Dư luận quanh vụ biểu tình Hồng Y Mẫn: Vắng người vì 'nhiễu thông tin'? |
Tác Giả: Nguyên Huy / Người Việt |
Thứ Tư, 14 Tháng 4 Năm 2010 14:44 |
LONG BEACH (NV) - Với trên 5,000 giáo dân tham dự Thánh lễ Lòng Chúa Thương Xót tại Long Beach do Hồng Y Phạm Minh Mẫn chủ tế hôm Chủ Nhật, và một con số rất nhỏ người biểu tình bên ngoài sân, dư luận đưa ra nhiều câu giải thích khác nhau cho việc biểu tình ít oi. Hồng Y Phạm Minh Mẫn gặp sự chống đối do một bức thư ông viết năm 2008 trong đó ông khuyên thanh niên đi dự Ðại Hội Giới Trẻ Công Giáo ở Sydney, Úc, đừng mang cờ vàng ba sọc đỏ. Quang cảnh buổi Thánh Lễ tại Long Beach. Trước ngày Ðại Hội Suy Tôn Lòng Chúa Thương Xót diễn ra, một Ủy Ban Phản Kháng đã hình thành và ra lời kêu gọi chống lại sự hiện diện của Hồng Y tại Nam California. Ngoài ra, một bức thư kêu gọi biểu tình ký tên ông Trần Thế Cung và ông Rambo Phạm được loan truyền rộng rãi. Tuy nhiên, trong ngày lễ, con số biểu tình chỉ có một ít người. Ông Rambo Phạm nói số người tham gia biểu tình, theo ông, là “trên hai chục người.” Nói với Người Việt, ông Rambo Phạm cho rằng số người không đông là vì người ta không biết có lời kêu gọi biểu tình: “Ở Nam California này có hàng chục tổ chức đấu tranh chống cộng sản, bảo vệ lá cờ Vàng, nhưng sở dĩ người đến biểu tình ít là vì lời kêu gọi biểu tình không được các cơ quan truyền thông báo chí hỗ trợ ngoài việc chúng tôi cho lên Net. Ða số giới cao niên thì có mấy ai đọc Net nên tin tức không được phổ biến rộng. Vả lại nhiều người đã tin rằng Hồng Y Phạm Minh Mẫn sẽ không có mặt vì biết có sự phản đối trong cộng đồng người Việt. Với chúng tôi thì chúng tôi coi là đã chiến thắng oanh liệt chứ không hề thất bại.” Một thành viên Ủy Ban Phản Kháng, không tham gia biểu tình hôm Chủ Nhật, là ông Trần Trọng An Sơn. Ông cho rằng người biểu tình không đông là vì người ta không biết sẽ có sự hiện diện của Hồng Y Mẫn. Trong những tuần trước Ðại Hội Lòng Chúa Thương Xót, đài phát thanh Mẹ Hằng Cứu Giúp do dòng Chúa Cứu Thế phụ trách đọc chương trình chi tiết đại hội. Chương trình này, vẫn còn lưu trữ trên trang web Mehangcuugiup.org, chỉ liệt kê “Thánh Lễ Ðại Trào do Ðức Cha Oscar Solis, Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Los Angeles với Ðức Cha Alexander Salazar.” Bản thông báo không nhắc đến Hồng Y Phạm Minh Mẫn. Ông Trần Trọng An Sơn nói với Người Việt: “Mặc dù chúng tôi qua nhiều cuộc tiếp xúc thăm dò trong và ngoài nước để tìm hiểu xem Hồng Y có đến Hoa Kỳ dự lễ không nhưng kết quả không nhận được tin gì chính xác. Một thân hữu công giáo thân cận với các cha ở trong nước cho biết là nếu ngài đi thì đi trong chính thức chứ ngài đâu có đi trong lén lút. Thêm nữa qua các thông cáo cho đến giờ phút chót của các đoàn thể Công Giáo thay mặt Ban Tổ Chức cũng không nhắc nhở gì tới sự có mặt của Hồng Y nên anh em trong Ủy Ban Phản Kháng đã tạm tin lời trong các thông cáo nên không có phản ứng gì thêm ngoài một Thư Phản Kháng trong Thông Báo số 1 của chúng tôi.” Một luồng dư luận thứ ba, tuy không đồng ý về sự có mặt của Hồng Y Phạm Minh Mẫn, cũng không phản đối. Ông Ngô Chí Thiềng, một nhân vật hoạt động nhiều trong cộng đồng, cho rằng ít ai còn quan tâm đến lời tuyên bố của Hồng Y trước đây. Ông nói: “Cuộc biểu tình chống Hồng Y Mẫn không đông, theo tôi là vì không có mấy người quan tâm đến lời nói của Hồng Y trước đây. Ông là một người chân tu nên phải khéo léo và làm bất cứ việc gì để có thể cho một nhà tu làm việc của mình trong chế độ cộng sản. Phân tích kỹ lời phát biểu của ông thì thấy Hồng Y cũng chẳng thù ghét gì người Việt hải ngoại, cũng không cố tâm gây chiến nên vì thế mà nhiều người bỏ qua không lý tới nữa. Nhưng, giả thử ông mà tới Orange Caounty, Little Saigon xem, vấn đề sẽ lại khác ạ.” Riêng ông Rambo Phạm, người đã kêu gọi biểu tình, thì so sánh việc làm của ông với chiến tranh chống cộng sản thời trước 1975: “Dù chỉ với vài chục người chưa đủ quân số cho một trung đội chúng tôi giống như quân lực VNCH trước đây đã đánh thắng được cả đoàn quân đông đúc có mặt trong buổi lễ có thể từ 8 đến 10 ngàn người. Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã phải đi vào nơi hành lễ bằng cửa sau và phải nhìn thấy lá cờ Vàng mà chúng tôi luôn giương cao trước nơi hành lễ.” Ðại Hội Lòng Thương Xót Chúa năm nay là kỳ thứ 10, do Dòng Chúa Cứu Thế Hải Ngoại tổ chức. Trong các năm trước, đại hội này thu hút khoảng trên 3,000 người đến dự. Năm nay, số người tham dự đứng chật tòa nhà Walter Pyramid, một sân vận động có sức chứa 5,000 người chưa kể ghế đặt trên sân đấu. Vào năm 2008, trước khi lên đường dự Ðại Hội Giới Trẻ Công Giáo Thế Giới tại Sydney, Hồng Y Phạm Minh Mẫn viết một bức thư gởi một số giám mục Việt Nam, trong đó Hồng Y viết về cờ vàng, cờ đỏ, có đoạn: “Một lá cờ biểu tượng cho điều gì? Có lúc lá cờ được coi là biểu tượng cho một đất nước, lúc khác được coi là biểu trưng một chủ nghĩa, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa quốc gia... Có lúc chỉ biểu trưng một thói đời mang tính đối kháng. Giám mục của tôi, cách đây hơn 30 năm, lúc còn sinh thời, đã để lại cho các tín hữu và cho bản thân tôi bài học lịch sử này: người mẹ Việt Nam, lúc mặc áo vàng (cờ vàng), lúc mặc áo đỏ (cờ đỏ), lúc mặc áo lành, lúc áo rách, vẫn là người mẹ đã dầy công sinh thành dưỡng dục con dân Việt Nam, vẫn là người mẹ đã để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản vô giá.” Cũng bức thư trên gọi việc “lá cờ vàng ba sọc đỏ đã được dương lên” là một “sự cố làm tắc nghẽn con đường hiệp thông của các bạn trẻ Việt Nam.” |