Home Tin Tức Thời Sự Chuyện vỉa hè: Ký giả ở Việt Nam kiếm tiền ra sao?

Chuyện vỉa hè: Ký giả ở Việt Nam kiếm tiền ra sao? PDF Print E-mail
Tác Giả: Tư Ngộ / Người Việt   
Thứ Bảy, 17 Tháng 4 Năm 2010 16:16

  HÀ NỘI 16-4 (NV) - Ðại đa số ký giả ở Việt Nam đều đói ngoài một thiểu số kiếm ăn chính thức

bằng lương và được trọng dụng nên sống phây phả.

Trong một bài viết trên nhật ký cá nhân (blog) ngày 13 tháng 4 năm 2010, ký giả Mạnh Quân từng là ký giả nổi tiếng của tờ Thanh Niên cho hay có hàng trăm cách khác nhau để trở nên giàu có bằng ngòi bút hay từ nghề viết báo mà nhiều khi không cần đến bài báo.

Một phụ nữ ôm một số tờ báo bán rong trước trụ sở tòa án thành phố ở Hà Nội. Mới đây, bài “nhật ký cá nhân” của ký giả Mạnh Quân vừa cho lên Internet cho thấy thực trạng của làng ký giả ở Việt Nam, họ kiếm tiền ra sao, bát nháo ra sao. (Hình: AFP/Getty Images)

Trên nguyên tắc, họ đều là những kẻ làm công cho guồng máy tuyên truyền một chiều của chế độ CSVN, viết tin, viết bài được định hướng theo “lề phải”. Nhưng rất nhiều người đã luồn lách ngay trong “lề phải” để kiếm tiền và kiếm được nhiều tiền bằng nhiều phương cách khác nhau. Trong đó, kể cả mánh mung, bất chính. Lương tâm, đạo đức nghề nghiệp là cái gì xa xỉ và bị đạp xuống chân.

“Mình bảo, làng báo hiện nay, chỉ nói về các nhà báo trực tiếp đi viết thôi, đoán chừng những người có thu nhập chính thức tầm 20-30 triệu/tháng ($1,000 đến $1,500 USD) có độ hơn 100 người. Các em ồ lên. Tầm 10-20 triệu ($500 đến $1,000 USD) có độ vài trăm người nhưng chắc khó đến 1,000 người. Còn trong khoảng 5-10 triệu ($250 đến $500 USD) chắc có hàng ngàn và dưới 5 triệu cũng hàng ngàn người nữa. Cái số từ 5-10 hay từ 2-3 triệu đến 5 triệu chiếm chủ yếu trong số hơn 10,000 cái thẻ nhà báo được cấp phát và số chưa có thẻ.”

Ðó là những lời Mạnh Quân nói với các sinh viên của “Trường Cao Ðẳng Phát Thanh Truyền Hình” của hệ thống truyền hình Việt Nam, trong một buổi thuyết trình “nói chuyện gì cũng được” ít ngày trước đây.

Ông cho các sinh viên hay “Cũng có một số những người mà tài sản, tiền bạc, cổ phiếu... hiện có vài chục tỷ, đi xe sang, ở nhà biệt thự, chung cư cao cấp, có tiền cho con học nước ngoài... nhưng rất ít. Tôi chỉ biết có độ 2-3 người như vậy. Nhưng phần đông anh em báo chí còn nghèo khó. Có những tờ báo ở Hà Nội còn nợ lương anh em cả nửa năm.”

Theo ông kể, nhiều báo còn bắt phóng viên đi chạy quảng cáo “không được hợp đồng nào trong một tháng hay một quí thì nghỉ việc”.

Nói chung, ông kể ra 5 cách kiếm tiền của ký giả tại Việt Nam.

Cách thứ nhất, kiếm tiền bằng viết báo

Rất hiếm ký giả sống được bằng lương tháng hay nhuận bút của bài viết vì rất ít người “viết bài nào ra bài ấy”. Bởi vậy, một số ký giả kiếm tiền bằng cách “cày” một ngày “có khi viết tới 3-5 bài”, hoặc làm cùng một lúc cho hai ba tờ báo khác nhau. Một đề tài viết thì “chẻ” ra làm nhiều kỳ, nhiều bài hầu có nhiều tiền hơn. “Có báo thì cũng vấn đề đó làm phỏng vấn, có báo thì chuyển thành bài phản ánh...”

Cách thứ hai, kiếm tiền nhờ quan hệ

Từ cái thế làm báo tạo được sự quan hệ và tin cậy của những kẻ quyền thế, nhất là trong các lãnh vực như chứng khoán, đất cát, nhà cửa, thì ký giả chen vào đầu tư. “Có ông (ký giả) còn ôm hàng chục tỉ đồng tiền cổ phiếu, có thể vào hội đồng quản trị của công ty... Có người quan hệ tốt với các công ty xây dựng, tập đoàn xây dựng (nên) được mua chung cư, nhà giá gốc rồi có tiền cứ mua đi bán lại... thì có trong tay vài chục tỉ đồng là dễ hiểu.”

Cách thứ ba là làm giao tế dân sự (PR)

“Một cách kiếm tiền rất phổ biến trong giới báo chí hiện nay là làm PR”. Mạnh Quân nói. “Có những tay vừa viết báo vừa đứng ra làm PR cho vài công ty, tổng công ty, tập đoàn, đại loại làm đầu mối phát đi các thông tin, tổ chức các nhóm phóng viên đưa tin, bài cho doanh nghiệp đó”. Chỉ cái khoản này cũng kiếm từ 10 triệu đến 20 triệu/tháng, ông nói. Từ đó, có người bỏ hẳn viết báo, đứng ra lập công ty PR kinh doanh giao tế thông tin để kiếm sống.

“Có quan hệ sâu nặng với các tập đoàn hay ngân hàng, tổng công ty giàu mạnh nào đó, một năm họ ký cho một hợp đồng làm PR, độ trăm tỉ hay vài chục tỉ là đủ nuôi nhau sênh sang”. Ông viết.

Cách thứ tư: Nhận tiền viết theo chiến dịch

Có khi là một nhóm ký giả được các tập đoàn hay hiệp hội thuê viết về một vấn đề. “Thí dụ tập đoàn dệt may chẳng hạn, họ muốn thuê một nhóm phóng viên đi viết về tình trạng nhập lậu hàng dệt may chẳng hạn, họ trả 5-10 triệu/người, bao hết các chi phí”. Ông Quân nói. “...Một hiệp hội vận tải trả vài chục triệu cho một nhóm phóng viên đi viết về nạn mãi lộ ở một tuyến đường...”

Cách thứ 5: viết theo kiểu ‘đâm thuê chém mướn’ bằng ngòi bút

“Có những cá nhân, doanh nghiệp thuê một người hay một nhóm phóng viên, qua một đầu mối nào đó để viết bài đả doanh nghiệp khác, hay chửi một cơ quan, một cá nhân là cán bộ quản lý nào đó... do có chính sách, việc làm bất hợp lý. Có những nhóm tổ chức “đánh hội đồng” (tất cả các báo cùng viết bài một lúc) hay “xa luân chiến” (từng báo viết một cho đến khi đối tượng phải... sợ thì thôi...)” Mạnh Quân nói với sinh viên.

Theo ông, còn rất nhiều kiểu giúp ký giả kiếm tiền, từ xin quảng cáo đến “chạy sô cày” phong bì ở các hội nghị hay “dọa doanh nghiệp để kiếm tiền”.

Vì biết cách ký giả kiếm tiền, Mạnh Quân nói một số ông sếp báo đã tìm cách cấu lại tiền của họ. Nhờ làm sếp báo cũng có nhiều tiền nên có trường hợp tranh chức trong tờ báo “anh em với nhau đến khi tranh đoạt chỉ cái chức thư ký tòa soạn khổ nhọc thôi mà cũng chiến nhau tới bến”.

Ðể kết luận, ông nói với đám sinh viên về cái nghề báo ở Việt Nam: “Nghề báo, cho dù có nhiều cách kiếm tiền nhưng thực sự để giàu được, có hàng chục đến hàng trăm tỷ thì khó lắm.

 Lúc nào cũng nghĩ đến tiền thì không thể viết báo hay được. Chỉ có làm doanh nghiệp, buôn bán mới có được mức thu nhập ấy. Cho nên, tóm lại, muốn giàu có mà giữ được phẩm chất, tư cách tốt, đừng có mà theo nghề báo”.