Home Tin Tức Thời Sự Thất thoát hàng tấn cao su xuất cảng

Thất thoát hàng tấn cao su xuất cảng PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Ba, 13 Tháng 4 Năm 2010 12:58

SÀI GÒN (LÐ) - Hàng loạt các công ty cao su Việt Nam bị phía người mua khiếu nại là giao thiếu trọng lượng,

 với mỗi container bị hao hụt từ vài trăm kí lô tới cả tấn, theo báo Lao Ðộng.

“Cả chục đối tác từ Indonesia, Malaysia, Pháp, Ðức, Mỹ... đồng loạt cho biết họ bị thiếu mủ ly tâm với số lượng từ vài trăm kilôgram đến vài tấn/container, tập trung chủ yếu ở các lô hàng xuất từ tháng 11, 2009 đến 2, 2010,” báo này viết.

Hứng mủ từ cây cao su tại Việt Nam. (Hình minh họa)

Mủ ly tâm là một hình thức đã thành tiêu chuẩn của hàng chục năm nay trong việc xuất cảng cao su. Theo phương pháp này, nước chứa 60% cao su được bơm vào túi chuyên dụng lót trong thùng container. Khi đủ trọng lượng, container được đóng lại, được cân, và được bấm chì niêm phong.

Container sau đó được chở bằng đường bộ ra cảng, đưa lên tàu và chuyển tới các nước mua. Báo Lao Ðộng cho biết hầu hết các công ty cao su đều thuê cùng một hãng, được viết tên tắt trên báo là “công ty N.Ð.,” để đưa tới cảng.

Tuy nhiên, sau khi tàu cập bến ở ngoại quốc và người mua ra nhận hàng, số cao su trong container đã không còn như ghi trong giấy tờ.

Theo báo Lao Ðộng, hầu hết các công ty cao su lớn của Việt Nam đều bị than phiền giao hàng thiếu.

Công ty bị than phiền nhiều nhất là công ty Cao su Ðồng Nai. Chỉ trong 4 tháng, từ tháng 11 năm 2009 tới tháng 2 năm 2010, công ty này xuất cảng tổng cộng 5 lộ hàng thì bị thiếu mất 6.8 tấn.

Công ty cao su Tây Ninh bị khiếu nại xuất 3 lô hàng tổng cộng 349 tấn thì bị thiếu hơn 4.4 tấn.

Tập đoàn Công Nghiệp Cao Su Việt Nam (tên tắt tiếng Anh là VRG), là công ty mẹ của các công ty cao su địa phương, cũng bị thiếu hàng xuất cảng, khi bán ra trên 792 tấn thì bị thiếu hơn 16 tấn.

Trị giá tiền của số cao su thất thoát là không lớn, nhưng “làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín ngành cao su Việt Nam nói chung, đến thương hiệu của VRG cũng như các tên tuổi như Ðồng Nai, Tây Ninh nói riêng,” theo báo Lao Ðộng trích lời ông Ðinh Vạn Tiến, trưởng ban xuất nhập khẩu thuộc VRG.

Cũng theo báo này, khi cao su được nhận hàng ở nước ngoài, kẹp chì và niêm phong container vẫn còn nguyên.

Ngược lại, các công ty xuất cảng “cho kiểm tra lại toàn bộ các khâu và khẳng định đảm bảo đúng trọng lượng hàng hóa, không thể do lỗi công ty,” báo Lao Ðộng viết.

Thống kê đăng trên trang web Bộ Nông nghiệp Việt Nam cho biết Việt Nam hàng năm xuất cảng khoảng 650,000 tấn cao su, trị giá tổng cộng xấp xỉ 1 tỷ USD.