và sẽ cho mở điều tra để làm rõ về vấn đề bản quyền. Vụ việc thứ hai được nêu ra vào tuần trước. Trong cuộc họp báo, một nhà báo Mỹ nêu ra câu hỏi về những tương đồng giữa Hải Bảo, linh vật Hội Chợ Triển Lãm Toàn Cầu Thượng Hải và Gumby, một nhân vật bằng đất sét mầu xanh trong loạt phim hoạt hình nhiều tập của Mỹ, được chiếu trên truyền hình từ năm 1957. Một thành viên trong nhóm thiết kế linh vật Hải Bảo bác bỏ những nghi ngờ về hành động sao chép và nói rằng ông ta chưa bao giờ nghe nói tới Gumby. Trong khi đó, ban tổ chức Hội Chợ lại không chối bỏ rõ ràng khả năng "nhái hàng" này và lập luận rằng linh vật Hải Bảo đã ra mắt công chúng từ lâu, nếu ai đó thấy có vi phạm về bản quyền thì tại sao bây giờ mới nêu ra việc này. Ngôi nhà triển lãm Trung Quốc cũng bị nghi ngờ là sao chép Trong cuộc họp báo nói trên, nghi ngờ sao chép thiết kế ngôi nhà triển lãm của Trung Quốc cũng bị giới báo chí nêu ra. Một phóng viên Hoa Kỳ so sánh ngôi nhà Trung Quốc tại Hội Chợ Thượng Hải với ngôi nhà Nhật Bản ở Hội Chợ Sevilla Tây Ban Nha, năm 1992. Câu trả lời của ban tổ chức là không có chuyện sao chép. Hai ngôi nhà có sự tương đồng bởi vì cùng sử dụng phong cách kiến trúc cổ châu Á ! Còn theo báo The Gazette trên mạng, thì thiết kế ngôi nhà Trung Quốc giống hệt như ngôi nhà Canada tại Hội Chợ Montreal 1967. Kiến trúc sư Roderick Robbie là người thiết kế ngôi nhà Canada đặt tên là Kaimavik, tức nơi gặp gỡ và từ hơn 40 năm qua, ngôi nhà này vẫn được coi là tinh hoa kiến trúc Canada. Hội Chợ Triển Lãm Toàn Cầu Thượng Hải sẽ mở trong vòng sáu tháng. Ban tổ chức hy vọng sẽ đón tiếp khoảng 70 triệu du khách. Đây là Hội Chợ lớn nhất và tốn kém nhất trong lịch sử. Đại diện các doanh nghiệp của khoảng 190 quốc gia và lãnh thổ sẽ có gian hàng tại Hội Chợ nhằm phát triển quan hệ thương mại với Trung Quốc, nền kinh tế đứng hàng thứ ba trên thế giới. Về mặt kinh tế, cho đến nay, rất ít Hội Chợ Toàn Cầu mang lại mối lợi cho nước tổ chức. Đức đã bị lỗ vốn một tỷ đô la khi tổ chức Hội Chợ Hannover năm 2000. Hội Chợ Vancouver năm 1986 đã làm cho Canada thua lỗ 33 triệu. Khó có thể phỏng đoán được là Hội Chợ Thượng Hải sẽ lỗ hay lãi nhưng điều chắc chắc là đảng Cộng sản Trung Quốc và người dân Trung Quốc tự hào về sự kiện này. Trong bối cảnh đó, những nghi ngờ về "văn hóa hàng nhái" là những tỳ vết trong một dự án mang tính biểu tượng cao như Hội chợ Triển Lãm Toàn Cầu Thượng Hải.
|